Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được Quốc hội quyết định thực hiện từ năm 2001 nhằm thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nông dân và khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tổng kết 20 năm thực thi chính sách cho thấy, tổng số thuế đã miễn, giảm trong giai đoạn 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; 2011 - 2016 là 6.308,3 tỷ đồng/năm; 2017 - 2018 đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; và từ 2021 - 2023 là khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này đã hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, làm cho họ gắn bó hơn với đất, với nghề nông; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với quy mô lớn và sản xuất theo hướng hiện đại. Cũng nhờ đó, Việt Nam đã dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản (gỗ, thủy sản, điều, tiêu...) - điều này được chứng minh qua những con số.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (2001 - 2010) kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta tăng gấp 5 lần, từ 4,7 tỷ USD lên 19,15 tỷ USD. Những năm 2011 - 2018, giai đoạn tiếp tục mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế và tiến tới miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Việt Nam lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới nhờ kim ngạch tăng trưởng vượt bậc từ 25 tỷ USD năm 2011 lên 40,5 tỷ USD vào năm 2018, tức là tăng 10 lần. Trong thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (năm 2019 - 2020), kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt con số ấn tượng 41,2 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 53,22 tỷ USD vào năm 2023.
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện liên tục trong hơn hai thập kỷ qua đã mang lại nhiều tác động tích cực cho sản xuất nông nghiệp cũng như công cuộc chống đói nghèo của nước ta. Thành quả này là minh chứng rõ nhất cho sự cần thiết của việc tiếp tục chính sách miễn thuế, đặc biệt trong bối cảnh Trung ương Đảng đã xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Hơn nữa, nếu bây giờ khởi động lại việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cho các thủ tục xác định số tiền thuế cũng như công tác thu nộp, trong khi số tiền thuế thu được chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách.
Điều còn băn khoăn ở đây là miễn thuế trong bao lâu. Bộ Tài chính đưa ra hai phương án 5 năm (2026 - 2030) và 10 năm (2026 - 2035). Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời hạn 5 năm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp cũng như chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm. Trong khi đó, thời hạn 10 năm tương đối dài trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn sau năm 2030 chưa được định hướng cụ thể. Đồng thời, kéo dài thời gian miễn thuế sẽ gia tăng áp lực lên ngân sách. Vì vậy, Bộ nghiêng về phương án miễn thuế trong 5 năm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết chuỗi giá trị trong nước cũng như xuất khẩu, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Những dự án đầu tư này đòi hỏi số vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài vì vậy, rất cần sự ổn định về chính sách để các doanh nghiệp yên tâm lên kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, phương án miễn thuế 10 năm cũng cần được cân nhắc nhằm bảo đảm sự ổn định chính sách và thu hút đầu tư lớn và dài hạn vào nông nghiệp, nông thôn.
Cả nước hiện có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 5,5% và đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nếu được thiết kế phù hợp sẽ góp phần cải thiện bức tranh này. Khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ lớn mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.