Minh bạch và bình đẳng
“Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam!” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy với lãnh đạo của khoảng 30 tập đoàn toàn cầu trong một cuộc đối thoại về kinh tế Việt Nam bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2019 vừa diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ.
Vào thời điểm này, khi mà cuộc Cách mạng 4.0 đã và đang gõ cửa từng doanh nghiệp, quốc gia, khi mà người ta đã phủ khoa học, công nghệ vào từng chi tiết của từng sản phẩm, thì song hành với Cách mạng 4.0 là điều tất yếu - không cần phải bàn cãi nữa - để đưa đất nước đến thịnh vượng.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang được hậu thuẫn bằng những nền tảng quan trọng. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam giờ là một quốc gia mở cửa, có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch thương mại đạt 185% GDP. Dù độ mở của nền kinh tế ngày một lớn, Việt Nam vẫn nỗ lực và duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô. Cũng không thể không nhắc tới chi tiết Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có mạng cáp quang bao phủ lớn nhất thế giới với gần 1 triệu kilômét được kết nối tới các làng, xã và quận huyện trên toàn quốc. Tỷ lệ người sử dụng internet là 60%, tỷ lệ dân số được phủ sóng di động 3G và 4G lên tới 98%. Sự có mặt của những tập đoàn hàng đầu thế giới tại Việt Nam và 26 nghìn dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 350 tỷ USD cho thấy Việt Nam thực sự là một trong những nơi “trú ẩn” đầu tư tốt nhất trong thế giới đầy biến động…
Nhưng chừng đó liệu đã đủ để thu hút được một thế hệ doanh nhân mới - thế hệ doanh nhân toàn cầu hóa - trong một nền kinh tế dựa trên tri thức, dựa trên kết nối internet mà chỗ làm việc và nơi khai sinh doanh nghiệp dường như không còn quan trọng?
Trong suốt năm vừa qua, giữa liên tiếp các hội nghị, hội thảo gắn với Cách mạng 4.0, chúng ta vẫn nghe đâu đó thông tin về những người Việt Nam lựa chọn khởi nghiệp ở nước ngoài. Một vị chuyên gia kể, trước đây ông có dịp hỗ trợ pháp lý cho một doanh nhân. Mới đây gặp lại, vị doanh nhân này cho biết mình vừa đăng ký thành lập doanh nghiệp mới ở... Singapore. Lý do là vì làm tại Việt Nam thì “quá mất thời gian cho việc xin phép và chờ đợi các hướng dẫn pháp lý từ cơ quan quản lý”, trong khi ở Singapore thì quá thuận tiện và dễ dàng, rủi ro lại thấp. Đội ngũ phát triển thị trường, nhóm quản lý điều hành... đều ở Việt Nam. Các nghiệp vụ kinh doanh cũng thực hiện ở Việt Nam và hướng đến người dùng Việt Nam. Vậy nhưng cách pháp nhân của doanh nghiệp và đương nhiên, những khoản thuế phát sinh đi kèm thuộc về Singapore.
Câu chuyện trên đây có thể là một trường hợp cá biệt, nhưng số lượng ngày càng nhiều những câu chuyện về khởi nghiệp tại Singapore thay vì Việt Nam cho thấy một xu hướng. Và xu hướng này buộc các nhà quản lý Việt Nam phải biến khát vọng không chịu tụt hậu một lần nữa - khát vọng 4.0 - thành động lực thiết kế những chính sách thích ứng với thời đại đang có nhiều biến đổi chứ không phải những chính sách chăm chăm bảo hộ doanh nghiệp trong nước như một dạng “bế quan tỏa cảng”.
Quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, điều hành không tránh khỏi sự giằng xé giữa cái cũ và cái mới. Nhưng nếu muốn thế hệ doanh nhân toàn cầu chọn Việt Nam là nơi “trú ẩn”, thì các nhà quản lý cần phải tạo cho được một trường pháp lý khuyến khích kinh doanh cạnh tranh, sáng tạo và bình đẳng. Chúng ta sẽ không có hệ sinh thái khởi nghiệp khi cộng đồng doanh nghiệp còn mải mê với những toan tính ngắn hạn, tính lỗ lãi trong từng thương vụ. Và, sẽ không có hệ sinh thái khởi nghiệp khi “chủ nghĩa thân hữu” làm suy giảm niềm tin chiến lược, méo mó nguồn lực, kể cả chính sách ở cấp vĩ mô.