Mô hình cánh đồng lớn

Ts. Bùi Ngọc Thanh 18/09/2017 08:45

Vào những năm 2010 - 2011, Bộ NN - PTNT có chủ trương xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”, trước hết là ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay cánh đồng mẫu lớn đã phát triển ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và không chỉ là cánh đồng lúa mà cả ngô, mía, rau, chè... Thời gian làm “mẫu” cũng đã qua nhiều năm nên bây giờ người ta chỉ còn gọi là “Cánh đồng lớn”.

Vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường

Theo Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 của Tổng cục Thống kê tháng 4.2017(*), đến ngày 1.7.2016, cả nước đã có 2.262 cánh đồng lớn, trong đó đồng bằng sông Hồng có 705 cánh đồng, chiếm 31,2% tổng số cánh đồng; Trung du, miền núi phía Bắc 176 cánh đồng, chiếm 7,8%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 675 cánh đồng, chiếm 29,8%; Tây Nguyên có 83 cánh đồng, chiếm 3,7%; Đông Nam Bộ có 43 cánh đồng, chiếm 1,9%; Đồng bằng sông Cửu Long có 580 cánh đồng, chiếm 25,6%. Có 48 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, trong đó Thanh Hóa có số lượng cánh đồng lớn nhiều nhất với con số 238, tiếp đó là Bình Định với 202; ít nhất là Đắk Lắk chỉ có 1 cánh đồng.

Phân chia theo sản phẩm sản xuất thì có 1.161 cánh đồng lúa, chiếm 73,4% tổng số cánh đồng; 50 cánh đồng ngô, chiếm 2,2%; 95 cánh đồng mía, chiếm 4,2%; 162 cánh đồng rau các loại, chiếm 7,2%; 38 cánh đồng chè búp, chiếm 1,7%; 71 cánh đồng cây gia vị (ớt, hành, tỏi...), chiếm 3,1%; các loại cây trồng khác 185 cánh đồng, chiếm 8,2%.

Về quy mô sản xuất của cánh đồng lớn, năm 2016 tổng diện tích gieo trồng của các cánh đồng lớn đạt tới 579.300ha, trong đó diện tích lúa 516.900ha, chiếm 89,2%; ngô 3.500ha, chiếm 0,6%; mía gần 14.000ha, chiếm 2,4%; rau các loại 17.000ha, chiếm 2,9%; chè búp gần 7.600ha, chiếm 1,3%.

Phân chia theo vùng kinh tế thì đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gieo trồng lớn nhất 427.800ha, chiếm 73,9% tổng diện tích gieo trồng cánh đồng lớn cả nước. Tiếp theo là đồng bằng sông Hồng 67.600ha, chiếm 11,7%; Đông Nam Bộ 7.400ha, chiếm 1,3%...

Diện tích gieo trồng bình quân một cánh đồng bằng 256,1ha. Trong đó, cánh đồng lúa đạt 311,2ha; cánh đồng ngô 69,4ha; cánh đồng mía 147,2ha; cánh đồng rau các loại 105ha; cánh đồng cây gia vị xấp xỉ 26ha; cánh đồng chè búp 200ha.

Diện tích gieo trồng theo mô hình cánh đồng lớn đến nay đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất là 29,2%. Trong đó có 12 tỉnh có tỷ lệ đạt 100%; 9 tỉnh đạt dưới 10%. Một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau hầu như chưa có diện tích nào ký được bao tiêu sản phẩm.

Đến năm 2016 đã có khoảng 619.000 hộ (khoảng 2 triệu lao động chính) tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Bình quân số hộ tham gia trên một cánh đồng lớn là 274 hộ. Trong đó cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng 375 hộ/cánh đồng; thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ 50 hộ/cánh đồng. Tỉnh có số hộ bình quân tham gia nhiều nhất trên một cánh đồng là Phú Thọ, tới 1.019 hộ; thấp nhất là Khánh Hòa 23 hộ/cánh đồng.

Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Sản xuất trên cánh đồng lớn có điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa; ứng dụng nhanh hơn và đồng bộ hơn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất hàng hóa nông sản với khối lượng lớn, chất lượng được bảo đảm hơn. Cánh đồng lớn ngày càng thu hút được các doanh nghiệp công thương nghiệp tham gia tiêu thụ hàng hóa nông phẩm. Đây là một trong những giải pháp góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiệu quả cao...

Thúc đẩy hình thành thêm nhiều cánh đồng lớn

Dù đã và đang đem lại hiệu quả song mô hình cánh đồng lớn cũng chưa thật lớn, vẫn còn ở phạm vi hẹp so với nền sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tổng diện tích gieo trồng của toàn bộ cánh đồng lớn mới chỉ chiếm 3,9% tổng diện tích gieo trồng của cả nước. Trong đó, diện tích lúa chỉ chiếm 6,6% tổng diện tích lúa cả nước. Tương tự, diện tích ngô 0,3%, mía 4,9%, rau các loại 1,9%, chè búp 5,6%... Do đó phải có những giải pháp thúc đẩy hình thành thêm nhiều cánh đồng lớn cả về số lượng và quy mô mỗi cánh đồng.

Nguồn: ITN
                                                                                                                                            Nguồn: ITN

Có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn, nhưng trước mắt có thể sớm thực hiện mấy giải pháp tổng thể sau.

Trước tiên, Nhà nước thực thi có hiệu quả chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn trên cơ sở bảo đảm lợi ích hợp lý giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh. Bởi doanh nghiệp là người bảo đảm cung ứng vật tư đầu vào hợp lý (giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ cơ giới hóa...) cho nông dân. Doanh nghiệp có vai trò chỉ đạo sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Và doanh nghiệp là người bao tiêu khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cho nông dân sau mỗi chu kỳ sản xuất.

Tiếp tục chỉ đạo nhân rộng việc xây dựng cánh đồng lớn ra 15 tỉnh, thành còn lại. Lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo khẩn trương, rốt ráo việc “dồn điền liền thửa” để nhanh chóng tạo ra nhiều cánh đồng lớn.

Khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào cánh đồng lớn với tư cách là thành viên của một đơn vị sản xuất; tham gia vào các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bằng cách cho thuê đất, góp vốn bằng đất canh tác và làm lực lượng lao động nòng cốt của mô hình cánh đồng lớn...
_______________

(*) Báo cáo sơ bộ Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, tháng 4.2017.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mô hình cánh đồng lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO