Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ - Ấn

Mô hình phù hợp cho mối quan hệ vừa đủ

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:03 - Chia sẻ
Ấn Độ và Mỹ đã tổ chức Đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng lần thứ ba tại Nhà khách Hyderabad ở New Delhi, với sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của hai nước. Mô hình này được đánh giá là đặc biệt phù hợp và hiệu quả cho mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn không quá thân thiết đến mức đồng minh, nhưng lại có nhiều mối quan tâm và lợi ích chung như những đối tác hiệu quả.

Mối quan tâm chung

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đang tiếp tục đối đầu căng thẳng ở khu vực biên giới Himalaya, và chỉ một tuần sau khi Ấn Độ chính thức mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên vào tháng 11 tới, với sự góp mặt của hai thành viên khác trong nhóm QUAD (Bộ Tứ) là Mỹ và Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định cuộc họp 2+2 lần này đặt ra các bước tiếp theo cho việc thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Mỹ - Ấn.

Trong Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc đối thoại, Mỹ và Ấn Độ bày tỏ những quan ngại về hành vi của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh đến việc cần thiết hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuyên bố cũng tái khẳng định cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và hòa bình, được củng cố bởi hoạt động đầu tư hạ tầng bền vững và minh bạch, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đây là lần đầu tiên tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Mỹ - Ấn đề cập vấn đề Biển Đông kể từ khi được tổ chức cách đây 3 năm.

Tại cuộc đối thoại, hai bên cũng công bố một số thỏa thuận quốc phòng như Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản về Hợp tác địa không gian (BECA). Ngoài ra, vấn đề hợp tác chống khủng bố cũng như các cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ Afghanistan tại Doha, Qatar, cũng là nội dung được bàn thảo trong cuộc gặp này. Bên cạnh đó, Ấn Độ đề cập về các hoạt động hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19, sản xuất vaccine phòng ngừa dịch bệnh này trong cuộc họp sắp tới. Ấn Độ cũng kỳ vọng sẽ tăng cường phối hợp với Mỹ tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an của Ấn Độ bắt đầu từ tháng 1.2021.

Mô hình phù hợp

Trước khi diễn ra phiên đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar. Trong cuộc gặp, hai bên hoan nghênh Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Mỹ - Ấn lần thứ 3 diễn ra chỉ trong hơn 2 năm qua, là biểu tượng của quan hệ đối tác bền chặt giữa Mỹ và Ấn Độ.

Trong phát biểu khai mạc Đối thoại, ông Jaishankar cũng đưa ra 3 lý do thể hiện New Delhi rất coi trọng đối thoại với Mỹ: Thứ nhất, cả Ấn Độ và Mỹ đều đang sống trong một thế giới khó đoán định hơn với những căng thẳng và mâu thuẫn gia tăng. Đối với hầu hết các quốc gia, điều đó sẽ mang lại cho an ninh một ý nghĩa lớn hơn trong chính sách đối ngoại của họ. Với tư cách là các cường quốc, điều này càng đúng hơn trong trường hợp của hai nước. Thứ hai, trong hai thập kỷ qua, mối quan hệ song phương Ấn - Mỹ đã phát triển đều đặn về thực chất, trên nhiều khía cạnh và ý nghĩa của nó, cho phép hai nước can dự sâu hơn về các vấn đề an ninh quốc gia. Định dạng này rõ ràng là phù hợp với mục đích đó. Thứ ba, vào thời điểm khi mà việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, việc Ấn Độ và Mỹ có khả năng hợp tác chặt chẽ trong chính sách quốc phòng và đối ngoại sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn.

Cơ chế đối thoại Ấn - Mỹ cấp bộ trưởng 2+2 được khởi xướng sau cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2017. Việc tổ chức đối thoại lần 3 này là chỉ dấu cho thấy chính quyền Donald Trump muốn tiếp nối nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama trong việc thúc đẩy quá trình thể chế hóa các khuôn khổ nhất định và các kênh thông tin liên lạc tiêu chuẩn giữa New Delhi và Washington.

Ngoài ra, mô hình đối thoại Mỹ - Ấn cấp bộ trưởng 2+2 này thay thế mô hình đối thoại chiến lược và thương mại Mỹ - Ấn giữa các bộ trưởng thương mại và ngoại giao hai bên vốn được khởi động dưới thời chính quyền ông Obama năm 2015. Do đó, cuộc đối thoại lần này cho thấy sự cần thiết thúc đẩy quá trình thể chế hóa mối quan hệ song phương. Quá trình thể chế hóa này đem lại giá trị rõ ràng trong bối cảnh chính quyền Mỹ nỗ lực tìm kiếm những thỏa thuận thương mại “công bằng và mang tính tương hỗ” với các đối tác của mình. Vì vậy, trong vòng 3 năm qua, mặc dù các cuộc đàm phán thương mại tiếp tục đi vào ngõ cụt liên quan vấn đề tiếp cận thị trường hoặc những vấn đề khác biệt khó giải quyết khác liên quan thương mại số, quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn vẫn tiến triển gần như không gặp phải rào cản nào.

Đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao 2 + 2 Mỹ - Ấn lần thứ 3 tại Ấn Độ hôm 27.10  

Ảnh:  Reuters 

Hiệu quả mà không ràng buộc

Mô hình quản lý quan hệ song phương Mỹ - Ấn cũng trang bị cho cả hai nước khả năng chuẩn bị và ứng phó tốt hơn về mặt quân sự mà không chịu sức ép phải tham gia một liên minh chính thức nào.

Mô hình quan hệ này sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong năm nay với việc hai nước ký kết Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản về Hợp tác địa không gian (BECA) tại đối thoại 2+2 vừa qua. Trước đó, Bản ghi nhớ trao đổi hậu cần giữa hai bên (LEMOA) cho phép tàu tiếp liệu của Hải quân Mỹ tiếp nhiên liệu cho tàu chiến Ấn Độ trên biển và máy bay tuần tra của Mỹ bay ngang qua Port Blair, thủ phủ của quần đảo Andaman và Nicobar. BECA sẽ tạo điều kiện cho việc chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, bản đồ không gian địa lý và dữ liệu vệ tinh nhạy cảm giữa quân đội của hai nước, giúp nâng cao khả năng hoạt động chính xác của tên lửa và máy bay không người lái, qua đó tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quân sự song phương.

Ấn Độ và Mỹ đã ký kết hàng loạt thỏa thuận quốc phòng trong những năm gần đây, cùng với các cuộc tập trận chung ngày càng phức tạp như cuộc tập trận mang tên “Tiger Triumph” diễn ra tháng 11.2019, và thậm chí là thông điệp mạnh mẽ hơn của Mỹ về cuộc đối đầu gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới, song quan hệ hợp tác Mỹ - Ấn không phải là đồng minh và cũng sẽ không tiến tới quan hệ đồng minh.

Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng phát triển này củng cố một thông điệp rằng Washington là đối tác hiệu quả của New Delhi. Trong mối quan hệ này, Ấn Độ nhận được lợi ích đáng kể từ phạm vi hoạt động toàn cầu của Mỹ về công tác hậu cần và tình báo cũng như từ việc Mỹ nhận thức được tình hình khu vực. Ngược lại, Washington cũng được hưởng lợi từ chi tiêu quốc phòng của New Delhi, trong đó phải kể đến các thương vụ vũ khí khẩn cấp liên quan tình hình đối đầu Trung - Ấn ở khu vực biên giới trong năm 2020 này.

Đạt Quốc