Miễn, giảm thuế sử dung đất nông nghiệp
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp bắt đầu được thực hiện từ năm 2001 và sẽ kết thúc vào cuối năm nay theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 của Quốc hội. Vì thế, trong tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách quan trọng này trong giai đoạn 2021 - 2025.
Sau 20 năm thực hiện, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được Chính phủ đánh giá là đã tác động lớn, quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ. Với trung bình khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng miễn, giảm mỗi năm trong giai đoạn 2003 - 2010 và trung bình gần 7,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2017 đến nay, chính sách này đã góp phần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời, khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn... Nói cách khác, đây thực sự là một chính sách đem lại nhiều tác động tích cực, đạt được nhiều mục tiêu.
Dẫu vậy, cần lưu ý rằng, nếu được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là nghị quyết thứ 3 được cơ quan lập pháp ban hành để thực hiện chính sách này. Trong khi đó, đây lại là chính sách nằm ngoài phạm vi của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đã được thực hiện trong một khoảng thời gian rất dài. Câu hỏi đặt ra là, thực tiễn thi hành 20 năm qua đã đủ để tổng kết, đánh giá và sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp thay vì tiếp tục trình Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này hay chưa?
Lùi lại thời điểm trước đó, cuối năm 2016, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55 về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách này sau khi kết thúc (hết năm 2020) để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.
Từ đó đến nay đã gần 5 năm, thời hạn thực hiện chính sách đã sắp kết thúc nhưng yêu cầu này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa được thực hiện. Ngay trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Chính phủ vẫn chỉ đề xuất chung chung “đối với giai đoạn trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và có tính khả thi”. Như vậy cũng có thể hiểu là, một chính sách mới về thuế sử dụng đất nông nghiệp đặt trong mối quan hệ tổng thể với các chính sách chung về Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các loại thuế, các khoản thu khác đang áp dụng với đất... sẽ vẫn là vấn đề để ngỏ trong khoảng 5 năm tới.
Ở góc độ khác, mặc dù báo cáo đánh giá tác động chính sách của Chính phủ cho thấy các tác động hết sức tích cực của chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Một câu hỏi khác được đặt ra là, thực trạng bỏ hoang hóa ruộng đất diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương vừa qua có nguyên nhân nào từ việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp hay không? Những con số về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi... không xuất hiện trong báo cáo tổng kết của Chính phủ về việc thực hiện chính sách. Nhưng thực tế cho thấy, tác động tiêu cực trong thực hiện chính sách là có. Trong đó, dễ nhìn thấy nhất là việc được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã không tạo ra động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất, tối ưu hóa giá trị và lợi ích mà diện tích đất được giao có thể đem lại. Điều này còn dẫn đến tình trạng hoang hóa, lãng phí đất nông nghiệp hoặc thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các dự án đầu tư...
Không phải cái gì miễn phí cũng đều tốt. Sự phức tạp trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... trên thực tế vừa qua cần được xem là lời cảnh báo để chúng ta phải tổng kết, đánh giá tác động của chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp một cách thấu đáo và đa chiều hơn. Đặc biệt là, phải đặt chính sách này trong tổng thể chiến lược phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới và tương lai xa hơn nữa như thế nào. Không chỉ hỗ trợ nông dân, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp mà chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp phải thực sự trở thành công cụ để quản lý, sử dụng nguồn lực đất nông nghiệp hiệu quả hơn, mang lại giá trị và lợi ích lớn hơn cho cả người sử dụng và Nhà nước.