Mở rộng "cánh cửa" hoàn lương

- Thứ Tư, 24/02/2021, 07:08 - Chia sẻ
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ xã hội người bán dâm ở cộng đồng bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, mô hình này vẫn chưa thực sự được triển khai sâu rộng. Theo đó, các địa phương cần tăng cường trách nhiệm - mở rộng "cánh cửa" hoàn lương - hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều mô hình được triển khai và phát huy hiệu quả

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2020 các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm ở 21 tỉnh, thành phố. Triển khai và duy trì 113 điểm thực hiện can thiệp theo 3 mô hình của Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.

Đồng đẳn viên hỗ trợ, tư vấn cho phụ nữ bán dâm hòa nhập cộng đồng
Nguồn: ITN

Giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh đã tiếp cận 287.604 lượt người có nguy cơ cao và phụ nữ bán dâm (đạt 80% tỷ lệ phụ nữ bán dâm, 70% người quan hệ đồng giới nam có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận chương trình phòng, chống HIV/AIDS), cấp phát 12.833.466 bao cao su, 11.829.859 bơm kim tiêm (khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ bán dâm ở mức 5%), 2.170.607 người sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tại các điểm tư vấn tự nguyện nhằm phát hiện sớm và điều trị HIV, các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Trong đó, có 12 địa phương tổ chức xây dựng mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; 9 địa phương triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và trung tâm công tác xã hội; 17 địa phương triển khai mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với tổng số người bán dâm tham gia ban chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng trên là 4.463 người. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối giúp người bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

Tại Vĩnh Long, mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và giảm hại, phòng chống bạo lực giới” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm tại TP Vĩnh Long, sau hơn 1 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm như tư vấn hỗ trợ tâm lý, tổ chức học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn sinh kế giúp người bán dâm tự tin hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, mô hình tiếp cận được 70 người bán dâm, tư vấn về tác hại của tệ nạn mại dâm và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục và cách phòng tránh; đã phát 5.000 tờ rơi, 500 cuốn sổ tay các thông tin liên quan đến các đơn vị cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại; thông tin hỗ trợ can thiệp giảm tác hại về phòng, chống bạo lực giới trong công tác phòng, chống mại dâm; phiếu tiếp cận, phiếu chuyển gửi cấp phát cho nhóm đồng đẳng để tư vấn chuyển gửi dịch vụ can thiệp giảm hại cho thành viên nhóm làm tài liệu tuyên truyền.

Hay, ở Quảng Bình, sau hơn 1 năm thí điểm, mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc trợ giúp người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội về y tế, pháp lý, được học nghề để có một cuộc sống ổn định hơn…

Đầu tư, phát triển hệ thống hỗ trợ xã hội

Từ thực tế thí điểm cho thấy, do tính chất, đặc trưng công việc, kỳ thị xã hội… nên việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội hiện có của nhóm đối tượng này là gần như không thể thực hiện. Do vậy, cần thiết phải xây dựng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp với những đặc điểm xã hội đặc thù của nhóm đối tượng này.

Là một trong những địa phương được đánh giá cao trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2016 - 2020, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng miền, giảm luồng dân di cư từ các khu vực khó khăn về thành phố, góp phần phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Xây dựng thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm; nhân rộng các mô hình hiệu quả, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Để thực hiện được các mục tiêu này, Sở đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp về phòng, chống tệ nạn mại dâm nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết,  “năm 2021 sẽ đổi mới việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống tệ nạn xã hội; đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông bằng tiếng dân tộc, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh giáp biên để từ đó phát động và thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong đó, tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm”.

Tuy nhiên, để làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, các chuyên gia cho rằng, phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể, tổ chức cộng đồng và mọi người dân tham gia, đóng góp vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Đồng thời, tăng cường quản lý địa bàn; duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả về can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội; hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn, phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Thái Yến