Mở cửa an toàn, bền vững

- Thứ Ba, 21/09/2021, 06:11 - Chia sẻ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa tình trạng tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản...

Đây là những vấn đề trúng, đúng và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi theo Báo cáo tổng hợp phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, trong số hơn 21.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát trong tháng 8 vừa qua, tỷ lệ tạm ngừng do dịch chiếm 69%; số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng là 16%; số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể là 15%.

Nguyên nhân doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa là do bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước; do phong tỏa, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép hàng thiết yếu được lưu thông; điều kiện để lái xe, hàng hóa được lưu thông qua các địa phương cũng khác nhau. Đặc biệt, 40% số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh cho biết, chỉ đủ tiền duy trì hoạt động trong vòng dưới 1 tháng. Số doanh nghiệp còn tiền duy trì được từ 1 - 3 tháng chiếm khoảng 46%. Các khoản chi lương, trả tiền thuê kho bãi, lãi suất, nhà xưởng, văn phòng, tiền bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu... đang là những áp lực lớn với doanh nghiệp.

Cũng bởi những khó khăn này mà doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Cụ thể, có tới 52% số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 31% doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng cũng phải cắt giảm lao động. Do đó nếu không có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thì hàng triệu lao động cũng sẽ mất hoặc giảm việc làm, dẫn đến giảm chi tiêu, kinh tế trì trệ.

Thực tế, mở cửa nền kinh tế là chủ trương đúng đắn vì các biến thể của dịch bệnh ngày càng phức tạp và luôn luôn thay đổi, rất khó triệt tiêu hoàn toàn. Trong khi đó, việc đóng cửa nền kinh tế tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội nói chung và "sức khỏe" của các doanh nghiệp nói riêng. Trả lời báo chí, một đại biểu Quốc hội cũng đã nêu ý kiến rằng, hiện nay, cả thế giới đều có dịch và các nước đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế khi có vaccine. Vậy nên chúng ta không thể cứ mãi “be bờ” mà buộc lòng phải mở cửa, phục hồi các hoạt động kinh tế như thế giới đang làm. Bất cứ sự ngần ngừ, chậm trễ triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ vào lúc này sẽ chỉ khiến thêm nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động và số doanh nghiệp có thể quay trở lại cũng sẽ giảm đi.

Và để thực hiện được điều này, vấn đề mấu chốt vẫn là khả năng kiểm soát dịch bệnh và tiến độ tiếp cận và phổ biến vaccine. Tiếp đó là việc thực hiện các giải pháp vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp nhanh, mạnh và hiệu quả hơn. Việc này không giới hạn ở chính sách tiền tệ mà phải bao gồm cả chính sách tài khóa và đầu tư nhằm bảo đảm phục hồi kinh tế sâu rộng. Những cải cách về môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, khoa học công nghệ... cần được thực hiện ngay và liền mạch. Đặc biệt, cần thống nhất quản lý phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên toàn quốc, không để xảy ra tình trạng mỗi địa phương một kiểu.

Không nên và không thể giãn cách mãi. Nhưng để việc mở cửa an toàn và bền vững, các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc ngay với lộ trình cụ thể, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, nóng vội.

Ninh Hà