Vừa qua, dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí tại TP. Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động. Xe đạp công cộng có thu phí được triển khai trên cơ sở Đề án xe đạp công cộng của Hà Nội.
Theo thông tin được công bố, đề án có tổng mức đầu tư là hơn 130 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Việc hoàn vốn dự án sẽ thông qua thu phí cho thuê xe.
Doanh nghiệp được phê duyệt triển khai thí điểm đề án là Tập đoàn Trí Nam, hiện đã bố trí hơn 600 xe đạp công cộng tại 6 quận nội thành Hà Nội là Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.
Trước khi thực hiện kinh doanh xe đạp công cộng ở Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam từng triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại nhiều tỉnh thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh (500 xe), Vũng Tàu (100 xe), Quy Nhơn, Đà Nẵng (300 xe) và Hải Phòng (500 xe).
Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam cho biết, dự án triển khai xe đạp công cộng ở Hà Nội là mô hình mới so với các tỉnh khác vì sử dụng cả xe đạp có trợ lực điện.
Theo tìm hiểu, dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí được Tập đoàn Trí Nam đặt tên là TNGo. Ở địa bàn Hà Nội, TNGo có 79 điểm trạm với 500 xe đạp điện và 500 xe đạp cơ trải khắp các quận nội thành Hà Nội. Mức giá cho thuê xe là 5.000 đồng/30 phút cho xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút cho xe đạp điện.
Đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm quản lý vận hành TNGo là Công ty cổ phần vận tải số Trí Nam, một thành viên của Tập đoàn Trí Nam.
Tập đoàn Trí Nam được thành lập năm 2009 với nhiệm vụ chiến lược là phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống và giải pháp phần mềm nhúng, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nghiệp vụ CNTT cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Năm 2018, vốn điều lệ công ty là 18 tỷ đồng, trong đó, 3 cổ đông sáng lập: ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT, Ông Nguyễn Mạnh Trường - Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quang Thắng - Phó Tổng giám đốc mỗi người góp 6 tỷ, 33,33%. Đến tháng 3.2019, Trí Nam tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ và tháng 2.2020, tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng.
Về chiến lược kinh doanh, ban đầu Trí Nam hợp tác với Viện CNTT Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chỉ 2 năm sau đó, Trí Nam trở thành đối tác triển khai các cổng thông tin và dịch vụ công cho rất nhiều cơ quan nhà nước. Đến nay đã có hàng chục bộ, cơ quan ngang bộ là đối tác của tập đoàn.
Cho đến giai đoạn hiện nay, Trí Nam đang triển khai và tư vấn kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử, trục tích hợp LGSP cấp TW, Tỉnh và Huyện; tư vấn và xây dựng các CSDL Quốc gia về các lĩnh vực: KHCN, Môi Trường, Lao Động - giảm nghèo, Giáo dục...Triển khai, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin trung tâm điều hành, Datacenter, VDI...Cung cấp và triển khai các hệ thống camera thông minh giám sát an ninh, giao thông
Về Công ty Vận tải số Trí Nam, doanh nghiệp này thành lập tháng 3.2021, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Toàn (1977). Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Ngày 20.7.2023, công ty vừa tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ lên 23 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn thứ 2 trong năm của Vận tải số Trí Nam, trước đó, vào tháng 3, công ty tăng vốn từ 12 tỷ lên 15 tỷ đồng.
Khi mới thành lập, vốn điều lệ của Vận tải số Trí Nam là 100 tỷ đồng, trong đó, CTCP Tập đoàn Trí Nam góp 97 tỷ, chiếm 97% vốn, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch công ty góp 2 tỷ, chiếm 2% vốn và ông Nguyễn Văn Toàn góp 1 tỷ, chiếm 1% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến tháng 7.2021, công ty đã hạ vốn điều lệ xuống 12 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu khi đó gồm Tập đoàn Trí Nam chiếm 60%, ông Đỗ Bá Quân chiếm 11,5% và ông Nguyễn Văn Toàn chiếm 3%.