Mềm dẻo, linh hoạt trong điều hành
Sáng nay, Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV họp phiên bế mạc. Đánh giá về kết quả bước đầu của Kỳ họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ CAO ĐÌNH THƯỞNG cho rằng, đến hôm nay, có thể khẳng định, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, cơ bản hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đây cũng là kỳ họp để lại dấu ấn mạnh mẽ với nhiều cải tiến mới, được dư luận và cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Tranh luận - quyền và trách nhiệm của đại biểu
- Nhìn lại gần 1 tháng của Kỳ họp thứ 2, ông đánh giá như thế nào về kết quả các hoạt động của QH?
Tại Kỳ họp này, khi cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các ĐBQH đều đưa ra quan điểm rõ ràng, không xuôi chiều, và có sức thuyết phục cao. Nhiều ĐBQH đã đưa ra quan điểm không chỉ khác với tờ trình của Chính phủ, mà còn khác với báo cáo thẩm tra, cũng như gợi mở hướng bổ sung, hoàn chỉnh hiệu quả cho dự án luật. Những phát biểu này chắc chắn sẽ buộc cơ quan chủ trì soạn thảo phải kỹ càng hơn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật. Tôi hy vọng, bằng sự chuẩn bị nghiêm túc, cơ quan chủ trì soạn sẽ xây dựng được báo cáo giải trình thuyết phục, trước khi trình dự án luật ra QH xem xét, thông qua. |
- Đến hôm nay có thể khẳng định, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn trong lòng cử tri và nhân dân. Sự thành công không những thể hiện ở việc QH đã cơ bản hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, mà còn từ các quyết định quan trọng của QH, phúc đáp đòi hỏi của quá trình phát triển của đất nước. Đây cũng là kỳ họp tạo dấu ấn mạnh mẽ với cử tri, khi lần đầu tiên QH thực hiện hình thức giơ bảng tranh luận, cho phép một ĐBQH có thể “xen ngang” lượt phát biểu của đại biểu khác, đưa ra tranh luận của mình với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cũng như với các đại biểu phát biểu trước đó. Hình thức này đã giúp các phiên họp của QH có “lửa” và tập trung hơn.
Tôi và nhiều ĐBQH khác đều ý thức, giơ bảng tranh luận vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của mỗi đại biểu. Quyền ở đây là được kịp thời làm rõ hơn vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, giúp hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết. Hình thức này tạo điều kiện cho ĐBQH thể hiện nhiều hơn về trình độ, kiến thức, cũng như ý thức trách nhiệm của mình. Nhưng việc phát biểu tranh luận cũng tạo sức ép khá lớn với đại biểu, vì nội dung tranh luận được không chỉ gần 500 đại biểu khác theo dõi, mà đây đều là những người có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Để có thể tranh luận được, đòi hỏi đại biểu phải chắc cả về lý luận và thực tiễn. Dẫu vậy, đại biểu chúng tôi cũng xác định rõ, khi tranh luận, đằng sau mình chính là cử tri, những người đã tin tưởng bầu chọn là người đại diện trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nên phải luôn cố gắng để hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đáp lại mong mỏi, kỳ vọng của cử tri.
- Tăng đối thoại, tranh luận giữa đại biểu với đại biểu và giữa đại biểu với Bộ trưởng - đây là một trong những bước để hiện thực hóa chủ trương chuyển từ QH tham luận sang QH thảo luận, tranh luận. Ông đã hài lòng với phương thức tranh luận tại Kỳ họp thứ 2 này chưa?
- Phương thức giơ bảng tranh luận đã tạo ra một không khí làm việc mới, khuyến khích ĐBQH tiếp tục trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động của QH. Nhưng tôi thấy, có lẽ chỉ nên để ĐBQH tranh luận với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, hay phần giải trình của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo ngay tại phiên họp.
![]() ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quang Khánh) |
Việc tranh luận giữa các đại biểu với nhau trong phiên họp toàn thể trên hội trường cần được cân nhắc, dù đúng là tạo ra không khí dân chủ, cởi mở, và giúp tìm ra điểm chung giữa các đại biểu. Vì dễ thấy, nội dung phát biểu thể hiện quan điểm của cá nhân đại biểu, nên có thể đúng với người này, song lại không đúng với người khác. Trên hội trường, nếu tiếp tục giữ cách tranh luận này có thể làm một số ĐBQH e ngại phát biểu quan điểm riêng của mình, hoặc gây ra sự căng thẳng không cần thiết giữa các đại biểu với nhau. Trong thảo luận tại tổ, các đại biểu đã có không gian và thời gian để tranh luận với nhau về nội dung của dự án luật, nghị quyết của QH, tất nhiên ở phạm vi hẹp hơn. Do đó, hội thảo, hội nghị, hay tọa đàm chuyên sâu có lẽ là không gian phù hợp hơn để các ĐBQH tranh luận.
Điều hành đã đẩy phiên chất vấn lên cao trào
- Bên cạnh không khí tranh luận sôi nổi tại các phiên họp toàn thể của QH, ông có những ấn tượng nào khác với Kỳ họp thứ 2 này?
- Có thể thấy, sự thành công của các phiên họp toàn thể của QH có đóng góp của người điều hành. Tại các phiên thảo luận về dự án luật, nghị quyết hay giám sát chuyên đề, các Phó Chủ tịch QH đã điều hành mềm dẻo, linh hoạt để giữ nhịp thảo luận, bảo đảm mỗi phát biểu đều tuân thủ đúng thời gian, đi vào trọng tâm vấn đề. Tại phiên thảo luận về các dự án luật như dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi)… Phó Chủ tịch QH điều hành đã chủ động đưa ra một số nội dung quan trọng khác cần cho ý kiến, hướng ĐBQH thảo luận, tranh luận toàn diện hơn về dự án luật. Những gợi mở kịp thời này đã tạo điều kiện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra có thêm cơ sở trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Trong mỗi kỳ họp, vai trò của người điều hành thể hiện sinh động và thu hút nhất là tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Tại Kỳ họp thứ 2 này, Chủ tịch QH đã thực hiện tốt, có hiệu quả vai trò điều hành tất cả các phiên chất vấn với Thủ tướng Chính phủ, 4 Bộ trưởng. Đây là công việc tưởng đơn giản, nhưng thực ra rất phức tạp, khó khăn, vì đòi hỏi người điều hành phải bao quát được nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua 2 ngày rưỡi chất vấn, có thể thấy, Chủ tịch QH đã điều hành rất chắc tay, sử dụng hiệu quả khoảng thời gian ít ỏi dành cho chất vấn của QH. Bằng khả năng bao quát vấn đề, tư duy sắc bén, cùng sự nhạy cảm, Chủ tịch QH đã chọn trúng chất vấn nào nên trả lời trực tiếp, chất vấn nào nên trả lời bằng văn bản, thỏa mãn cả ĐBQH và Bộ trưởng. Phiên chất vấn, trả lời chất vấn đi vào quỹ đạo và đẩy lên cao trào cũng từ những quyết định đúng thời điểm này.
- Tại Kỳ họp này, trên cơ sở kết quả chất vấn, QH đã nghiêm khắc phê phán nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ông đánh giá như thế nào về sự phê phán này của QH?
- Sự phê phán của QH với những khuyết điểm, sai phạm trong thời gian công tác của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đã thể hiện rõ sự nghiêm khắc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với nhân sự do mình phê chuẩn. Nhưng việc kỷ luật của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đang gặp khó khăn, vì như trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là không có cơ sở pháp lý để cách chức được một cán bộ đã về hưu. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần lưu ý, nếu bãi bỏ các chức vụ trong thời gian công tác của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, thì có phải xem xét hiệu lực của các quyết định hành chính đã ban hành, cũng như giá trị pháp lý của một số hiệp định thương mại quốc tế nước ta tham gia hay không?
- Xin cảm ơn ông!