Mở cửa tâm trí, mở khóa tương lai

- Thứ Năm, 05/08/2021, 05:53 - Chia sẻ
Nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ Sunday Times, đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ, “Utopia - Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa” (bản tiếng Việt do Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành) của tác giả Rutger Bregman - nhà sử học xuất sắc nhất châu Âu - truyền đi thông điệp: “Mở cửa tâm trí để mở khóa tương lai… không chỉ nghĩ về thế giới theo những cách khác nhau, mà còn về việc chúng ta muốn nó trông như thế nào”, bởi “tiến bộ là việc hiện thực hóa những điều (bây giờ chúng ta cho là) không tưởng”.

Trong Utopia - Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa, Bregman đề cập nhiều quan điểm mới, trong đó đáng chú ý là 3 ý tưởng: (1) mỗi người dân đều có thu nhập cơ bản để bảo đảm cuộc sống tối thiểu mà không cần điều kiện đi kèm; (2) thời gian làm việc còn 15 giờ/tuần; (3) cải cách giáo dục hướng đến tạo ra giá trị cho xã hội.

Cuốn sách xuất bản lần đầu bằng tiếng Hà Lan và nhanh chóng gây chú ý, được dịch sang nhiều thứ tiếng

Thu nhập bảo đảm cuộc sống tối thiểu

Quan điểm về thu nhập cơ bản mở đầu bằng thông tin về một loạt thử nghiệm trao tiền vô điều kiện cho 13 người đàn ông vô gia cư tại London (Anh) năm 2009, các khoản trợ cấp bằng tiền mặt trực tiếp cho người dân nghèo của GiveDirectly và Chính phủ Uganda, Liberia; quan trọng nhất là thí nghiệm "Mincome", trong đó vào những năm 1970, người dân ở tỉnh Manitoba (Canada) được cấp tiền mặt đủ để trang trải cuộc sống mà không có điều kiện nào đi kèm.

Thông qua những ví dụ này, Bregman không chỉ chứng minh một cách thuyết phục tính hiệu quả của chúng, mà còn giải quyết một số mối quan tâm chính xung quanh tiện ích của thu nhập cơ bản. Ví dụ, các nhà quản lý lo ngại rằng, nếu có thu nhập cơ bản, thì mọi người sẽ ngừng làm việc, nhưng trong thử nghiệm của Mincome thì ngược lại. Theo Bregman, điều này là do ba tiền đề cơ bản: (1) mọi người thường biết điều gì tốt nhất cho bản thân, (2) mọi người muốn thành công, (3) thoát khỏi nghèo đói, mọi người đưa ra quyết định tốt hơn.

Làm việc 15 giờ/tuần

Từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất, thời gian làm việc của người lao động đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ 70 giờ/tuần xuống còn trung bình 40 - 48 giờ/tuần như hiện tại. Những người làm chủ là nhóm người phản đối mạnh mẽ nhất xu hướng này. Tuy nhiên cũng có những người như Henry Ford, ngay khi các doanh nghiệp khác đang áp dụng lịch làm việc 60 giờ/tuần, ông đã cho nhân sự của mình chỉ làm việc 5 ngày với 40 giờ/tuần. Henry Ford phát hiện rằng thời gian làm việc ngắn hơn trong tuần giúp gia tăng năng suất của công nhân; đồng thời thời gian rảnh rỗi cuối tuần cũng là “thực tế kinh doanh lạnh lùng”. Có nó công nhân mới mua và lái những chiếc xe Ford đến những nơi mà họ yêu thích.

Nhà triết học người Anh John Stuart Mill cũng cho rằng, cách tốt nhất để sử dụng nhiều của cải hơn là có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Và công nghệ nên được sử dụng để hạn chế thời gian làm việc mỗi tuần càng nhiều càng tốt. “Sẽ có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết cho văn hóa tinh thần, đạo đức và tiến bộ xã hội, cũng như nhiều không gian cho việc cải thiện nghệ thuật sống”.

Bregman đề xuất: “Việc cắt giảm thời gian làm việc trước hết cần được coi là lý tưởng chính trị. Sau đó chúng ta có thể từng bước giảm thời gian làm việc, đổi tiền bạc lấy thời gian, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, phát triển hệ thống hưu trí linh hoạt, cũng như chế độ thai sản và chăm sóc trẻ em tốt hơn… Cần tái phân phối tiền (bằng cách thiết lập chính sách thu nhập cơ bản), thuế (đánh vào nguồn vốn thay vì lao động) và tất nhiên, robot… ngược lại bất bình đẳng có thể lại phát triển đến mức đáng sợ”.

Giáo dục tập trung vào năng lực

Một trong những quan điểm thú vị và sâu sắc khác của Bregman là về giáo dục. Quan điểm này hơi bị ẩn đi trong Chương 7 với tựa đề Lý do bạn không nên làm việc cho ngân hàng. Đề cập đến các xu hướng phân tích gần đây, Bregman phác thảo một cách chặt chẽ cách xã hội vận hành đã khiến hàng nghìn trí tuệ sáng suốt tham gia vào các công việc giúp luân chuyển giá trị thay vì tạo ra những điều thực sự có ích cho xã hội như phương pháp chữa trị ung thư...

Tại Mỹ, việc cắt giảm thuế thời Reagan đã thúc đẩy sinh viên tốt nghiệp sáng giá đi làm tài chính, thay vì giảng dạy hoặc làm trong ngành kỹ thuật. Hơn nữa, ông lập luận rằng tất cả các cuộc tranh luận lớn trong giáo dục là về định dạng hoặc phân phối, “giáo dục được trình bày như một chất bôi trơn để giúp bạn lướt qua dễ dàng hơn trong cuộc sống”. 

Bregman đề xuất, thay vì xem xét các giá trị hoặc giải quyết các vấn đề trong xã hội, hệ thống giáo dục cần tập trung vào năng lực. Ngoài ra, theo Bregman, chúng ta nên hỏi “chúng ta muốn con mình có kiến thức và kỹ năng nào vào năm 2030?”. Điều này sẽ cung cấp cho họ nền tảng để tạo ra tương lai mới, thay vì tiếp tục các mô hình mệt mỏi như ngày nay. 

Mặc dù đưa ra khá nhiều quan điểm mới và hấp dẫn, nhưng Utopia - Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa “không đưa ra câu trả lời có sẵn, chứ đừng nói đến giải pháp” cho nhiều vấn đề. Tuy vậy, tác giả giúp độc giả biết cách đặt ra những câu hỏi đúng, từ đó tạo con đường tranh luận mới, khuyến khích người đọc suy nghĩ về những điều chính thống đã được thiết lập. Như Patrick Kingsley viết trên tờ New York Times: “(Bregman là) một Malcolm Gladwell cấp tiến hơn về mặt chính trị khiến các sử gia kinh tế có thể phát cuồng... Trong cuốn sách này, ông kết hợp cách tiếp cận chi tiết về chính sách kinh tế với tầm nhìn không tưởng về một tương lai tốt đẹp, và chỉ ra xã hội có thể biến những điều tốt đẹp trở thành hiện thực”.

Hà Linh Ngọc