Mở ra hướng điều trị mới ung thư phổi

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 06:11 - Chia sẻ
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội chủ trì, phối hợp với một số đơn vị liên quan đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình tách chiết, nuôi cấy hoạt hóa, tăng sinh tế bào miễn dịch tự thân gamma deltaT (γδT) và diệt tự nhiên (NK) trong điều trị ung thư phổi và bước đầu điều trị thử nghiệm ở các bệnh nhân. Nghiên cứu này đã mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam.
Nguồn: ITN

Tỉ lệ tử vong cao

Ung thư phổi (UTP) là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên thế giới. Theo ghi nhận của Globocan năm 2020, số ca mới mắc ung thư phổi trên toàn thế giới là 2,2 triệu ca, chiếm 11,4% tổng số ca mắc do ung thư; số ca tử vong do UTP là 1,8 triệu ca, chiếm 8,0% tổng số ca tử vong do ung thư. Năm 2020 có gần 1,8 triệu ca tử vong do UTP, chiếm 18% tổng số ca tử vong do ung thư theo thống kê của Globocan.

Tại Việt Nam, theo Globocan năm 2020, tỷ lệ mắc mới UTP xếp thứ hai đối với nam giới (chiếm 18,9%, sau ung thư gan) và xếp thứ hai đối với nữ giới (chiếm 9,1%, sau ung thư vú), có 26.262 ca mắc mới UTP và 23.797 người tử vong vì căn bệnh này. Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, hóa xạ trị, việc phát triển phương pháp điều trị mới cũng như phối hợp các phương pháp với nhau để tăng thời gian sống thêm không bệnh và sống toàn thể, đồng thời nâng cao chất lượng sống với bệnh nhân ung thư phổi là điều hết sức có ý nghĩa.

Hiện nay, trên thế giới, liệu pháp tế bào miễn dịch tự thân sử dụng tế bào lympho γδT được phát triển để điều trị nhiều loại ung thư. Tế bào γδT của người có thể nhận biết các phối tử được biểu hiện bởi các tế bào khối u và thể hiện độc tính mạnh với nhiều dòng tế bào ung thư. Trong liệu pháp này, tế bào miễn dịch được tách từ máu ngoại vi của người bệnh, nuôi cấy tăng sinh, hoạt hóa trong môi trường đặc biệt rồi truyền trở lại cơ thể của chính bệnh nhân. 

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền y học hiện đại, việc triển khai liệu pháp sử dụng tế bào miễn dịch tự thân như tế bào γδT và tế bào diệt tự nhiên (NK) trong điều trị ung thư phổi là bước quan trọng kế tiếp mở ra triển vọng cung cấp những liệu pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào miễn dịch tự thân gamma delta T (γδT) và diệt tự nhiên (NK) trong điều trị ung thư phổi.

Phương pháp mới trong điều trị ung thư phổi

PGS.TS Trần Huy Thịnh - Chủ nhiệm đề tài cho biết, với mục tiêu xây dựng quy trình phân lập, bảo quản các dòng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK; đánh giá tác dụng kháng tế bào ung thư phổi người của tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK trên thực nghiệm; đánh giá kết quả sử dụng tế bào miễn dịch tự thân trong điều trị ung thư phổi. Kết quả, nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình phân lập, nuôi cấy hoạt hóa tăng sinh tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK. Các dòng tế bào miễn dịch tự thân thu được sau nuôi cấy hoạt hóa, tăng sinh đạt tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng cũng như mang đầy đủ đặc điểm và chức năng của tế bào miễn dịch γδT và NK.

Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá tác dụng kháng tế bào ung thư phổi người của tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK trên mô hình chuột thực nghiệm. Kết quả cho thấy các dòng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK có tác dụng trong việc ức chế sự phát triển của khối u, kéo dài thời gian sống của chuột thí nghiệm thêm 33%, cũng như nâng cao chất lượng hệ miễn dịch, đồng thời không gây các tác dụng có hại trên các lô chuột thí nghiệm thể hiện qua trọng lượng chuột thí nghiệm không thay đổi so với lô đối chứng.

Đồng thời, nghiên cứu đã bước đầu thử nghiệm các dòng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK trong điều trị ung thư ở các bệnh nhân ung thư phổi. Kết quả cho thấy, hầu hết bệnh nhân đều đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị. Đối với cả hai liệu pháp sử dụng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK điều trị bệnh nhân ung thư phổi, tỷ lệ bệnh nhân có bệnh ổn định đều đạt 80% và đáp ứng một phần với liệu pháp đạt 20%. Không phát hiện những biến chứng hay tác dụng phụ nghiêm trọng ở toàn bộ bệnh nhân ung thư phổi tham gia vào thử nghiệm.

Theo các chuyên gia, liệu pháp sử dụng tế bào miễn dịch tự thân γδT hoặc NK trong điều trị ung thư được đánh giá là một liệu pháp có độ an toàn cao. Liệu pháp này đã được sử dụng trong thời gian 10 năm cho hơn 10.000 lượt bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện của Tập đoàn Grandsoul Nara, Nhật Bản, là đối tác hợp tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ tế bào miễn dịch điều trị ung thư với Trường Đại học Y Hà Nội mà chưa gặp bất cứ một biến cố đáng kể nào liên quan đến tính an toàn của liệu pháp. Kết quả tương tự về tính an toàn của liệu pháp này cũng được công bố bởi các nghiên cứu khác của Nhật Bản và các nước khác trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tế bào γδT thể hiện tính độc lập đối với các dòng tế bào ung thư, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư vú, ung thư gan, ung thư buồng trứng hay ung thư đại trực tràng.

GS.TS Phạm Gia Khánh đánh giá, những kết quả của nhóm nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sống cho các bệnh nhân ung thư phổi. Đặc biệt, đem lại hy vọng mới, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân do không phải ra nước ngoài điều trị, tiến tới mở rộng điều trị cho các loại hình ung thư khác và cung cấp thêm một liệu pháp hiệu quả cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam.

HẠNH NGUYÊN