Mệnh lệnh từ trái tim và danh dự

- Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:17 - Chia sẻ

“Không chững lại”, “không chùng xuống”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”... những cụm từ quen thuộc được nhắc đến với tần suất dày đặc trong 5 năm trở lại đây không phải là những tuyên ngôn hay lời hiệu triệu mà đã thực sự trở thành nguyên tắc, kim chỉ nam dẫn dắt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Nếu năm 2016, khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XII, Đảng ta đánh giá tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp ở nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm sút niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng thì nay, công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm” đã đạt được những kết quả vô cùng quan trọng, toàn diện, rõ rệt, không thể phủ nhận, không thể nghi ngờ, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ “chống” và “xây”, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

Ở góc độ “chống” phải kể đến công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra làm rõ, kết luận nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cấp chiến lược của Đảng và Nhà nước, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt nhiều địa phương, đơn vị cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Đó còn là sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác điều tra, truy tố, xét xử; đẩy nhanh tiến độ, phát hiện và xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật nhiều đại án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc, vụ án đã tồn đọng từ nhiều năm trước, các vụ án xảy ra trong những ngành, lĩnh vực lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng đã chọn những khâu, những việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo khắc phục, nói đi đôi với làm, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

“Chống” quyết liệt, không nhân nhượng, không chùn bước như vậy nên dù cam go, phức tạp và đau xót nhưng đúng như nhận định của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế không thể cưỡng lại”.

Ở góc độ “xây”, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, dù có thể thầm lặng hơn nhưng cũng quyết liệt và kiên trì, bền bỉ không kém. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 80 văn bản liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, quy hoạch cán bộ... phục vụ trực tiếp cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Quốc hội cũng đã ban hành hơn 70 luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, có những luật đã được Quốc hội sửa đổi ngay theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Giám định tư pháp và hàng loạt các đạo luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư công... góp phần hạn chế, khắc phục kịp thời những sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Có những cơ chế lần đầu tiên được luật hóa hoặc tiếp tục được củng cố ở tầng nấc cao hơn như: định danh chính xác hơn các hành vi tham nhũng; mở rộng phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư nhân, kiểm soát chặt chẽ hơn tài sản và thu nhập của người giữ chức vụ, quyền hạn để chặn đứng “vòi bạch tuộc” với khu vực tư nhân hình thành các nhóm lợi ích sân trước, sân sau, lũng đoạn chính sách và chiếm đoạt tài sản nhà nước; các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát xung đột lợi ích...

Hôm nay, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Khác với các hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức trong thời gian vừa qua, Hội nghị lần này sẽ tập trung đánh giá, tổng kết cả một chặng đường dài từ năm 2013 đến nay, tổng rà soát những việc đã làm được, những việc chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và xác định các nhiệm vụ trong thời gian tới.

5 năm của nhiệm kỳ Khóa XII và 8 năm kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng - người được Nhân dân cảm phục ví như “người đốt lò vĩ đại” - chúng ta đã tiến những bước rất dài trong cuộc chiến cam go này. Nhưng vẫn còn những khó khăn và thử thách ở phía trước khi thực tế vừa qua đã cho thấy, trong khi “lò” chống tham nhũng chưa lúc nào vơi bớt sức nóng thì tham nhũng, như Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, “vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện”; còn Ủy ban Tư pháp cảnh báo tham nhũng đã xuất hiện trong những lĩnh vực mới như trong thực hiện chủ trương xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, tội phạm tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, tham nhũng thực hiện bên ngoài lãnh thổ quốc gia...

Vẫn còn nhiều việc phải làm trên cả hai mặt trận “xây” và “chống”, xử lý và phòng ngừa tham nhũng mà ở nhiệm vụ cụ thể nào cũng đòi hỏi bản lĩnh, dũng khí, sự quyết liệt, kiên trì, nói đi đôi với làm. Phòng, chống tham nhũng từ "xu thế không thể cưỡng lại" phải thực sự trở thành mệnh lệnh hành động từ trái tim, bằng danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên. 

Nguyễn Bình