MỞ CỬA MÁY BAY BƯỚC RA NGOÀI RONG CHƠI (PHẦN CUỐI)
Truyện ngắn của Mạc Can

27/11/2013 08:42

>> Mở cửa máy bay bước ra ngoài rong chơi (Phần 1)

Người đó, như tôi nói chính là tâm bão. Còn với tôi thì đây là lời tỏ tình cuối mùa thu. Bà vô tâm và tử tế, đã để cho tôi thao thức. Buồn cười cho ông lão rụng răng có vẻ như muốn trở về thời kỳ thanh niên. Tôi muốn mở cửa tìm một dòng suối mơ trên Thiên Thai. Ngoài vài cánh cửa trong căn phòng nơi tôi thuê, cánh cửa qua bên kia căn phòng chứa phế liệu, tôi vẫn muốn mở nhiều cánh cửa khác. Một cánh cửa đi vào bên kia một trái tim.

Giờ thì tôi khao khát muốn mở ngay một cánh cửa. Nhất là mở cửa sổ trên các chuyến bay. Tôi muốn bước ra ngoài rong chơi trên các áng mây và hy vọng sẽ gặp lại, một người phụ nữ ân cần hiếm thấy trên cõi đời nầy. Người mà tôi tình cờ gặp trên sân quay phim. Người đã tốt bụng băng bó vết thương cho tôi. Khi tôi gặp tai nạn trong pha diễn khá nguy hiểm.

Minh họa của Vũ Huyên
Minh họa của Vũ Huyên
Tôi cũng hiểu ánh sáng xuyên qua mảnh kính là chuyện không lạ. Và con người có thể làm được nhiều thứ - kể cả chuyện khác thường. Như là tìm gặp người mình thương yêu, khi tôi ngủ, khi người tôi yêu thương cũng ngủ, mỗi người ở cách xa nhau, cả thời gian và không gian. Còn tốt hơn vậy nếu cả hai đừng có bao giờ thức giấc. Tôi hiểu người phụ nữ đó, chỉ còn gặp tôi trong trường hợp sau cùng. Chồng bà ở tận bên Mỹ, bà nuôi những đứa con và chờ ông ta. Bỗng nhiên tôi khóc vì điều đó. Tôi muốn thấy lại hai chiếc răng cửa thật là trắng của bà. Mà tôi ngờ rằng đó là răng giả. Tôi yêu nỗi ưu phiền mà bà tránh không nói tới. Tôi muốn hôn lên mái tóc ngả màu của bà. Và khi bà đồng ý cùng chụp với tôi một tấm ảnh, mà sau lưng “chúng tôi” là một dòng sông lớn. Tôi đã khẽ khàng chạm tay vào bờ vai bên kia của bà. Tấm ảnh nầy tôi “ken” vào màn hình máy vi tính xách tay của tôi. Hàng đêm tôi nhìn tấm ảnh, và không viết gì, không muốn có một hành động gì. Cho tới khi tôi có ý định mở cánh cửa trên máy bay… đi tìm bà.

Bà Khánh không giấu nổi tôi. Sự ưu phiền, cả trong khi bà huyên thuyên, nói những câu chuyện vui và cười. Tôi cũng thế, tôi là người có nhiều nụ cười buồn. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi hứa hẹn sẽ cười qua điện thoại với nhau. Sau vài giây gọi cho nhau qua điện thoại, lại là một khoảng trời trống vắng sầu muộn khôn nguôi. Tôi nhớ vào buổi tối quay cảnh cuối cùng. Tôi hốt hoảng, đâm lo rồi đây mình sẽ không còn được gặp bà. Trước khi tạm biệt. Tôi tha thiết yêu cầu bà rằng: Bà đừng quên bà đã hứa cho phép tôi. Thỉnh thoảng gọi điện trò chuyện với bà. Hay là nếu không phiền cho tôi nhắn tin cho bà cũng vui.

Ban đầu bà Khánh chỉ cười, sau đó bà đồng ý. Ở tuổi “bà già” nầy mà có một “ông già” thỉnh thoảng nhắn tin cho mình cũng vui. Một người yêu mình dù là ảo cũng vui. Lạ thật khi nhắn tin hay điện thoại tôi mới dám nói với bà Khánh nhiều điều, bạo miệng hơn là tôi tưởng. Còn khi đứng trước mặt bà tôi chỉ nói đùa. Tôi nhắn tin qua máy của bà Khánh, lúc đó bà không xa tôi bao nhiêu, mà đang đứng cạnh cửa xe, bà đang lo công việc của bà, tôi thì ngồi trên xe, bà chỉ cách tôi vài bước. Rồi như là tôi trông thấy dòng chữ mà tôi nhắn tới bà đang bay trong không gian. Có lẽ chiếc điện thoại run trong tay bà lúc nó nhận được dòng tin đó. Bà cúi xuống đọc: Anh nhớ em quá Khánh ơi. Tôi ước chi cái điện thoại đang run trong lòng tay của bà… là bàn tay của tôi. Khuôn mặt tỉnh rụi, mà có vẻ vui vui của bà khổ thay lại khó cho tôi biết rằng bà vừa nhận tin nhắn của tôi. Nhưng một lúc sau tôi lại nhận được một tin nhắn bằng… thơ: Khánh giờ sống cũng bằng không. Coi như Khánh đã sang sông đắm đò.

Mọi người trong đoàn phim đều nói bà Khánh tốt bụng bẩm sinh. Bà Khánh còn đẹp và dễ thương. Tôi muốn xóa đi chữ Còn chỉ xin giữ lại chữ Đẹp thôi. Đâu phải tự nhiên tôi đổ đốn. Già mà còn yêu. Tôi không hiểu vì sao chỉ có những người trẻ mới được phép yêu. Tôi yêu như một phản xạ có điều kiện. Đúng là Khánh dễ thương nhưng khó mà yêu. Khánh cứ văn thơ trốn tránh. Thật ra tôi vẫn muốn bà và tôi cứ trốn tránh hú tim. Hay một cuộc chơi trốn tìm mà cả hai có ý định tẩu thoát. Vì sao, chính vì cả hai đã có cuộc đời thất bại. Hết vốn và có phần kinh hãi vì đã quá yêu thương. Nay thì tuyên bố phá sản.

Đôi khi tôi nghĩ về bà Khánh. Hay là chuyện ưu phiền dang dở của bà. Là do bà biết quá nhiều thơ, đọc quá nhiều tiểu thuyết. Tiểu thuyết vốn nhiều chữ lại còn có những ẩn dụ. Có một số người chỉ xem truyền hình và truyện tranh, với những ý nghĩa có sẵn, khỏi phải suy nghĩ. Với lại khổ thay bà Khánh hay giải thích các câu chuyện với khá nhiều hàm ý, cách chơi chữ, rồi thì phép gián cách. Bà có nói với người chồng bỏ đi xa “mà vẫn mang theo nụ cười” của bà không. Kinh nghiệm chữ nghĩa chán chường của mình, tôi nhận thấy điều đó sẽ phiền toái cho một tình nhân, càng phiền toái hơn cho một ông chồng làm nghề kinh doanh thực tế khô cằn. Nhưng rồi, nếu ngược lại thì nó có hơn gì, khi bà thấy có sự đồng cảm nào đó. Với một người quá nhạy cảm và lãng mạn tới bến là tôi. Bà Khánh sợ cả hai. Và chính tôi cũng sợ phải yêu vào giờ phút cuối cùng, tôi thở dài, chính ra là vào lúc vở diễn đã tới hồi hạ màn.

Tôi chợt thức, chỉ một mình tôi thức. Tôi thấy mặt trời buổi sáng, trên cánh máy bay ướt sương, ngoài cửa sổ, bên trái tôi. Và kia cuối tầm mắt, nhiều cụm mây trắng ở chân trời, như là một thôn xóm xa vắng. Tôi nghĩ bà Khánh đang ngồi khóc ở đâu đó trong làn mây nầy. Rồi tôi mở cái khóa an toàn nơi thắt lưng. Tôi đứng lên đi dài theo hàng ghế khi mọi người còn ngủ. Tôi mở cửa máy bay bước ra ngoài. Kỳ diệu hơn tôi tưởng. Cửa mở. Nhưng không hề lôi cuốn ai và vật gì ra ngoài kia. Mọi người bình yên. Tôi bước lên cụm mây, chiếc máy bay nhỏ dần, trôi xa hẳn tôi, tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ còn có dịp trở lại chuyến bay đó nữa.

Khi tôi bước ra ngoài trời. Mưa đang lâm râm mưa dưới chân tôi. Chính là vì tôi đứng trên cơn mây mưa, tuổi của mình đứng ngoài việc nầy là tốt. Tôi nhìn và đồ chừng, từ đây tới cửa ngõ làn mây tận xa kia thì bao nhiêu bước. Muốn đi tới đó gặp Khánh có thể đi cạn láng số tuổi ít ỏi mà tôi còn lại. Tôi không còn mua được thời gian nữa rồi. Bỗng nhiên tôi khóc mà trong lòng thấy nhẹ tênh. Buồn cười thay một phút trôi nhanh, tôi muốn trở lại cái khoang máy bay yên ổn đó, đường về phía chân trời khá xa, còn Khánh thì lưỡng lự. Tôi muốn, dù biết là chuyện nầy đã ở vào một thời gian khác đi rồi, nó khác hơn mình tưởng. Đàn ông mạnh mẽ là thế, lại có rất nhiều khi là phái yếu, yêu nhưng không dám tiến tới. Lười biếng chiếm lĩnh và lười phiêu lưu.

Mới đây tôi điện thoại cho bà Khánh, tôi nói rằng: Tôi ở một mình trên Đà Lạt, một mình trên khu đồi hoang vu, gần Hang Cọp. Tôi đang nhìn chiều vàng xuống chậm và buồn trên những cành thông. Trong sương mù tôi ước gì thấy Khánh hiện ra và đang bước về phía tôi. Bên kia điện thoại tôi nghe tiếng Khánh cười giòn. Rồi bà nói: Chuyện đó cũng có thể. Trời hỡi, ngón đòn ác liệt thật, làm cho tôi lập tức hân hoan, mê sảng không khác năm tôi mới mười tám tuổi. Tuy tôi biết tỏng, nỗi sầu muộn trong tiếng cười của bà. Hay là chính nỗi buồn đó sẽ là chuyến xe, đưa bà đến cùng tôi vì chính tôi cũng có một nửa nỗi buồn như bà. Không hề, tôi chợt tỉnh thở dài. Chúng tôi chỉ có thể đến với nhau, khi phiêu bồng trong lúc ngủ, và chỉ trong giấc mơ.

Giờ thì, biết là vậy tôi vẫn cứ bước, bước chậm trên những cụm mây, chúng êm như các sợi tơ, trải trên các bậc thang cuốn. Còn gì mà phải hà tiện với số tuổi ít ỏi còn lại của tôi. Dù cho chuyến đò chót vét nầy, tôi sẽ đi hết cuộc đời tôi mới tới ngôi làng dưới chân mây kia. Tôi cố ý đi chậm lại và mỉm cười: bà Khánh có khác gì tôi, bà ở đó, đôi mắt màu nâu, và một chút mơ hồ nồng nàn, tôi nghĩ bà phải chờ cũng lâu. Bằng ngang số thời gian mà cả hai có được. Tôi hết sức muốn gặp bà, mà lại cố giằn cơn nôn nóng, tôi cố làm cho buớc chân ngắn hơn và chậm lại. Tôi đếm bước chân của mình tỉ mỉ không dám hoang phí. Cũng không tệ cho lắm, còn hay nữa là đàng khác. Bởi vì cứ bước cho thật là chậm như thế, cũng vừa, cho đến lúc tôi tới ngưỡng cửa ngôi nhà cuối cùng của bà. Khánh cũng sẽ không còn gì vướng bận. Tôi sẽ lau nước mắt cho bà, hoặc chỉ đưa chiếc khăn tay.

Chúng tôi dạo quanh trên các tầng mây. Còn mưa thì ở dưới kia. Đêm về tôi ngồi với bà, trên chiếc băng ghế cũng bằng mây mềm, nơi nầy hoang vắng, chỉ còn có hai người. Thinh lặng và yên tĩnh tới nỗi chỉ nghe tiếng tim cả hai vang vang. Tôi với Khánh nhìn xuống mặt đất ồn ào khói bụi dưới kia. Những thành phố trôi qua với ánh sáng long lanh xa vời. Tôi đã trôi dài miên man biết bao lâu, giờ về tới bến cũ, và cho là đã trọn gói, khác hơn khi tôi còn ở dưới mặt đất, luôn thiếu thốn đủ điều.

Nay nếu tính ra thì chỉ có bao nhiêu, tí chút giây phút cuối cùng nầy. Nhưng cũng không có gì trọn vẹn, thì như các mơ ước khác, nó vẫn khắc khoải và không hài lòng. Có chạy lên trời cũng không thoát. Gần nhau hơn, tôi phát hiện Khánh nói nhiều hơn là tôi đã biết, bà hay trách móc, và đặc biệt khó tánh, nhưng chả sao. Vì tôi đây cũng khó chịu, không kém chi bà, song tôi cũng chịu khó, nhẫn nại không ai bằng. Khi ngồi im nghe Khánh nói.

Như vậy là đã đủ, cho cả hai, tôi cho là tốt hơn hết, dù có một phút thoáng qua, tôi… muốn trở lại chuyến bay, và đóng chặt cánh cửa. Tôi… vui, vì tôi đã có bà ngồi bên cạnh, giờ thì tôi không còn cần gì nhiều, và cũng không cần phải nói gì thêm. Tôi ngồi, im lặng và hài lòng, chịu khó nghe Khánh nói mãi về câu chuyện không vui của bà và người chồng ở tận bên kia đại dương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        MỞ CỬA MÁY BAY BƯỚC RA NGOÀI RONG CHƠI (PHẦN CUỐI)<br><i>Truyện ngắn của Mạc Can</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO