Mi chọi

Nhữ Sơn 13/01/2012 14:24

Xuất phát từ thú chơi của các vương hầu quý tộc thời phong kiến cách đây cả nghìn năm, chọi họa mi đã trở thành niềm đam mê không chỉ của riêng người kinh kỳ bởi tính thanh cao, tao nhã và tinh thần thượng võ.

Thú chơi lắm công phu

Qua lời giới thiệu của Tân Su phì, một người chơi mi chọi có tiếng và là người cung cấp đến 80% mi chọi cho nhu cầu thị trường toàn quốc, tôi đến gặp Đạt Dầu khí. Nguyễn Trọng Đạt, người đàn ông ngoại 40 tuổi có thâm niên hơn 10 năm chơi mi chọi và đang sở hữu một số họa mi chiến có... tướng lạ. Từng làm trong ngành điện ảnh, Nguyễn Trọng Đạt đến với thú chơi mi chọi qua một lần đọc kịch bản phim cổ trang. Anh nhận thấy ngoài chơi chim khuyên để phòng độc, các vương tôn, quan lại thời phong kiến còn có một thú chơi tao nhã khác là... chọi họa mi. Theo một số thư tịch cổ, thú chơi chim họa mi chọi xuất hiện từ thời Lý khi các bậc vương hầu, quý tộc được các hào trưởng miền núi tặng những cặp chim họa mi chọi. Từ một thú chơi cung đình, chọi họa mi nhanh chóng lan rộng trong nhiều giai tầng xã hội bởi tinh thần thượng võ và tính thanh cao, tao nhã của nó. Chơi chim để dưỡng tính, vì thế mà thú chơi tao nhã này cũng lắm công phu.

Trong tự nhiên, chim họa mi ưa sống độc lập, mỗi con có một lãnh địa riêng. Đến mùa xuân, mùa sinh đẻ, ghép đôi chim trống luôn cất lên những tiếng hót hay nhất để quyến rũ chim mái. Khi có con chim lạ đến xâm phạm lãnh địa, nó sẽ cất tiếng hót thể hiện sức mạnh và uy quyền của mình để xua đuổi. Nếu kẻ xâm phạm vẫn ngoan cố thì sẽ có một trận thư hùng xảy ra cho đến khi một trong hai kẻ phải chấp nhận bỏ đi. Người chơi chim họa mi chọi đã lợi dụng hai đặc tính của họa mi để nâng thành một thú chơi tao nhã nhưng đầy tinh thần thượng võ, đó là tinh thần độc lập, tự cường, giữ đất, giữ nhà không chấp nhận kẻ ngoại bang xâm phạm và đòn ghen để giữ bạn tình.

Muốn có được con chim chọi ưng ý, xứng với danh xưng đấu sỹ rừng xanh, ngoài việc đi điền dã đến các vùng núi xa xôi tìm chim, người chơi phải có kinh nghiệm và kiến thức nhất định trong lựa chọn, nghĩa là phải biết xem... tướng chim. Nếu may mắn có được con chim già rừng (lão mao điểu), là họa mi đã sống ít nhất một năm rưỡi đến hai năm trong tự nhiên là tốt nhất. Loại chim già rừng tuy nhát người khó thuần nhưng ít bệnh tật, hót hay và hay chọi. Trong chọn mi chọi, mắt được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu (nhất nhãn, nhị mao, tam đầu, tứ cước). Nhìn vào mắt có thể đánh giá được con chim đó già hay trẻ, hiền hay ác, can đảm hay hèn nhát, tự tin hay nhu nhược... Khi đã ưng ý chất lượng của đôi mắt cũng có nghĩa là con mi đó đã được chấp nhận đến 70 - 80%. Người có thâm niên trong nghề chơi mi chọi thường bắt đầu với việc chọn tia nền mắt của chim (nhãn tảy). Những tia lốm đốm từ xung quanh đồng tử tỏa ra bốn phía trên nền mắt càng rõ, càng to, càng dày thì càng tốt. Con mi hay là con có đôi mắt méo, dài, tia mắt rõ, đồng tử nhỏ, mắt lồi và không hở. Thứ đến là chọn lông chim, người ta cho rằng lông chim họa mi phải tơi, mỏng, mềm, mượt thì mới tốt. Tiếp theo là tướng đầu, đầu họa mi có khá nhiều dạng, tốt nhất là đầu rắn (xà đầu), đầu vuông (phương đầu)... Loại chim có đầu kiểu này trông tướng dữ dằn và hiếu chiến. Chân mi chọi dẫu được xếp vào tiêu chuẩn cuối nhưng thực tế lại đóng vai trò rất quan trọng. Một mi chọi có đòn mỏ hay nhưng kém đòn chân thì khó lòng giành phần thắng. Vì vậy, mi chọi phải có đùi và cẳng chân to, dài. Các vảy chân có ngấn, chỗ vảy trên xếp lên vảy dưới phải gồ lên như ngói nóc nhà và trông chân phải khô như cành đào rừng.

Trong cuộc chiến giữa hai đấu thủ chim trống thì họa mi mái, khi đã kết đôi, có vai trò hộ chiến, thúc giục, động viên. Đôi khi sự hộ chiến có vai trò quyết định chiến thắng. Việc chọn chim mái cũng tuần tự theo các bước như chọn chim trống nhưng bớt khắt khe hơn. Khi đã chọn được những chú chim ưng ý thì việc chăm sóc, huấn luyện, thuần hóa chim cũng không kém phần chông gai. Thường người chơi phải chuẩn bị 3 loại lồng: lồng phóng dùng để tập thể lực, tạo sức bền; lồng chạy giúp con chim tiếp đất và ăn những viên cát sỏi mà nó thích rất tốt cho tiêu hóa; và lồng chiến là lồng nuôi có đường kính đáy khoảng 40cm, chiều cao tính cả chân lồng khoảng 60cm (chân thường cao 15 - 16cm). Lồng chiến được chú trọng nhất, thửa rất công phu, đặc biệt là sàn lồng và cửa lồng, trên sàn có bàn chiến. Ngoài đồ ăn tươi sống như cào cào, dế, giun quế... thức ăn cho họa mi chọi cũng được chế biến theo bí quyết riêng để đảm bảo dinh dưỡng.

Khi đã chơi họa mi chọi thì người chơi thường bỏ chơi họa mi hót để giữ tính hoang dã cho chim chọi.

Họa mi thư hùng chiến

Đã thành lệ, sáng chủ nhật nào tại chùa Kim Liên (Hà Nội) cũng diễn ra đôi ba trận chọi họa mi. Trận mở màn, bốn lồng chim đặt giữa sân, nằm sát nhau. Lồng chim mái phía sau lồng chim trống. Cửa lồng của hai đối thủ áp sát nhau, được ngăn cách bởi một cửa nhỏ có vách ngăn để hai đối thủ không nhìn thấy nhau. Khi giám khảo ra hiệu mở áo phủ lồng và tháo cửa ngăn, hai đấu sỹ rừng xanh lao vào nhau, tung ra những ngón đòn hiểm hóc, dùng mỏ nhọn hoắt mổ thẳng vào những chỗ hiểm như đầu, mắt. Hai họa mi mái hộ chiến vừa bay nhảy, vừa quan sát trận chiến và cất tiếng chùy, te thúc giục chim trống đánh trận. Hàng chục đôi mắt của khán giả đủ mọi lứa tuổi bị hút vào những lồng mi chọi. Theo quy định, người xem phải đứng giữ khoảng cách nhất định với sới chọi và giữ im lặng, không đi lại lộn xộn. Trận chiến kết thúc khi một đấu thủ không gỡ nổi đòn khóa cổ của đối phương, chấp nhận thất bại bởi những cú mổ toác đầu, rướm máu.

Anh Đạt cho biết, có trận chiến kết thúc chóng vánh chỉ trong dăm bảy phút nhưng cũng có những trận kỳ phùng địch thủ, diễn ra đến cả nửa giờ đồng hồ. Họa mi chiến cũng mang nhiều tính cách khác nhau, có con rất khí phách, luôn ra đòn trực diện, không né tránh nhưng cũng có con rất thủ đoạn, chỉ đảo cầu (bay lên bay xuống) trêu ngươi đối thủ... Luật lệ trong chọi hội quy định có 4 giải: nhất, nhì, ba và điện quân. Một con chim khi chọi hội có thể lần lượt chọi với nhiều con chim khác, miễn là nó thắng. Thời gian đánh với từng con sẽ được cộng dồn lại xem con nào có thời gian chọi nhiều nhất thì con đó đoạt giải nhất và lần lượt là các giải nhì, ba. Con chim nào chọi thắng cuối cùng, không kể thời gian chọi ngắn hay dài, thì được giải điện quân. Vì vậy có rất nhiều trường hợp các con đoạt giải nhất, nhì, ba lại đoạt luôn giải điện quân. Trung bình họa mi chọi có thể tham chiến mỗi tuần một lần nhưng tốt nhất là 3 - 5 tháng một lần để họa mi có thời gian hồi phục sức khỏe và các vết thương. Một chú chim chọi được tuyển chọn, chăm sóc, huấn luyện kỹ lưỡng có thể thi đấu từ năm 3 tuổi đến năm 10 tuổi.

Anh Đạt cho hay, chơi họa mi chọi chủ yếu là để thỏa đam mê chứ chẳng mấy ai lấy nghề chơi làm kế sinh nhai. Giải thưởng cho mỗi lần thắng cuộc ngoài cờ lưu niệm thì giá trị vật chất không đáng là bao. Trong khi đó, để mua được một chú chim tốt có khi phải tiêu tốn hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, chim họa mi thắng trận mang lại cho người chơi danh tiếng và đó là niềm tự hào làm nên đẳng cấp của người chơi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mi chọi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO