Mẹo nhận diện thực phẩm “bẩn”
Giữa ma trận thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc đang bủa vây người tiêu dùng như hiện nay, nhận diện được thực phẩm "bẩn" chính là chìa khoá để mỗi chúng ta có thể trở thành những người tiêu dùng thông thái, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Thực phẩm bẩn là tên gọi chung thường nói khi nhắc tới những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. "Thực phẩm bẩn" đã trở thành một danh từ phổ biến và mang ý nghĩa bao trùm, được sử dụng ở nhiều nơi.
Với nhiều hình thức phức tạp, nhìn chung thực phẩm bẩn khó phát hiện nhưng người tiêu dùng có thể phòng tránh bằng cách cẩn thận trong chọn mua và nấu nướng hàng ngày.

Một số dấu hiệu nhận biết chung
Mùi vị, màu sắc, hình dạng bất thường: Những biểu hiện bên ngoài là những dấu hiệu cần được quan tâm nhất khi người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm. Nếu thực phẩm có mùi hôi, vị lạ hoặc màu sắc, hình dạng không tự nhiên thì không nên chọn mua. Ví dụ, thịt có mùi hôi, ôi, cá có mùi tanh nồng, rau củ quả có màu sắc quá sặc sỡ,...
Thành phần, nhãn mác không rõ ràng: Với số lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc được tuồn ra thị trường mỗi ngày thì người tiêu dùng nên học thói quen đọc và hiểu các thông tin được ghi trên bao bì sản phẩm. Nếu thực phẩm không có nhãn mác hoặc nhãn mác không đầy đủ, không rõ ràng về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hoặc không có thông tin về thành phần,... thì đó có thể là những sản phẩm trôi nổi, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ khi sử dụng.
Điều kiện bảo quản không đảm bảo: Thực phẩm được bảo quản, bày bán trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, như để ở nơi ẩm ướt, bụi bẩn,... cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh. Do đó, không nên vì ham rẻ mà mua thực phẩm ở những quầy hàng ven đường có điều kiện bảo quản không đảm bảo.
Giá cả bất thường: Vì được thu mua ở những nguồn hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ, được chế biến từ những sản phẩm kém chất lượng cho nên thực phẩm bẩn thường có giá rẻ hơn so với thực phẩm an toàn. “Tiền nào của nấy” là câu nói có giá trị đúng trong nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là với việc lựa chọn thực phẩm.

(Ảnh minh hoạ)
Cách lựa chọn đối với từng loại thực phẩm
Thực phẩm chế biến sẵn
Với những loại thực phẩm được đóng gói sẵn, phải kiểm tra sản phẩm bên trong có còn nguyên vẹn hay không. Nhãn mác phải thể hiện đúng thông tin của sản phẩm, nhà sản xuất, ngày sản xuất, lô sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thành phần cấu tạo chính của sản phẩm và đặc biệt phải có ngày sản xuất và ngày hết hạn.
Đối với các sản phẩm chế biến sẵn nên chú ý nên thành phần phụ gia và các chất bảo quản sử dụng để bảo vệ sức khỏe gia đình được an toàn nhất.
Thịt
Nên chọn những loại thịt có màu sắc đỏ sẫm hay đỏ tươi, vết cắt của thịt phải bình thường và khô ráo. Chúng ta nên tránh những loại thịt có màu hơi thâm, đen, xanh nhạt hay có màng nhầy ở phía bên ngoài. Tuyệt đối không nên mua những loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi kháng sinh bất thường.

Rau, củ, quả
Đối với các loại rau củ quả tươi ngon, giàu vitamin thì cách chọn thực phẩm sạch và an toàn nhất là quan sát bên ngoài bằng mắt. Nên chọn rau củ quả tươi, còn nguyên cuống, không bị tình trạng dập nát, bị sâu hay đốm lạ.
Không nên mua rau đã bị dập, héo úa, có mùi lạ hay có có kích thước bên ngoài khá bất thường. Khi chọn rau trong siêu thị thì nên chú ý đến nơi sản xuất và độ tươi của rau, còn khi mua ở chợ nên quan sát và chọn lựa thật kỹ các loại rau này. Dù mua ở siêu thị hay chợ trước khi chế biến cũng nên ngâm với nước muối để tránh bị thuốc hay phân bón.
Cá
Để mua các loại cá tươi ngon chúng ta nên chọn những con cá đang còn sống và thở trong chậu hay bể. Nên chọn những con khỏe và còn nguyên vảy, còn nếu không còn sống thì cá và hải sản phải được bảo quản trong đá lạnh. Tránh mua các loại cá bị ươn hay có mùi lạ.

Các loại ngũ cốc
Ngũ cốc hoặc thực phẩm khô khác khi đã thấy bị mốc thì người tiêu dùng không nên mua bởi thực phẩm mốc có thể chứa một số loại vi khuẩn có thể gây nên bệnh ung thư và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhất là trong những loại ngũ cốc có dầu, khi bị mốc có thể sản sinh ra nấm aflatoxin, loại nấm này có nguy cơ gây bệnh ung thư gan cho người dùng. Vì thế nguyên tắc lựa chọn thực phẩm an toàn đầu tiên là bỏ qua những loại thực phẩm khô đã bị mốc.
Những lưu ý khi chọn mua thực phẩm
Để lựa chọn được những thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên lưu ý một vài điều sau:
Chọn mua thực phẩm từ các nguồn uy tín: Nên mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng của thực phẩm: Nên kiểm tra kỹ nhãn mác không bị bong tróc, dán đè mác, các thông tin được in sắc nét, rõ ràng. Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của thực phẩm trước khi mua, đặc biệt là tính toán về thời hạn sử dụng của thực phẩm với các sản phẩm chế biến sẵn.
Rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến: Dù là thực phẩm tươi sống hay thực phẩm đóng hộp, người tiêu dùng cũng nên rửa sạch trước khi chế biến để loại bỏ các vi khuẩn, bụi bẩn bám trên bề mặt.
Bảo quản thực phẩm đúng cách: Tìm hiểu và đọc kỹ thông tin khuyến cáo để quản đúng cách với từng loại thực phẩm, qua đó sẽ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại.