Miếng trầu hồn Việt
Trầu cau với dân ta thân thuộc như cơm ăn nước uống từ nghìn đời nay.
![]() Têm trầu cho hội làng |
Cúng lễ thần phật tổ tiên phải có trầu cau mà có thể thiếu các đồ cá thịt. Cỗ bàn đám xứ thì “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ở nhà thì các bà các mẹ có một “thế giới riêng” là cơi trầu. Cơi trầu thân thuộc đến nỗi được ví ngay với độ nghĩ của các bà: “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Người chồng tinh tế quan tâm tới vợ chỉ cốt đừng quên mua trầu để luôn “yêu nhau miếng trầu”, chẳng cần vàng ngọc lụa là gì. Các cụ bà thọ tới tám chín mươi tuổi “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn” không thể nhai giập miếng trầu vẫn bỏm bẻm nhai sau khi “thể dục nhịp điệu” một hồi hí húi giã trầu trong cái cối nhỏ như vật trang sức đeo cạnh sườn. Ông nhà thơ Tú Xương phát hiện ra điều này đã suýt bỏ thơ đi buôn: “Phen này ông quyết đi buôn cối/ Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu”. Câu chuyện cổ Sự tích trầu cau là một sự thi vị hóa miếng trầu quen thuộc hàng ngày đã trở thành biểu tượng của hôn nhân. Xem ra dân ta ăn trầu vừa là thói quen vừa là một cách thức tự khẳng định bản sắc dân tộc. Chàng hoàng tử nhận ra vợ mình qua miếng trầu têm cánh phượng hẳn phải là câu chuyện cổ tích của người Việt chứ không thể của dân tộc nào khác.
Các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian cho rằng đồ cúng tổ tiên là những thứ tổ tiên thường dùng hàng ngày: xôi (cơm nếp), thịt gà (hoặc thịt lợn), rượu, nước lã, trầu cau, quả tươi. Mặc dù con cháu thời nay đã có sự thay đổi đồ ăn nhưng cơ bản vẫn bày biện đủ những đồ ăn trên. Nghĩa là tổ tiên ăn cơm nếp thịnh hơn cơm tẻ. Uống nước lã thịnh hơn nước sôi. Ăn trầu cau cũng thịnh.
Tại sao dân ta lại thịnh việc ăn trầu?
Đi tìm lời giải này cũng rất thú vị. Trước hết là thổ nhưỡng nước ta phù hợp trồng các loại cau, trầu. Hầu như làng quê nào, gia đình nào cũng trồng được cau, trầu. Không tốn diện tích. Không tốn công chăm bón. Lại dùng lâu năm. Dây trầu tự bám tường mà lên hoặc có bắc giàn cũng sơ sài. Cây cau chỉ cần mét vuông đất đầu thừa đuôi thẹo. Không chỉ cho quả, cau còn cho hương, cho bẹ, cho lá, cho hứng nước mưa vào chum uống quanh năm. Và cho cảnh đẹp. Ngạn ngữ có câu “Chuối sau cau trước”. Cau trồng thành hàng trước nhà còn rất tiện lợi khi nhà có việc cần bắc rạp không phải chôn cột khó khăn. Hình tượng cây cau thẳng ngay chống trời, quả ăn với trầu thắm đỏ, mở đầu cho chuyện cưới xin chung thủy nên được sử dụng nhiều trong văn học. Từ thời có Hội Tao Đàn (thế kỷ XV), thi sĩ Sái Thuận đã viết về cây cau: “Đứng nơi phên giậu nhà ai/ Thân cao sừng sững khoe đuôi phượng hoàng/ Đất sâu bâm rễ vững vàng/ Đỉnh đầu cao vút hiên ngang đội trời/ Quả xanh những mến duyên đời/ Ngày ngày gắn bó với người môi son”.
Thực chất miếng trầu có tác dụng chính là giữ hàm răng đen được bền lâu. Tổ tiên người Việt có tục nhuộm răng đen. Vua Quang Trung ban hịch đánh giặc ngoại xâm còn có câu “đánh cho răng đen” là ý nói đánh để giữ độc lập và bản sắc dân tộc. Nhuộm răng đen là để giữ bền chắc hàm răng và là cách nhìn nhận vẻ đẹp phụ nữ thời xưa. Răng đen nhưng nhức hạt na là vẻ đẹp nền nã, đoan trang của phụ nữ Việt rất riêng cách đây chưa xa vẫn còn phổ biến. Ăn trầu không phải là nhuộm làm cho răng đen mà chỉ có tác dụng giữ bền lâu phải nhuộm lại. Mà nhuộm khá kỳ công, có khi hỏng thành răng “cải mả” kém duyên. Cách nhuộm răng đen như sau: đầu tiên là nhuộm đỏ. Trầu không là thứ lá đầu vị để nhuộm. Trộn trầu không với cánh kiến nhuộm đi nhuộm lại nhiều đêm, kéo dài hàng tháng sẽ được màu đỏ. Nhuộm đen bằng trầu không trộn với phèn xanh và quả bầu bí. Chỉ cần ba đêm. Thuốc nhuộm giã sền sệt ép lên lá dứa dán vào hàm răng. Trong thời gian nhuộm phải kiêng khem cẩn thận, khi ăn chỉ nuốt, không được nhai. Người sút trông thấy. Nhưng nếu cố chịu đựng và kiên trì sẽ có được hàm răng đen hạt na thật đẹp. Sau nhuộm còn phải chiết (hãm cho bền màu): đốt vỏ quả dừa khô trên lưỡi dao nung nóng, lấy bọt tiết từ vỏ dừa miết lên răng. Nhuộm tốt, chiết tốt thì răng đen lâu. Bao giờ thấy hàm răng ngả màu nhờ nhờ thì phải nhuộm lại. Những người thiếu kiên trì kiêng khem kém dễ nhuộm hỏng, sẽ có hàm răng cải mả không ra đen không ra trắng, phải nhuộm lại từ đầu.
Lá trầu có tác dụng giữ bền màu khi nhuộm răng nên còn được dùng làm đầu vị trong nhuộm vải. Lời một bài hát có câu “Anh lên đường mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh”. Thời xưa công việc nhuộm vải vóc quần áo dân ta thường làm. Ngay bộ đội ta có thời được cấp loại vải kém, nhanh bạc, có người dùng thuốc tẩy làm cho quần áo trắng tinh, nhưng đa số dùng trầu không và mực Cửu Long nhuộm cho sẫm màu lại. Làng Chằm Chỉ có nghề xe chỉ thì nhuộm đen bằng cách ngâm xuống bùn ao ngấu vài ngày, sau mới vớt nên nhuộm đen bằng trầu không trộn với bột đen.
Như vậy lá trầu và ăn trầu cần thiết cho việc nhuộm và giữ bền hàm răng đen. Nhưng ăn trầu còn có tác dụng sinh hóa tạo cảm giác hưng phấn. Đó là cảm giác say trầu. Chỉ cần nhai giập miếng trầu đã nóng bừng hai má, có khi đang rét vẫn toát mồ hôi, người say lâng lâng dễ chịu. Các cụ thường mời nhau khẩu trầu cho ấm người là thế. Việc nhai trầu còn là hình thức “thể dục” cho hàm răng chắc khỏe thêm. Những hóa chất trong miếng trầu còn có tác dụng sát khuẩn, ngừa sâu răng. Hàm răng chắc bền với thời gian là mơ ước của mọi người. Ngạn ngữ cũng nói: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Thành ra ăn trầu vừa giữ bền hàm răng nhuộm, vừa giữ chắc hàm răng cho tuổi già, thật là bài thuốc độc đáo bảo vệ hàm răng của cha ông ta, khó một thứ thuốc đánh răng hóa chất nào sánh kịp.
Gần đây các nhà khoa học đã phân tích thành phần hóa học của miếng trầu: lá trầu có tác dụng tăng áp và có tính kháng sinh; hạt cau có 0,5% chất arecolin. Đây là chất độc. Nhưng vôi đã trung hòa chất này thành arecaidin không độc và có tác dụng hạ áp, gây hưng phấn. Cha ông ta chẳng cần phòng thí nghiệm mà cũng đã tìm ra chất trung hòa này ngay trong miếng trầu. Mà tài hơn nữa là trầu xanh, vôi trắng, hạt cau nâu nhai kỹ lại tạo ra miếng trầu đỏ thắm. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ nhờ chuyện miếng trầu mà nói được duyên phận trăm năm: “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi”.
Từ tục ăn trầu mà dân ta thường trồng trầu trồng cau để tự túc thường nhật. Từ đó lại tạo ra phong cảnh rất đặc trưng của làng quê Việt: “Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm” và “Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng”...