Mô hình nào cho viễn cảnh Triều Tiên thống nhất?

Nam Quỳnh 04/05/2018 08:45

Với một loạt bước đi đột phá ngoài tưởng tượng của cộng đồng quốc tế như lãnh đạo hai miền Triều Tiên nắm tay nhau bước qua biên giới mỗi nước, ký “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên”, giới phân tích cho rằng, cuộc gặp gỡ lịch sử này đã mang lại hy vọng mới cho triển vọng hàn gắn hai nửa đất nước đã bị chia cắt 73 năm dù chặng đường phía trước còn hết sức gian nan.

Những gợi ý từ lịch sử

Lạc quan về một tương lai thống nhất, song các học giả cũng cho rằng, quá trình thống nhất phải diễn ra khi cả hai chính phủ quốc gia của Hàn Quốc và của Bắc Triều Tiên tiếp tục tồn tại, ít ra trong tương lai gần. Với điều kiện tiên quyết này, đã sẵn có những gợi ý từ lịch sử cho các kịch bản thống nhất.

Một trong những kịch bản theo hướng này là gợi ý từ Chính sách Ánh Dương (Sunshine Policy). Do cựu Tổng thống Hàn Quốc ông Kim Dae-Jung đề xướng vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, chính sách này chủ trương thống nhất từ từ, bắt đầu bằng hợp tác kinh tế - xã hội, tiến tới hình thành hợp bang (confederation) hay khối thịnh vượng chung (commonwealth) với hai chính phủ khu vực tự trị (autonomous regional government), một ở Bắc Triều Tiên và một ở Hàn Quốc, sau cùng mới hình thành chính phủ quốc gia thống nhất.

Gợi ý thứ hai là mô hình Cộng hòa Liên bang Cao Ly (Confederal Republic of Koryo), được đề xướng bởi cựu Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Il-Sung (cha của ông Kim Jong-il và là ông nội của đương kim lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Chính phủ Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tồn tại riêng biệt trong một hệ thống liên bang bao gồm bang Hàn Quốc và bang Bắc Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 27.4
Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 27.4

Điều thú vị là bản thân mỗi nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên hiện nay đều ít nhiều có liên hệ cá nhân với một trong hai kịch bản thống nhất nêu trên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng là đồng nghiệp, bạn thân, sau đó là trợ tá cho cựu Tổng thống Roh Moo-hyun - người tích cực ủng hộ và thúc đẩy Chính sách Ánh Dương của người tiền nhiệm Kim Dae-Jung. Trong khi đó, ông Kim Jong-un chính là cháu nội của người đề xướng kịch bản Cộng hòa Liên bang, ông Kim Il-Sung. Một nguồn tin từ CHDCND Triều Tiên cho biết, ông Kim Jong-un cũng đang xem mô hình “một đất nước - hai chế độ” của Trung Quốc làm hình mẫu cho kịch bản thống nhất trong tương lai.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nam - Bắc vào tháng 6.2000, các cuộc họp mặt ngoại giao giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il (cha của ông Kim Jong-un) cũng đã từng tạo ra những làn sóng khấp khởi hy vọng cho người dân trên bán đảo Triều Tiên và thế giới. Kết quả lần gặp mặt đó là Bản tuyên bố chung Nam - Bắc ngày 15.6.2000 gồm năm điều. Trong đó tại Điều 2 ghi: “Để đạt được việc tái thống nhất, chúng tôi đồng ý rằng có một yếu tố chung giữa khái niệm hợp bang (confederation) của Hàn Quốc và công thức dành cho một dạng liên bang (a loose form of federation) của Bắc Triều Tiên. Cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đồng ý thúc đẩy việc thống nhất theo hướng đó”. Tuy nhiên, thông điệp hồ hởi này dễ khiến nhiều người bỏ qua một điểm khác biệt quan trọng.

Hợp bang hay liên bang?

Hợp bang (confederation) và liên bang (federation) là hai khái niệm rất dễ bị nhầm lẫn. Hợp bang là một khối liên minh nhiều quốc gia, thường được hình thành và gắn kết bằng hiệp ước (có thể có cả một hiến pháp chung), trong đó mỗi quốc gia thành viên hợp bang vẫn có chủ quyền độc lập; có một chính quyền hợp bang bao gồm các đại diện của mỗi quốc gia thành viên, nhưng chính quyền này không có quyền lực mạnh mẽ. Trong khi đó, liên bang lại là một quốc gia thống nhất, hình thành và gắn kết bằng hiến pháp. Trong quốc gia này có nhiều bang riêng biệt. Chủ quyền quốc gia thuộc về chính quyền liên bang - có thể hiểu là chính quyền trung ương. Chính quyền liên bang nắm quyền lực cao hơn các chính quyền tiểu bang.

Nếu Chủ tịch Triều Tiên muốn áp đặt mô hình liên bang trong khi ông Moon trung thành với mô hình hợp bang thì họ có thể gặp nhau ở đâu? Bài toán không đơn thuần là mô hình nào, mà còn liên quan một chỗ rất “động chạm”: Chủ quyền quốc gia. Câu hỏi này nhiều khả năng sẽ là một vấn đề được tranh luận khi các nhà lãnh đạo hiện nay của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng nhau nhìn vào các điều khoản cụ thể để tiến tới hòa bình thống nhất sau khi những điều khoản của Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên  được thực thi nghiêm túc cũng như cuộc hội ngộ Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới đem lại những kết quả thiết thực.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mô hình nào cho viễn cảnh Triều Tiên thống nhất?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO