Minh triết của trí tuệ dân gian
Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, xứ Thanh đóng góp một truyện cổ độc đáo, truyện Từ Thức gặp tiên(1). Truyện Từ Thức gắn với động Bích Đào nhưng dân gian quen gọi là động Từ Thức, nay thuộc xã Nga Thiện, Nga Sơn, Thanh Hóa.
Động Từ Thức nằm trong rặng Tam Điệp hùng vĩ trấn giữ mặt bắc của xứ Thanh. Cấu trúc địa tầng đá vôi đã ban tặng cho khu vực miền Trung trở ra của Việt Nam rất nhiều hang động kỳ thú: Tam Thanh, Nhị Thanh của Lạng Sơn, Hương Tích của Hà Tây, Tam Cốc - Bích Động của Ninh Bình, Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình v.v... và động Từ Thức của xứ Thanh viết nên một huyền thoại giàu tính triết học nhân sinh, truyện Từ Thức gặp tiên.
Động Từ Thức - hang động thứ 6 trong 36 hang động chốn Phù Lai...
![]() Minh họa của Đinh Mão |
Từ Thức gặp tiên - truyện tình liêu trai, chiều sâu triết lý
Chuyện kể rằng chàng Từ Thức một lần dừng chân ở động Bích Đào đã được dẫn lối vào một mê cung. Hóa ra đây là động tiên, chàng gặp lại thiếu nữ xinh đẹp đã được chàng giải cứu do nàng sơ ý làm gãy cành hoa nhà chùa. Chàng Từ Thức chuộc lỗi cho cô gái, hành động và cốt cách của chàng đã chinh phục trái tim người đẹp. Không ngờ cô gái lại là tiên nữ giáng trần, mối tình lương duyên trần - tiên đã khiến chàng Từ Thức có cơ may sống ở cõi tiên.
Song chỉ ít lâu ở tiên giới, chàng Từ Thức thấy nhớ nhà, nhớ quê, chàng ngỏ lời với tiên nữ Giáng Hương, vợ chàng, muốn được trở về hạ giới thăm nhà. Nhưng luật trời đã ban, chàng đã thuộc về cõi tiên, nếu trở về trần, chàng sẽ mất hết những gì đang có. Từ Thức đã chọn con đường trở về trần gian. Nhưng khi trở về trần gian thì mọi việc đã hoàn toàn đổi khác, hóa ra một năm trên thượng giới bằng cả trăm năm dưới trần. Chàng Từ Thức thanh xuân trên thượng giới nay trở về trần bỗng chốc biến thành một ông cụ lụ khụ râu tóc bạc phơ. Cha mẹ đã mất, cảnh cũ không còn, chẳng ai biết chàng, Từ Thức trở nên xa lạ ngay ở chính quê hương mình.
Trong kho tàng truyện cổ của Việt Nam, truyện Từ Thức có lẽ là truyện cổ duy nhất không có dị bản (không bị địa phương hóa không gian, không bị thay đổi tình tiết chính hoặc tên nhân vật). Đây phải chăng là điều “bất thường” đối với một tác phẩm dân gian. Lý giải điều này, theo chúng tôi, có lẽ chính bởi sắc thái duy lý đậm nét từ nội dung cho đến kết cấu. Duy lý không phải là đặc điểm thói quen của tâm lý người Việt. Người Việt thiên về duy cảm, truyện cổ của người Việt thường kết thúc có hậu để đáp ứng nhu cầu động viên, chia sẻ, hòa giải của một dân tộc vốn có tính cộng đồng rất cao. Tính duy lý của truyện Từ Thức là chiều sâu triết học dưới lớp vỏ ngữ nghĩa. Vì vậy, dù không có dị bản nhưng truyện cổ này vẫn được truyền tụng và phổ biến rộng rãi.
Những triết lý thuần hậu và sâu sắc, in đậm dấu ấn tính cách và tâm hồn Việt: chuyện chàng Từ Thức được sống ở cõi tiên, bên cạnh người tiên mà vẫn nhớ quê nhà, nhớ cõi trần đến mức khăng khăng dứt áo ra đi chứng tỏ sức mạnh của môi trường quen thuộc, môi trường ấy ta vẫn quen gọi là nơi chôn rau cắt rốn, là quê nhà. Trong tâm thức người Việt, môi trường cũng đã trở thành máu thịt, căn cốt góp phần hình thành nên tâm hồn và tính cách Việt. Chàng trai trong câu ca dao xưa: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Những thứ đằm sâu trong tâm trí chàng trai không phải là cái độc đáo, đặc biệt mà là cái rất đỗi quen thuộc, gần gũi. Từ Thức trong truyện cổ cũng vậy. Chàng là một tâm hồn thuần Việt. Cõi tiên chỉ hấp dẫn ban đầu, hạnh phúc bên cạnh người đẹp, cuộc sống vật chất đầy đủ mà không níu giữ được chân chàng trai. Bởi tất cả những thứ ấy vẫn ở bên ngoài chàng. Chàng là người của cõi trần nên không thể hòa nhập với cõi tiên xa lạ. Dường như chàng chỉ coi đó là một chốn ngao du. Phải chăng đây là lý do quan trọng nhất khiến chàng “nhớ nhà”, nhớ môi trường quen thuộc và muốn trở về trần. Triết lý và cũng là bài học thứ nhất cho những ai muốn tìm hạnh phúc nơi “xứ người”. Xứ sở mà chàng Từ Thức đã đặt chân tới thực sự đã là cõi tiên - miền cực lạc. Thế mà chàng vẫn không tìm thấy hạnh phúc đích thực, không tìm thấy sự yên ổn cho bến đậu hạnh phúc. Có phải vì môi trường tiên giới ấy không thuộc về chàng, chàng thấy lạc lõng, xa lạ và tiềm thức đã thôi thúc chàng trở về nguồn cội. Ở tình tiết này, có thể thấy một triết lý nữa về hạnh phúc. Với Từ Thức, hạnh phúc quả không phải chỉ ở sự đầy đủ về vật chất, mà còn ở thứ khác quan trọng hơn là sự tự do. Tự do, cho dù là tự do nơi trần thế vẫn ngàn lần quý hơn cuộc sống đầy đủ nơi tiên giới mà mất tự do. Không phải ngẫu nhiên khi phải đặt trước sự lựa chọn, Từ Thức đã quyết chọn con đường trở về trần.
Song, cái giá phải trả cũng không ít. Lần thứ hai, Từ Thức bị lạc lõng. Từ Thức đã “đánh mất mình” khi chối bỏ cuộc sống nơi trần thế để đến với cõi Tiên. Cõi Tiên là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới cõi Trần. Người ta chỉ có thể thuộc một trong hai đối cực “Trần” hay “Tiên”. Khi anh đã chối bỏ bên này thì anh đã thuộc về phía bên kia. Từ Thức không được đón nhận ở thế giới cõi trần vì chàng đã từ bỏ nó để tìm đến một thế giới khác. Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông. Cái gì đã đi qua không thể lấy lại, Từ Thức rơi vào bi kịch của một con người không biết bằng lòng với cuộc sống của mình đang có, không tự bằng lòng với chính mình. Phải chăng đây là căn bệnh của loài người. Một căn bệnh đã được đúc kết thành một mệnh đề khúc chiết: được voi đòi tiên, và kỳ diệu thay, trí tuệ dân gian đã xây dựng triết lý nhân sinh này thành một chuyện tình lãng mạn nhuốm màu bi thương. Câu ca dao dưới đây dường như đồng nghĩa với quan niệm ấy:
Trách chàng Từ Thức vụng suy
Đã lên cõi Phật về chi cõi trần
Song, dường như chưa hết ý nghĩa trong câu chuyện “chàng Từ Thức vụng suy” kia. Nhìn từ góc độ tổng thể, sẽ thấy một thông điệp khác. Truyện Từ Thức có kết cấu hai phần rất rõ: phần một gọi là phần “Từ Thức gặp tiên”, phần hai là “bi kịch Từ Thức”. Phần một tương ứng với ý nghĩa sẽ thể hiện ước mơ khát vọng về cuộc sống lý tưởng và phần hai tương ứng với ý nghĩa bi kịch thực tế. Như vậy bi kịch Từ Thức là bi kịch của lãng mạn cuộc sống, nó làm cho cuộc sống trở nên thi vị, hấp dẫn hơn, nó khiến người ta lạc quan hơn, vì vậy, nó không thể thiếu. Song nếu chỉ sống với cái phần lãng mạn, mà quay lưng với thực tại thì đến một lúc nào đó anh sẽ rơi vào khoảng không bế tắc, vào ngõ cụt của bi kịch nhận thức: ta là ai? Chàng Từ Thức gặp tiên là mơ ước lãng mạn. Đó là phần bay bổng của cuộc sống. (Tâm lý chung của người Việt hình như thích nửa đầu này của truyện, bằng chứng là phần này được truyền tụng nhiều hơn). Người ta còn ưu ái lấy phần nội dung này để đặt tên cho truyện: Từ Thức gặp tiên, hoặc Từ Thức tiên hôn. Song, như ta đã thấy, trí tuệ dân gian đã không dừng câu chuyện ở đấy mà tiếp tục xây dựng phần hai, phần “bi kịch Từ Thức” để hoàn chỉnh triết lý về xung đột mang tính muôn thuở này của loài người: để vượt lên những vất vả khó khăn của cuộc sống hàng ngày, người ta vẫn không thôi mơ ước, khát vọng. Song ước mơ, khát vọng nếu thoát ly hiện thực, không được xây dựng trên nền móng hiện thực và không bám rễ vào hiện thực sẽ sa vào bế tắc hư vô.
_______________
1. Truyện được Nguyễn Dữ sưu tầm và biên soạn lấy tên là Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, chương 9, Truyền kỳ mạn lục.
2. Truyện cổ Từ Thức gặp tiên.