Mô hình nhà nổi Việt Nam có thể ứng dụng tại Đan Mạch
Sau khi nghiên cứu nhà nổi tại Cần Thơ, An Giang, Quảng Ninh và Ninh Bình, kiến trúc sư Đan Mạch Hans Peter Hagens khẳng định, đây là mô hình kiến trúc độc đáo, có thể ứng dụng tại Đan Mạch và nhiều quốc gia khác trong tương lai.
![]() |
Dự án nghiên cứu nhà nổi Việt Nam do kiến trúc sư Hans Peter Hagens và nhà nhân chủng học Louise Sylvest Vestergaard thực hiện trong gần 2 tháng năm 2013, đi thực địa tại Cần Thơ, An Giang, Quảng Ninh và Ninh Bình, kết hợp nghiên cứu kiến trúc địa phương cũng như kỹ thuật xây dựng với phỏng vấn những người sống trong nhà nổi. KTS Hans Peter Hagens nhận xét: “Nhà nổi bên dòng sông Me Kong rất đẹp. Đó là lý do tôi vẽ lại các kiến trúc này và vẽ cả màu nước sông. Cùng với sự hỗ trợ của kiến trúc sư Việt Nam Lý Thái Sơn, chúng tôi đã đo và vẽ mặt bằng một số kiến trúc nhà nổi tiêu biểu. Chúng tôi cũng gõ cửa nhiều gia đình sống trên sông và tìm hiểu cuộc sống, cảm nghĩ của họ...”. Dự án đã thể hiện góc nhìn mới về truyền thống định cư và lao động gắn với sông nước của người Việt Nam.
Trước đó, Hans Peter Hagens đã dành thời gian tìm hiểu nhà nổi ở nhiều quốc gia như: Thụy Điển, Na Uy... và ở cả Copenhagen, Đan Mạch. Ông nhận thấy, nhà nổi ở các nước Bắc Âu có quy mô nhỏ, và chỉ được sử dụng vào một mục đích nào đó chứ không để sinh sống hàng ngày. Trong khi đó, nhà nổi ở Việt Nam quy mô lớn, tập hợp thành những làng nổi. Ở đó, không chỉ có nhà ở, mà còn có các công trình phụ trợ, như trường học, trạm xăng, quán ăn, chợ…, làm cho cuộc sống trên sông sống động. Tuy nhiên, các làng nổi cũng chỉ còn nhiều ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, An Giang..., còn tại Ninh Bình và Hạ Long, Quảng Ninh, sự phát triển của du lịch đã làm giảm vẻ đẹp của không gian làng nổi và không còn nhiều người sống trong nhà nổi.
Dự án nghiên cứu nhà nổi liên hệ chặt chẽ với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và Đan Mạch, gồm cả sự hiểu biết về tiềm năng cũng như những thách thức do nước đem lại. Việc sống bên cạnh mặt nước và thiên nhiên luôn đẹp đẽ và hấp dẫn là điều cư dân các nước phương Tây mơ ước, nhưng tất cả cư dân sống trong nhà nổi ở Việt Nam khi được hỏi đều trả lời là mơ có nhà trên mặt đất. Theo Hans Peter Hagens, hiện nay, người Việt Nam chưa nhìn nhận được giá trị của việc sống giữa thiên nhiên. Sau này, khi đô thị phát triển, dân số đông hơn, sẽ có nhiều người mong muốn được sống trên mặt nước. Tuy vậy, ông cũng nhận thấy nhà nổi ở Việt Nam còn nhiều bất cập. “Hoàn toàn có thể nâng cấp điều kiện vệ sinh và cung cấp điện cho nhà nổi, vì họ thường xuyên thiếu điện. Hiện nay, nhiều giải pháp kiến trúc thân thiện với môi trường có thể áp dụng ở vùng sông Me Kong”.
Hans Peter Hagens cũng phân tích những đặc điểm kiến trúc của nhà nổi, phương pháp xây dựng trên mặt nước của người Việt Nam mà Đan Mạch có thể học tập, áp dụng trong tương lai, như với các thị trấn bên dòng kênh ở phía nam. “Chúng tôi đang muốn đề nghị dự án xây dựng cảng nhỏ ở các thị trấn này và dựng nhà nổi để mọi người có thể ở, có các hoạt động vui chơi giải trí, đi lại bằng thuyền… Đan Mạch là đất nước nhỏ, đất đai không nhiều và khá đắt đỏ, tìm ra cách sử dụng mặt nước để xây dựng những nhà nổi sẽ là một giải pháp hữu hiệu. Sắp tới, Đan Mạch có dự án lớn: xây cầu chạy cả trên và dưới lòng đất để nối Đan Mạch với Đức (dự kiến khởi công năm 2015). Để làm cầu cần khoảng 50.000 công nhân. Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng là 50.000 công nhân này có thể sống trên nhà nổi, từ 8 - 10 năm, sau khi công trình hoàn thành họ có thể trao lại cho dân địa phương...”.
Dự án nghiên cứu của KTS Hans Peter Hagens đang được giới thiệu trong triển lãm Nhà nổi trên sông, hồ và biển tại Đại sứ quán Đan Mạch, Hà Nội (đến ngày 6.3). Triển lãm sẽ diễn ra tại Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội từ ngày 25 - 30.3; tại Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh từ ngày 24.2 - 10.3. Nhà nổi trên sông, hồ và biển cũng sẽ được trưng bày tại Đan Mạch. |