Miễn thủy lợi phí: Triển khai thế nào cho hiệu quả?
Từ ngày 1.1.2008, toàn bộ chí phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thủy lợi sẽ do ngân sách nhà nước cấp cho các công ty khai thác công trình thủy lợi. Ước tính khi miễn toàn bộ thủy lợi phí, mỗi năm Nhà nước sẽ phải cấp khoảng 2.700 tỷ đồng. Tại Hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị định 154/2007/NĐ-CP về miễn thủy lợi phí vừa được Bộ NN và PTNT tổ chức tại Hà Nội, có không ít ý kiến băn khoăn về hướng triển khai chính sách này.
Vấn đề lớn nhất được đặt ra đối với các công ty thủy nông địa phương khi thực hiện miễn thủy lợi phí là kinh phí để duy trì hoạt động bởi việc cấp bù ngân sách nhà nước theo định mức thu thủy lợi phí của Nghị định 143/2003/NĐ-CP. Hiện tại, tổng thu thủy lợi phí hàng năm khoảng 800 tỷ đồng chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu hoạt động của công ty thủy nông, mức cấp bù của nhà nước chỉ đáp ứng thêm 20%. Như vậy, nếu triển khai việc cấp bù từ ngân sách nhà nước cho các công ty thủy nông theo định mức của Nghị định 143 thì vẫn còn thiếu khoảng 20% so với nhu cầu thực tế. Chưa kể, khi tiến hành thống kê diện tích đất nông nghiệp thuộc diện miễn thủy lợi phí, con số thực tế tại nhiều địa phương đã tăng khoảng 10-15%. Nguồn kinh phí phát sinh để tưới tiêu do diện tích này là không hề nhỏ. Theo Phó giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa, ngân sách hoạt động hàng năm của công ty lên đến 18 tỷ đồng trong khi mức thu từ thủy lợi phí chỉ khoảng 15 tỷ đồng, nguồn ngân sách thiếu hoặc được cấp thêm từ ngân sách tỉnh hoặc phải đi vay ngân hàng. Trong khi đó, việc áp dụng cấp bù ngân sách vẫn áp dụng theo mức thủy lợi phí cũ thì việc thiếu kinh phí hoạt động sẽ tiếp tục tồn tại.
Trong điều kiện nguồn ngân sách dùng để thực hiện miễn giảm thủy lợi phí chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc tăng cường phân cấp quản lý các công trình thủy lợi nhỏ cho các tổ hợp tác dùng nước được coi là giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí vận hành hệ thống thủy lợi. Việc chuyển giao các công trình thủy lợi nhỏ cho người dân, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác dùng nước tại nhiều địa phương đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Ước tính, mỗi năm, các tổ chức hợp tác dùng nước đóng góp 500-1.000 tỷ đồng để sửa chữa hệ thống thủy nông. Nhưng những bất cập chủ yếu hiện nay khi giao cho người dân tự quản lý công trình thủy lợi nhỏ là không duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, gây xuống cấp nghiêm trọng do thiếu công nhân kỹ thuật, nợ đọng tiền điện… dẫn đến hiệu quả tưới tiêu suy giảm. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Đào Xuân Học cho rằng, nếu hoàn thiện cơ chế giám sát duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi nhỏ thì việc giao quản lý các hồ chứa cho tư nhân có thể được tính đến. Tuy nhiên việc phân cấp mạnh trong quản lý công trình thủy lợi cho người dân cần được triển khai trong chiến lược tổng thể tăng cường năng lực hoạt động của toàn hệ thống thủy lợi. Phó cục trưởng Cục Thủy lợi Trần Sỹ Vinh cũng khẳng định là trong thời qua, mặc dù đầu tư nhiều cho những công trình thủy lợi lớn, với số vốn khoảng gần 2 tỷ USD, thế nhưng hiệu quả chỉ được phát huy trong 10-15 năm tới, trong khi lại gần như bỏ quên việc nâng cấp những hệ thống thủy lợi hiện có.
Bên cạnh đó, các hoạt động để tăng thu từ các dịch vụ khác sử dụng hệ thống thủy lợi cũng được nhiều công ty thủy nông đề cập đến như một trong nhưng biện pháp bảo đảm phát triển ổn định trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP Hồ Chí Minh cho biết đã xây dựng kế hoạch phát triển, trong đó chú trọng tăng thu từ các dịch vụ cấp nước, bảo đảm đến năm 2015 sẽ không sử dụng ngân sách thành phố cấp bù cho vận hành công trình. Cụ thể, nguồn nước tiết kiệm từ việc giảm diện tích đất nông nghiệp sẽ được chuyển sang phục vụ các dự án cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ khác với khối lượng bình quân 500.000-600.000 m3/ngày, đem lại nguồn thu 50 - 70 tỷ đồng/năm. Tại nhiều địa phương khác, phương hướng chuyển đổi, sắp xếp lại mô hình hoạt động của các doanh nghiệp thủy nông sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường khả năng vận hành linh hoạt cho các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này.
Chủ trương miễn thủy lợi phí cho nông dân là hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng việc triển khai thực hiện như thế nào để đem lại hiệu quả thực sự và người nông dân phải là đối tượng thụ hưởng thì vẫn còn nhiều băn khoăn.
NAM NGUYÊN