Minh họa kém sẽ không tạo hứng thú
Dưới góc độ người làm sách, tôi thấy điểm yếu của sách giáo khoa (SGK) Việt Nam là khả năng minh họa. Khi trò chơi, truyện tranh… cám dỗ các em với những hình ảnh hấp dẫn thì một quyển SGK minh họa kém sẽ không bao giờ tạo được hứng thú học tập cho học sinh.
Hài hòa chữ và hình
Theo TS. Đỗ Hoàng Sơn, từ trước đến nay, minh họa SGK thường do họa sĩ đảm nhiệm, nhưng lâu nay ở nước ta gần như không có họa sĩ vẽ minh họa khoa học dày dạn kinh nghiệm. Do vậy, “tôi nghĩ việc minh họa, trình bày SGK có thể giao cho các kiến trúc sư. Với nền tảng kiến thức khoa học, vật lý, toán học, đặc biệt phông văn hóa, lịch sử, triết học… họ sẽ lựa chọn, phân khu, xử lý hình ảnh minh họa tốt nhất”. |
Muốn có những cuốn SGK đẹp thì phải cân đối lượng chữ và hình ảnh. Mật độ chữ trong từng trang theo tiêu chuẩn quốc tế, sách bậc THCS trở lên tối đa khoảng 300 chữ/trang, bậc tiểu học phân ra sách lớp 4 - 5 khoảng 200 chữ/trang, lớp 3 khoảng 100 chữ/trang, còn lớp 1 nhiều nhất chỉ 20 chữ. Mật độ tranh/trang cũng được quy định rõ ràng và phải dựa vào nội dung, ví dụ bao nhiêu trang phải có một tranh to, mỗi trang có bao nhiêu tranh, ảnh...
SGK có thể chia ra 2 loại: Khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Sách khoa học xã hội khi vẽ, chụp ảnh cần chú ý từng chi tiết, nhất là chi tiết liên quan đến lịch sử, văn hóa… Chúng tôi từng thực hiện bộ truyện tranh về danh tướng Trần Khát Chân, chỉ vẽ một chiếc bình nhưng phải tìm hiểu kỹ các loại tư liệu, nghiên cứu về gốm sứ đời Lý, đời Trần… Bởi dù cùng một dạng hoa văn nhưng mỗi thời mỗi khác, kể cả các công trình kiến trúc hay trang phục cũng vậy. Đó là những yếu tố sơ đẳng nhưng không làm cẩn thận sẽ thành lỗi và sai. Bên cạnh đó, phần minh họa trong SGK của chúng ta từ trước đến nay thiên về lịch sử, quá khứ, mà ít phản ánh đời sống hiện đại. Đây là điều cần lưu ý trong những bộ sách sắp tới.
![]() |
Sách Khoa học tự nhiên dùng nhiều thí nghiệm, hình ảnh khoa học. Do dựng ra một thí nghiệm khoa học tốn thời gian, tiền bạc và công sức, nên trước đây, SGK thường lấy hình ảnh trên internet. Kể từ năm 2005, Việt Nam tham gia Công ước Berne nên việc làm sách cần tôn trọng bản quyền. Ví dụ, ảnh địa danh có thể tự xử lý được nhưng nếu minh họa về phản lực trong sách Vật lý bằng cách lấy hình ảnh tên lửa của Liên Xô (cũ), hình Gagarin, hay tàu con thoi của Mỹ… thì buộc phải mua bản quyền. Trong điều kiện hiện nay, có thể mua bản quyền dữ liệu hình ảnh từ SGK của các nước có nền khoa học tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Singapore... Tất nhiên, việc mua bản quyền từng hình đơn lẻ như thế sẽ mất công và có thể không nhất quán về phong cách.
Minh bạch quá trình làm, duyệt sách
Tiêu chuẩn SGK bao gồm tiêu chuẩn về chương trình, nhịp độ (dạy cái gì trước? dạy bao lâu?…), nội dung, hình thức, sự kết nối (liên môn, học đi đôi với trải nghiệm…). Ở Việt Nam, tất cả yếu tố đó đều chưa có chuẩn, nó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng, biên tập SGK hiện nay. Các chuyên gia, đơn vị làm sách phải đi từ cái yếu, cái thiếu của SGK Việt Nam và đối chiếu trên các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó đề xuất kinh nghiệm làm SGK của một số nước tiên tiến. Một số tiêu chuẩn SGK như: Lượng tranh, lượng chữ, hình vẽ, kích thước, Index, hướng dẫn tự học, sách đọc thêm, sách tham khảo, website, video mở… là các yếu tố nên đặt ra cho tiêu chí làm, chọn SGK phổ thông thời gian tới.
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nêu cấu trúc của SGK phải góp phần khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu, đặc biệt phải có những hạng mục để khuyến đọc, đánh giá việc đọc một cách rõ ràng. Đó có thể coi là một tiêu chuẩn quan trọng để xây dựng, đánh giá SGK. Hiện nay việc phân bổ tiết học trong thời khóa biểu còn tùy tiện, học sinh phải học quá nhiều môn trong một buổi học, thời gian hoạt động ngoài giờ hầu như rất ít. Do đó, đi kèm với phân bổ nội dung chương trình trong SGK, cần sắp xếp các môn học, thời lượng cho mỗi tiết học dựa trên nghiên cứu khoa học sư phạm, kể cả cách đặt câu hỏi trong SGK cũng cần sinh động hơn, tránh gây nhàm chán cho học sinh.
Ngoài ra, Bộ GD - ĐT cần thông qua công nghệ thông tin để minh bạch hóa toàn bộ quá trình làm, duyệt SGK. Trong quá trình đó phải phân cấp chuyên gia để tiến hành đối thoại, góp ý. Họ có thể là những nhà giáo dục, nhà xã hội học, làm công tác xuất bản, mỹ thuật, có thể hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc đã làm ra sản phẩm có tính ứng dụng trong xã hội… Nghĩa là nên chia thành các nhóm khác nhau, ở các cấp độ khác nhau để phản biện, giám sát nhau một cách rõ ràng. Có đa dạng đối tượng tham gia như vậy mới có đủ lượng thông tin để tối ưu hóa, nếu không SGK dù thay đổi đến mấy vẫn sẽ lạc hậu.