Miễn viện phí: Đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết tâm thực hiện
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho biết, chính sách miễn viện phí vô cùng nhân văn, là một bước tiến có ý nghĩa lớn đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu, tạo công bằng xã hội.
Tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.
Theo kết luận của Tổng Bí thư, thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khoẻ định kỳ cho Nhân dân ít nhất mỗi năm một lần, triển khai trong thời gian sớm nhất.
Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) về chính sách ý nghĩa và thiết thực này.

Miễn viện phí - Bước tiến đến công bằng xã hội
- Thưa ĐBQH Lý Anh Thư, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035. Bà đánh giá thế nào về chính sách này?
ĐBQH Lý Anh Thư: Tôi rất vui mừng khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035. Chính sách miễn viện phí khi được ban hành sẽ giúp người dân xóa bỏ gánh nặng chi phí, là một bước tiến có ý nghĩa lớn đảm bảo sự tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu, tạo công bằng xã hội.
Khi chính sách đi sâu vào cuộc sống, ngành Y tế được chú trọng phát triển, sức khỏe của người dân được chăm sóc kỹ lưỡng, tận tình, khi nằm viện được miễn viện phí. Có thể khẳng định, đây là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.
Đối với người dân, đây là niềm hạnh phúc, niềm vui rất lớn đã hằng mong đợi. Chính sách bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, giúp người dân bớt lo lắng về chi phí khám chữa bệnh, hoặc khi nằm viện do ốm đau. Từ đó, giảm bớt gánh nặng lo âu, khi vừa phải lo chi trả viện phí, vừa lo đến miếng ăn từng ngày. Tinh thần người bệnh cũng trở nên thoải mái hơn, bệnh tình mau chóng bình phục.
Đặc biệt đối với những người yếu thế trong xã hội, có thu nhập thấp hay đồng bào dân tộc thiểu số,... chính sách viện phí mở ra một tương lai mới, tạo điều kiện để họ được tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.
Khi sức khỏe được chăm sóc trong điều kiện tốt, người dân sẽ yên tâm học tập và lao động. Từ đó, năng suất lao động sẽ tốt lên, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm nguy cơ tụt hậu về kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội.
Có sức khỏe tốt, chi phí bệnh tật giảm đi, các chi phí gián tiếp liên quan như mất việc làm, mất cơ hội việc làm tốt, mất thời gian chăm sóc dài hạn,… cũng được cải thiện.
Một lần nữa phải khẳng định, chính sách miễn viện phí vô cùng nhân văn, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc: “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho người dân ở mọi lứa tuổi”.

(Ảnh minh họa)
- Việt Nam hiện đã có những nền tảng nào để sớm đưa chính sách miễn viện phí đi sâu vào thực tiễn và được triển khai hiệu quả, thưa đại biểu?
ĐBQH Lý Anh Thư: Để chính sách được triển khai trong thực tiễn, chúng ta đã có sẵn những nền tảng thuận lợi. Từ trước đến nay, Chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước luôn đặt con người là trung tâm, lấy chăm sóc sức khỏe Nhân dân làm ưu tiên hàng đầu, hướng tới công bằng và phát triển bền vững. Điều này đã được thể hiện rõ trong từng văn bản, Nghị quyết như Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Chính sách phát triển y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế từ năm 2012; Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016-2020.
Chính sách miễn viện phí được sự ủng hộ rộng rãi từ Nhân dân. Việc miễn viện phí không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh mà còn thể hiện tinh thần nhân đạo, đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho mọi tầng lớp xã hội. Đây là bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Hệ thống mạng lưới cơ sở y tế được phát triển rộng khắp và nối dài đến tuyến xã. Việt Nam hiện nay có trên 11.400 trạm y tế xã, phường là tuyến đầu quan trọng bảo vệ sức khỏe người dân, có trên 1.500 bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương (cả công lập và tư nhân), hiện có trên 125.000 bác sĩ và trên 140.000 điều dưỡng.
Với hệ thống mạng lưới y tế ngày càng phát triển cùng đội ngũ y bác sĩ tận tâm, việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, bao gồm cả khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, ngày càng thuận lợi. Người dân hiện nay được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, tân tiến hơn trước đây.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế đang được đẩy mạnh, đặc biệt với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử, số hóa hồ sơ sức khỏe, kết nối liên thông, đồng bộ hóa với dữ liệu khám chữa bệnh giữa các bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt,…
Những bước tiến này đã giúp cho việc quản lý tài chính của bệnh viện ngày càng trở nên nhanh và hiệu quả hơn, đảm bảo chính sách miễn viện phí không bị lạm dụng, thất thoát.
Việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) hướng tới toàn dân đã đạt những kết quả đáng kể, với trên 92% dân số tham gia. Nhiều nhóm đối tượng khó khăn, dân tộc thiểu số đã được Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí mua BHYT. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để tiến tới thực hiện miễn viện phí toàn dân.
Kỳ vọng về quyết sách chạm tới trái tim triệu người
- Như Đại biểu đã trao đổi, có nhiều thuận lợi để triển khai lộ trình tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035. Tuy vậy, chắc chắn quá trình thực hiện sẽ gặp không ít thách thức. Những khó khăn nào cần được lường trước và đưa ra hướng giải quyết, thưa bà?
ĐBQH Lý Anh Thư: Bên cạnh những thuận lợi, còn tồn tại nhiều khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống Chính trị và toàn xã hội phải quyết tâm thực hiện. Có thể kể đến một số khó khăn cụ thể:
Thứ nhất, nguồn lực tài chính là yếu tố quyết định. Việc miễn viện phí đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước phải chi trả hoàn toàn viện phí cho hơn 100 triệu dân. Đây là một con số rất lớn, đòi hỏi sự phân bổ ngân sách hợp lý, khéo léo trong việc cân đối nguồn lực, tránh tạo gánh nặng lên ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, Nhà nước phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực như An ninh Quốc phòng, Xây dựng cầu đường, Đầu tư cho giáo dục,....
Thứ hai, về chất lượng và năng lực hệ thống y tế, việc miễn viện phí có thể làm tăng nhu cầu khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến trên (như tuyến Tỉnh, tuyến Trung ương) đã quá tải, không đủ giường bệnh cho bệnh nhân nằm điều trị. Từ đó dẫn đến bác sĩ phải cho bệnh nhân xuất viện sớm hơn, thuốc điều trị cho bệnh nhân từng lúc không đáp ứng kịp thời.
Mặt khác, sự chênh lệch giữa tuyến y tế xã và giữa các vùng miền còn rất lớn. Việc thiếu trang thiết bị hoặc trang thiết bị xuống cấp, thiếu bác sĩ, thiếu cơ sở vật chất tại các tuyến xã, nơi khám chữa bệnh ban đầu dẫn đến việc quá tải tại bệnh viện các tuyến trên. Nếu chất lượng không đồng bộ, chưa nâng cao kịp thời, khi thực hiện miễn viện phí, nhu cầu khám chữa bệnh sẽ tăng cao, dẫn đến nguy cơ quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh. Người bệnh phải chờ đợi, thời gian điều trị bệnh kéo dài, giảm chất lượng dịch vụ, gây phiền hà cho người dân.
Thứ ba, còn tồn tại tình trạng trục lợi và lạm dụng dịch vụ y tế. Khi các dịch vụ y tế được miễn phí, tình trạng khám chữa bệnh để lấy thuốc hoặc lấy giấy tờ,… sẽ xảy ra. Cơ sở y tế và người cung cấp dịch vụ y tế có thể trục lợi bảo hiểm, kê đơn, chỉ định xét nghiệm, sử dụng các kỹ thuật cao để tăng chi phí. Do vậy, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lạm dụng và trục lợi chính sách quản lý, kiểm soát lạm dụng dịch vụ y tế.

- Đại biểu có thể chỉ ra các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân, tạo nên các quyết sách chạm tới trái tim triệu người?
ĐBQH Lý Anh Thư: Để triển khai chính sách hiệu quả, cần xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, không nên triển khai đồng loạt cho mọi đối tượng. Trước hết, cần triển khai cho một nhóm đối tượng như trẻ em, người nghèo, người già đơn thân,...theo thời gian và lộ trình nhất định; có cơ chế quản lý và kiểm soát phù hợp. Đồng thời, để tăng nguồn lực tài chính thực hiện, Nhà nước cần quản lý nguồn tiền mặt chặt chẽ, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước như trốn thuế,...
Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án, hồ sơ sức khỏe, hồ sơ khám chữa bệnh... giữa các tuyến đến cơ sở và tiến tới đồng loạt trên toàn quốc giữa các bệnh viện với nhau.
Phát triển, nâng cao và đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở - nơi khám chữa bệnh ban đầu để giảm tải áp lực cho tuyến trên. Chú trọng đào tạo đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ giỏi kỹ năng chuyên môn, đạo đức tốt.
- Xin cảm ơn ĐBQH Lý Anh Thư đã chia sẻ!