Tài chính

Mở rộng không gian pháp lý cho ngân hàng số

Minh Châu 28/05/2025 06:54

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, bên cạnh thúc đẩy phổ cập tài chính số và “bình dân học vụ số” toàn ngành, cần nghiên cứu mở rộng không gian pháp lý cho ngân hàng số và tài chính số.

Nhiều nghiệp vụ được số hóa hoàn toàn

Tại Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” ngành ngân hàng gắn với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 27/5, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đến năm 2024, kinh tế số đã chiếm 15% GDP của kinh tế toàn cầu, tương ứng với 16.000 tỷ USD. Nhiều quốc gia xác định kinh tế số là thành phần cốt lõi trong chiến lược quốc gia; tại Việt Nam, phát triển kinh tế số đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, riêng ngành ngân hàng đã tiên phong trong chuyển đổi số với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

nhnn.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Hiện, nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%, như: tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay… Từ năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng và triển khai trên thực tế số lượng lớn các sáng kiến cải tiến quy trình hoạt động, chuyển đổi số, tiêu biểu như BIDV (299 sáng kiến số); TPBank (135 sáng kiến số); Agribank (120 sáng kiến số)… Từ năm 2022 đến nay, các ngân hàng tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo cho hàng chục nghìn lượt học, đơn cử: Vietinbank (90.825 lượt), MB Bank (55.402 lượt); Techcombank (50.942 lượt)…

Phó Tổng giám đốc BIDV Nguyễn Thị Quỳnh Giao cho biết, BIDV chuyển đổi số với ba trụ cột chính, gồm: phát triển hệ sinh thái số, đưa ngân hàng số đến gần hơn với người dân; đồng hành với chuyển đổi số quốc gia và kiến tạo hạ tầng số phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; phát triển chuyển đổi số nội bộ, mỗi cán bộ là một hạt nhân lan tỏa văn hóa số đến toàn bộ người dân và khách hàng; hiện tại, nền tảng số cho khách hàng cá nhân BIDV SmartBanking đã kết nối với hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, bảo hiểm, và phục vụ hơn 22 triệu khách hàng…

Còn tại Vietcombank, Phó Tổng giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết, ngân hàng đã triển khai nền tảng số toàn diện VCB Digibank, tích hợp đầy đủ dịch vụ tài chính với thiết kế giao diện đơn giản, trực quan; hiện, có trên 15 triệu người dùng đăng ký các nền tảng ngân hàng số của Vietcombank, 91,8% tổng lượng giao dịch thực hiện trên nền tảng số. Vietcombank cũng triển khai đồng bộ nhiều kênh hỗ trợ trực tuyến, trực tiếp và tài liệu đa phương tiện. Bên cạnh phát triển nền tảng và hỗ trợ kỹ thuật, Vietcombank rất chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn số.

Nâng cao kiến thức số để thúc đẩy chuyển đổi số

Lãnh đạo NHNN nhìn nhận, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu sống còn để thích ứng, tồn tại và vươn lên. Trong bối cảnh đó, NHNN phát động triển khai hai phong trào thi đua: “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành gắn với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; đây là cam kết của ngành trong việc đồng hành với đất nước thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.

nhnn 2
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Minh Châu

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, các phong trào cần được truyền thông mạnh mẽ để thay đổi tư duy, khơi dậy tinh thần học hỏi và tạo động lực đổi mới sáng tạo trong toàn ngành. Mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong ngành ngân hàng cần chủ động nâng cao kiến thức số, từ đó đóng góp vào hiệu quả hoạt động của đơn vị, đồng thời lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến các bộ, ngành và toàn nền kinh tế.

Cùng với đó, tiếp tục đề xuất các sáng kiến số có tính thực tiễn, khả thi cao nhằm cải tiến quy trình công việc, mô hình vận hành; lựa chọn các sáng kiến số điển hình để truyền thông và chia sẻ nhân rộng; kịp thời biểu dương, ghi nhận, khen thưởng các cán bộ có thành tích nổi trội về số, có các sáng kiến tiêu biểu.

Thống đốc cũng yêu cầu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số, trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và chuyển đổi số; đẩy mạnh đào tạo nội bộ để tăng khả năng thích nghi, thích ứng với môi trường số…

Về phía các tổ chức tín dụng đề xuất NHNN sớm ban hành hướng dẫn triển khai cơ chế sandbox cho ngân hàng số; tăng cường định hướng, hỗ trợ chính sách để phổ cập ngân hàng số đến toàn dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa; đẩy mạnh liên kết với các bên liên quan để lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn quốc…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mở rộng không gian pháp lý cho ngân hàng số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO