Mềm dẻo theo pháp luật

Hoa Lê thực hiện 05/06/2013 11:25

Theo ĐBQH TRẦN NGỌC TĂNG (Hà Tĩnh), bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện của người dân, do người dân tự quyết định là chính, do đó phải tạo điều kiện mềm dẻo, linh hoạt để người dân có thể phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh. Tuy nhiên, mềm dẻo nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp luật và Nhà nước có trách nhiệm ở một mức độ nhất định nhằm tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải cơ sở được thực hiện có kết quả.

- Theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở thì tỷ lệ hòa giải thành công chiếm 80% số vụ, việc. Tuy nhiên trên thực tế, các mâu thuẫn và tranh chấp đang có xu hướng gia tăng. Đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã phát huy vai trò và ý nghĩa quan trọng trong đời sống của nhân dân, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa kịp thời nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, ổn định trật tự an toàn xã hội, đồng thời giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết… Nhìn chung sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã được các cấp, ngành, người dân thực hiện tích cực và đã đạt được những kết quả đáng kích lệ, đặc biệt, tỷ lệ hòa giải thành công chiếm 80% số vụ, việc.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số vướng mắc, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn vượt cấp không giảm; còn những vụ được hòa giải thành công thường rơi vào các vụ hòa giải là quan hệ hàng xóm, gia đình. Có thể nói, yếu tố quan trọng làm cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đạt hiệu quả như mong muốn là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật Hòa giải cơ sở, với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao quát hơn, toàn diện hơn, sẽ góp phần tích cực, quan trọng vào việc hỗ trợ cho người dân thông qua hoạt động này để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần ổn định trật tự xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, theo tinh thần tự nguyện, tự quyết, tự chủ của nhân dân ở cơ sở.

- Và việc xây dựng khung pháp lý cao hơn sẽ thúc đẩy sự lựa chọn của người dân, sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp nhiều bên trong quá trình hòa giải, thưa Đại biểu?

ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở được xây dựng với tinh thần xã hội hóa, nhưng bên cạnh xã hội hóa cũng khẳng định vai trò rất nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Mặt trận; vai trò pháp lý, mối quan hệ giữa nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức trong việc thực hiện hoạt động hòa giải cơ sở. Dự thảo cũng đề cập vấn đề lựa chọn hòa giải viên, xây dựng tổ hòa giải, nhiệm vụ, chức năng của tổ hòa giải viên, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong việc tạo điều kiện phối hợp, tổ chức để hoạt động hòa giải cơ sở có kết quả. Hoạt động hòa giải ở cộng đồng dân cư xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng dân cư, của người dân được hình thành từ lâu đời, gắn với truyền thống văn hóa dân tộc. Chính vì thế mà khi Luật Hòa giải cơ sở được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý rộng rãi, toàn diện và bảo đảm cho hoạt động hòa giải cơ sở có khuôn khổ, nề nếp, góp phần tích cực trong việc phát huy xã hội hóa, thúc đẩy sự lựa chọn của người dân, sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp nhiều bên trong quá trình hòa giải; bên cạnh đó, vẫn phát huy được tinh thần xây dựng cộng đồng dân cư theo hướng tự quyết, tự quản.

- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hòa giải cơ sở là hoạt động mang tính chất mềm dẻo, do vậy không nên “hành chính hóa” hoạt động này ?

ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Tôi rất tán thành quan điểm này. Có thể nói, Luật Hòa giải cơ sở là khung pháp lý toàn diện, đầy đủ về hoạt động hòa giải cơ sở, nhưng bên cạnh đó cũng thể hiện được tinh thần xã hội hóa, tinh thần tự quản, tự quyết của nhân dân trên cơ sở những định hướng của pháp luật. Hoạt động hòa giải cơ sở xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng dân cư, do vậy có những tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra có thể giải quyết được với hòa giải viên có uy tín trong cộng đồng, nhưng nhiều khi đến chính quyền lại không đạt được kết quả này do các quy định quá “cứng”.

Việc tạo ra một văn bản pháp lý có giá trị cao, trong đó các quy định được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể là cơ sở để thúc đẩy đem lại hiệu quả giải quyết cao hơn. Đặc biệt nhấn mạnh quan điểm không hành chính hóa và tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện của người dân, do người dân tự quyết định là chính, do đó phải tạo điều kiện mềm dẻo, linh hoạt để người dân có thể phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh. Tuy nhiên, cũng không được lợi dụng việc hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh các biện pháp xử lý hành chính, hình sự. Mềm dẻo nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp luật và nhà nước có trách nhiệm ở mức độ nhất định nhằm tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải cơ sở được thực hiện có kết quả.

- Vậy, theo Đại biểu, để hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực thi tốt hơn, điều quan trọng nhất là gì?

ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Theo tôi, để hoạt động hòa giải cơ sở được thực thi tốt, quan trọng nhất là chọn hòa giải viên, đặc biệt là uy tín của người hòa giải. Trong hoạt động hòa giải yếu tố uy tín của cá nhân và khả năng thuyết phục là rất quan trọng để vận động các bên có liên quan cùng đồng thuận, tự nguyện, tự quyết định vấn đề. Do vậy, bản thân những người có uy tín trong cộng đồng dân cư sẽ có ảnh hưởng nhất định đến kết quả hòa giải. Bởi đây chính là những người tiêu biểu trong cộng đồng được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Hòa giải viên thực hiện tốt chức năng của mình, thể hiện được quan điểm xã hội hóa của Luật, còn nhà nước và các tổ chức cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ để cho các hòa giải viên và các tổ hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa hoạt động hòa giải ở cơ sở với các bên khác, đó là sự tham gia của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, những người có uy tín và chính người dân ở cơ sở, cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và các cấp chính quyền nhằm mang lại hiệu quả tích cực hơn cho công tác này.

- Xin cám ơn Đại biểu!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mềm dẻo theo pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO