Trung Quốc tiếp tục là điểm sáng xuất khẩu
- Năm 2023 sắp khép lại, mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 27 tỷ USD của ngành da giày liệu có thành hiện thực, thưa bà?
- Trước hết, có thể khẳng định, 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành da giày. Bởi lẽ, 90% trong tổng sản xuất của ngành dành cho xuất khẩu, song do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát, đặc biệt tại hai thị trường chủ lực là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) khiến sức tiêu thụ đều giảm, kéo theo đơn hàng giảm, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 21,4 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến cả năm sẽ đạt 23,4 - 24 tỷ USD. Hiện, tín hiệu đơn hàng đã bắt đầu khôi phục và sẽ là nền tảng để tiếp đà tăng trưởng trong năm tới với mục tiêu xuất khẩu cả năm khoảng 26 tỷ USD.
Mặc dù không đạt mục tiêu đề ra cho năm nay song xuất khẩu của ngành da giày vẫn có những tín hiệu tích cực. Điểm sáng nổi bật nhất chính là sự gia tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, trong khi thị trường Hoa Kỳ giảm 35%, EU giảm 20%, thì tại Trung Quốc, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm, xuất khẩu da giày của Việt Nam tăng 11% (đạt 1,6 tỷ USD, trong khi cả năm 2022 là 1,8 tỷ USD). Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp xuất khẩu da giày sang Trung Quốc tăng trưởng và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của ngành da giày nước ta.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị lớn nhất của ngành da giày Việt Nam, với 60% tổng lượng nhập khẩu của toàn ngành.
- Theo bà, vì sao xuất khẩu sang Trung Quốc lại có sự “ngược dòng” như vậy?
- Trung Quốc là nước xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới, cho nên việc nước ta tăng xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc là một tín hiệu rất đáng ghi nhận.
Lý do trước tiên là bởi hiện nay, các nhãn hàng đều dịch chuyển nguồn cung về sát với thị trường xuất khẩu, mà Việt Nam ở ngay sát Trung Quốc. Thứ hai, chi phí của Việt Nam rất tối ưu, với chi phí nhân công chỉ khoảng 300 - 400 USD/tháng, còn ở Trung Quốc lên tới cả nghìn USD, qua đó giúp tăng sức cạnh tranh của da giày Việt. Thứ ba, giày dép Việt Nam xuất khẩu là phân khúc trung và cao cấp, trong khi Trung Quốc có dân số đông, nên tỷ trọng dân số ở phân khúc này rất lớn và đó chính là cơ hội để nước ta xuất khẩu phân khúc này.
Đẩy mạnh hợp tác trong nguồn cung nguyên phụ liệu
- Trong tuần tới, 12-13.12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là ngành da giày đang rất mong chờ chuyến thăm này..., thưa bà?
- Việc tăng cường hợp tác giữa hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết để ngành tiếp đà tăng trưởng và phát triển bền vững, bởi Trung Quốc là bạn hàng rất lớn của ngành da giày Việt Nam. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đang rất kỳ vọng chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới cho ngành nói riêng cũng như kinh tế Việt Nam nói chung.
Cụ thể, chúng tôi mong muốn hai nước thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong nguồn cung nguyên phụ liệu để không chỉ đáp ứng yêu cầu của hai nước, mà cả những thị trường xuất khẩu da giày khác của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU…, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tái chế, phát triển xanh và bền vững. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Để thúc đẩy xuất khẩu vào Trung Quốc, cần tăng cường nội lực cho doanh nghiệp Việt, và bởi thế cũng rất cần phía bạn hỗ trợ vấn đề này. Hai nước cũng cần hợp tác để chuyển giao công nghệ; cùng phát triển, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực da giày, quản lý chất lượng hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái, bảo đảm hài hòa cho hai thị trường.
Chúng tôi cũng mong hai nước sẽ hợp tác để có sự thừa nhận lẫn nhau trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, qua đó giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp khi xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực da giày.
- Về phía Hiệp hội có định hướng gì để tăng cường hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc, thưa bà?
- Nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư, bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu là nội dung chúng tôi đã, đang và sẽ đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Cụ thể, Hiệp hội sẽ mời phía Trung Quốc đào tạo cho doanh nghiệp cũng như hệ thống quản lý của nước ta về chống hàng giả, hàng nhái - vốn được nước bạn làm rất mạnh; đồng thời hợp tác với phía bạn để nâng tầm sản phẩm giày dép Việt Nam về chất lượng, thương hiệu, uy tín sản phẩm không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà cả thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tổ chức các hoạt động đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cung ứng nguyên phụ liệu, chuyển giao công nghệ hướng theo tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.
Song, nếu nỗ lực của riêng Hiệp hội là chưa đủ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ quan tâm phát triển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày, với nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Cụ thể, cần phát triển các khu công nghiệp thu hút đầu tư trong và ngoài nước để sản xuất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, bởi chỉ khi chủ động được khâu này thì chúng ta mới chủ động được khâu thiết kế, xây dựng mẫu mã, chào hàng, nếu không các doanh nghiệp sẽ mãi chỉ làm gia công. Song, cần gắn phát triển với kiểm soát chuỗi cung ứng, bởi hiện các thị trường nhập khẩu đưa ra một loạt chính sách mới, trong đó có thẩm định và truy xuất chuỗi cung ứng, yêu cầu trách nhiệm xã hội đối với người lao động.
Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành da giày cũng rất quan trọng, qua đó thu hút các nhà máy sản xuất đến tìm kiếm nguồn cung. Chúng tôi cũng sẽ kêu gọi đầu tư vào Trung tâm này, qua đó gia tăng nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho da giày Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà!