“Mở khoa thi cốt được thực tài”

Phạm Thuận Thành 15/08/2011 07:16

Vua Thiệu Trị là vị vua thứ ba triều Nguyễn, ở ngôi từ 1841 đến 1847. Đây là thời kỳ nền văn trị bắt đầu hưng thịnh. Nhà vua rất quan tâm đến chế độ giáo dục và thi cử chọn nhân tài, thể theo chế độ thi cử thời Lê Thánh Tông. Trong vòng bảy năm ở ngôi, nhà vua đã cho tổ chức hai kỳ thi hương và hai kỳ thi hội, thi đình.

Kỳ thi hương năm Thiệu Trị thứ 2 (1842)  nhà vua có quy định số lấy đỗ của từng trường thi: Gia Định 16 người, Nghệ An 25 người, Hà Nội 23 người, Nam Định 21 người, Thừa Thiên 38 người. Riêng trường thi Thừa Thiên được nhà vua cho lấy số đỗ lên 45 người để tỏ lòng mở rộng ân điển buổi mới lên ngôi. Phép thi rất nghiêm cẩn, chọn người thực tài. Quan giám khảo chấm bài không tinh sẽ bị xử phạt. Nếu có tư vụ thì bị phạt tội nặng. Người đỗ nếu chưa thực tài liền bị tước danh tịch. Riêng kỳ thi hương năm này đã có nhiều quan giám khảo bị tội. Điển hình là Cao Bá Quát và Phan Nhạ lấy muội đèn chữa bài cho 24 quyển, lấy đỗ 5 người; Nguyễn Văn Siêu ưu ái lấy đỗ cho Trương Đăng Trinh, cháu họ đại thần Trương Đăng Quế. Việc bị phát giác, Cao Bá Quát và Phan Nhạ bị xử tử, Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, chủ khảo bị giáng chức. Đích thân nhà vua đã cho 5 cử nhân đỗ do được chữa bài cùng Trương Đăng Trinh thi lại theo đề mới. Số này thực tài nên được lấy đỗ và các quan giám khảo cũng được nhẹ tội. Quan thự đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn tâu bỏ số cử nhân này để giữ nghiêm phép tắc trường thi, nhà vua nói: “Đại học sĩ nói phải. Song ân điển buổi ban đầu đã cho tăng thêm số lấy đỗ, không nỡ khắc nghiệt quá lắm. Gia ơn cho bọn học trò là ý của ta, đặc cách khoan rộng cho họ”. Tuy vậy, cử nhân Phan Văn Trị đã bị đánh hỏng không cho đỗ, do phúc tra thấy bài phú trùng vần.

Minh họa của K.Long
Minh họa của K.Long

Kỳ thi hội năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) lấy đỗ trúng cách 10 người, đỗ phó bảng 15 người. Giải nguyên Trương Công Bách người làng Vụ Nữ, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định có chữ phạm húy mà bị cách bằng cử nhân đuổi về quê. Các quan khảo Bạch Đông Ôn và Nguyễn Xuân Bảng vì chấm bài không tinh trường hợp lấy đỗ Nguyễn Hữu Tạo, nhà vua cho phúc thi vẫn lấy đỗ nhưng hai quan khảo bị phạt lương một năm.

Kỳ thi hội năm Thiệu Trị thứ bảy lấy đỗ 8 người. Khi vào thi đình trời đổ mưa, nhà vua cho đốt đèn và đãi cơm thí sinh tại chỗ để làm bài cho kỳ xong suốt đêm. Ai làm xong bài sẽ được cấp thẻ ra cửa và có người đưa về tận nhà ở. Đề thi đình do nhà vua ra và tự đọc văn bài đánh giá cao thấp. Tiến sĩ Đặng Huy Trứ vì có câu văn phạm húy “hữu hại gia miêu” (cỏ năn làm hại lúa, nhưng Gia Miêu là làng quê vua) nên đã bị đánh hỏng tiến sĩ và tước luôn cả danh tịch cử nhân. Bắt đầu kỳ thi này vua yêu cầu các tiến sĩ phải làm biểu tạ ân để vua thêm một lần nữa kiểm tra lại thực học của từng người qua văn phong bài biểu. Vua cũng cho định kiểu mẫu áo cho từng bậc đỗ: nhất giáp thêu hạc và đám mây, nhị giáp thêu chim ở nước màu trắng, tam giáp thêu cò ở nước màu trắng.

Do việc chấm thi chặt chẽ, số người đỗ thi hội không nhiều, lại không có người đỗ trạng nguyên, nhà vua trong bài chế sách thi đình khoa thi Đinh Mùi (1847) có viết: “Bản triều sùng nho trọng đạo, hậu đãi sĩ phu, thân cận người hiền, lập giáo để hóa dân, mở khoa thi để lấy nhân tài, dựng trường học ở trong kinh ngoài tỉnh. Khoa thi mở ra có chính khoa, ân khoa, xuống chiếu cất nhắc những người hiền tài, giáng dụ cầu tìm những người ẩn dật. Thế mà từ khi mở ra khoa thi hội thi đình đến nay, cái ngôi đình nguyên còn đặt không để đợi. Thực là sợ người hiền còn sót ở chốn thôn quê, nhân tài chưa được tiến đạt thì làm thế nào mà thu nhặt được mọi hạng người, hiền tài họp cả lại, người thông minh ở chỗ quan trường để cho nước nhà dùng”. Đau đáu tìm người tài nên nhà vua thường trực tiếp xem xét những vướng mắc trong thi cử. Khoa thi hương năm 1842 trường thi Nam Định có hai anh em ruột Nguyễn Đức Lâm và Nguyễn Đức Khuê người Hải Dương cùng đỗ cử nhân nhưng chủ khảo Trương Quốc Dụng thấy kỳ đệ nhị bài có chỗ giống nhau nên đánh hỏng. Việc đến tai vua, nhà vua nói: “Mở khoa thi cốt được thực tài” liền cho lấy hai quyển thi và gọi hai anh em họ vào cung. Nhà vua sai bộ Lễ và Đô sát viện ra bài thi mới đủ ba kì, thấy hai anh em Lâm, Khuê đúng thực tài vẫn cho đỗ cử nhân. Nhân đó vua dụ quần thần: “Hai anh em Lâm và Khuê văn lý có một hai chỗ giống nhau cũng là mẫu mực trong một nhà, vốn không phải theo vào bản chữ sẵn mà viết lại. Đời cổ có hai người họ Tống cùng đỗ một khoa, bốn người họ Tăng cùng đỗ một bảng, từ xưa đến nay đều cho là việc hay trong làng nho. Ngày nay văn trị rất thịnh, nhân tài lũ lượt ra đời như lông chim phượng nối luôn tiếng tốt, như hoa cây dường lệ nức mùi thơm. Nếu không nói đến có tài học hay không mà chỉ tránh về sự hiềm nghi, lấy một ngọn bút mà mạt sát, như trường hợp Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Đức Khuê nếu không có ta cẩn thận kén chọn lại thì người có học làm thế nào mà tiến thân được.”

Khoa thi đình năm 1847 lấy đỗ đủ tam giáp nhưng số đỗ chỉ có 7 người, vua xem quyển thi của các tiến sĩ mới đỗ rồi dụ bộ Lễ: “Từ đời tam đại trở xuống lấy nhân tài tất phải do khoa mục nhưng khoa mục cũng chưa đủ lấy hết được nhân tài. Vả lại như phép thi thông quán cả bốn kỳ được 10 phân trở lên là chánh bảng, 8 - 9 phân trở xuống là phó bảng. Từ trước đến nay các chánh bảng đều trúng cả bốn kỳ mà được đủ phân số như thế chẳng qua chỉ một hai người, ngoài ra hoặc chỉ được 4 - 5 phân. Còn như phó bảng sở trúng, tuy chỉ 2 - 3 kỳ mà xét phân số ra cũng có đến 8 - 9 - 10 phân trở lên. Ngay trong một việc ấy đã khó chuẩn định mới biết khoa cử văn tự cũng có vận mệnh, tuy tướng quân cũng không xoay lại số mệnh cho được”.

Ôn cố tri tân là bài học quý cho giáo dục hiện nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Mở khoa thi cốt được thực tài”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO