Minh bạch và hiệu quả

- Thứ Bảy, 05/06/2021, 06:30 - Chia sẻ

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch Covid-19. Đây là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện "chiến lược vaccine" của Việt Nam phòng, chống dịch Covid -19, thể hiện quyết đáp kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước vấn đề cấp bách - nhu cầu vaccine đang được xã hội quan tâm. Điều đó cũng cho thấy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời mở ra cơ hội để người dân sớm được tiếp cận vaccine phòng Covid -19.

Chúng ta đã trải qua 4 lần dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên, ở lần thứ tư này, tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Số ca lây nhiễm tăng lên hàng ngày và xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Do đó, mục tiêu hàng đầu lúc này là phải bảo đảm tính mạng con người. Ngoài tuân thủ nguyên tắc 5K, người dân mong muốn sớm được tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người, kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm kinh phí mua vaccine, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để có được số lượng vaccine này, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí rất lớn. Do đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng 12.100 tỷ đồng để mua vaccine góp phần tháo gỡ một phần nỗi lo “tiền đâu” để mua vaccine ở vào thời điểm nóng bỏng này.

Tuy vậy, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn phải “cân, đong, đo, đếm”, việc mua vaccine chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước là điều không thể. “Chiến lược vaccine” của Việt Nam cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Trước yêu cầu đó, Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã được Thủ tướng quyết định thành lập, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Đến nay, Quỹ đã huy động được gần 104 tỷ đồng. Bộ Y tế được tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng để chuyển vào Quỹ. Các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cam kết ủng hộ Quỹ hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, đã có hơn 3.000 tỷ đồng ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Như vậy, bên cạnh ngân sách nhà nước, thì nguồn kinh phí huy động nguồn lực của toàn xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn để Việt Nam nhập khẩu vaccine đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra lúc này cần làm gì để sử dụng nguồn kinh phí mua vaccine một cách hiệu quả? Trước hết, cần bảo đảm công khai, minh bạch nguồn kinh phí cũng như việc sử dụng nó. Theo đó, toàn bộ thu, chi của Quỹ cần được công khai, minh bạch trên các trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để cơ quan có thẩm quyền, người dân biết, giám sát. Trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định.

Với khoản ngân sách nhà nước 12.100 tỷ đồng dành mua vaccine, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan quản lý việc sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả cao. Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ giám sát, kiểm toán, thanh tra việc thực hiện Nghị quyết này.

Cần nhấn mạnh rằng, dù kinh phí mua vaccine từ ngân sách nhà nước hay từ Quỹ vaccine phòng Covid-19 thì đều phải sử dụng hiệu quả và tuân theo quy định pháp luật. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có, Quyết định của Thủ tướng cũng đã có. Mong rằng, các chủ thể trong chức năng, nhiệm vụ được giao phải có trách nhiệm sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả vì mục đích phòng, chống dịch.

Hà An