Đến nay, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện tăng bình quân hằng năm đạt 4,05%, riêng ngành nông nghiệp tăng bình quân 3,77%. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đến năm 2023 đạt 117 triệu đồng (vượt 10 triệu đồng/ha so với chỉ tiêu nghị quyết). Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tăng bình quân 11,29%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương tăng bình quân hằng năm 9,38%. Sản xuất nông, lâm nghiệp được huyện xác định là nền tảng, cùng với động lực quan trọng từ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2023, huyện có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm 2 năm so với chỉ tiêu; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu cân đối ngân sách huyện tăng bình quân hằng năm đạt 10,3%, vượt 0,3% chỉ tiêu.
Huyện chú trọng sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, mũi nhọn của huyện được mở rộng diện tích canh tác đạt 4.136,1ha (tăng 46ha so với năm 2019). Thực hiện Đề án nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trồng, sản xuất, chế biến chè và các nông sản thế mạnh theo hướng an toàn, chất lượng cao. Giá trị sản xuất chè ước đạt 1.265,56 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt 310 - 330 triệu đồng/ha. Chăn nuôi được đầu tư phát triển theo hướng trang trại, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, gắn với bảo vệ môi trường; giá trị sản xuất ngành tăng bình quân 5,26%/năm.
Với quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự đồng thuận, tinh thần nỗ lực, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, huyện Phú Lương đang dần hiện thực hóa mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế; phấn đấu đến năm 2025, 100% các xã có sản phẩm OCOP. Chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại - dịch vụ. Tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư để thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các dự án khu dân cư, khu đô thị; xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với quảng bá các di tích lịch sử văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương.