Đổi mới hệ thống tổ chức
Theo Bộ Y tế, tại tuyến trung ương, trên cơ sở hợp nhất một số đơn vị trực thuộc Bộ y tế thực hiện chức năng kiểm soát y tế dự phòng, phòng chống bệnh, Bộ y tế sẽ thành lập cơ quan kiểm soát bệnh, tật theo mô hình các nước đã áp dụng như Mỹ, Trung Quốc, Thailand, Nhật Bản. Sẽ giảm bớt số lượng các bệnh viện trực thuộc Bộ; Bộ Y tế chỉ nắm và đầu tư các bệnh viện gắn với các trường đại học y - dược do Bộ quản lý làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học; các bệnh viện khác sẽ được phân hạng và chuyển giao cho địa phương quản lý. Sáp nhập các đơn vị có chức năng về kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, kiểm định vaccine, kiểm chuẩn trang thiết bị y tế về một đầu mối thành cơ quan kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm cấp trung ương do Bộ Y tế hoặc Chính phủ quản lý; đồng thời thành lập một số Trung tâm vùng về kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm do Bộ Y tế hoặc cơ quan quốc gia về lĩnh vực này quản lý.
Đối với tuyến tỉnh, sẽ hợp nhất một số đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện chức năng kiểm soát y tế dự phòng, phòng chống bệnh, tật để thành lập cơ quan kiểm soát bệnh, tật chung. Từ năm 2016, công tác kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được bàn giao về Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực hoặc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế tỉnh.
Bên cạnh đó, thống nhất mô hình Trung tâm y tế huyện làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng để tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bệnh viện huyện là đơn vị cấu thành của Trung tâm y tế huyện. Đối với huyện có quy mô dân số trên 200.000 dân có thể tách bệnh viện ra khỏi trung tâm y tế huyện thành đơn vị độc lập nếu có nhu cầu và có đủ nguồn lực. Bộ Y tế sẽ đề xuất bỏ mô hình Phòng Y tế tại huyện vì không hiệu quả, trừ các huyện lớn và thành phố mới có Phòng Y tế. Đồng thời thay đổi quy mô tổ chức, chức năng nhiệm vụ tuyến trạm y tế xã, phường theo hướng tinh giảm, phù hợp với nhu cầu thực tế chăm sóc sức khỏe người dân; tăng cường đào tạo bác sĩ gia đình để đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở.
Xây dựng chính sách ưu tiên y tế cơ sở
Nhằm phát huy hiệu quả của y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh Tiêu chí Quốc gia về y tế xã gồm 3 loại: khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm y tế huyện khoảng 30km: ưu tiên cung cấp đầy đủ trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân như bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Khu vực đồng bằng, trung du, bác sĩ có thể làm việc 3 ngày/tuần. Khu vực phường, thị trấn, chủ yếu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, dân số – kế hoạch hóa gia đình không cần đạt chuẩn như ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khu vực đồng bằng và trung du. Từ đó sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế, cân đối hợp lý các chuyên ngành đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ y tế; tiếp tục đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ để đáp ứng nhu cầu cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; triển khai các giải pháp hiệu quả, phù hợp để tăng cường thu hút cán bộ y tế làm việc lâu dài tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; triển khai thực hiện quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội đối với các cán bộ y tế mới ra trường và cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế. Để chuẩn hóa nhân lực y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế; và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và hoàn thiện Thông tư quy định tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế. Về chính sách Bộ Y tế sẽ xây dựng và đề nghị cấp thẩm quyền phê duyệt mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học, tương ứng với thời gian đào tạo 6 năm; công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên phụ cấp ưu đãi nghề từ ngân sách nhà nước…