Mấy kỷ niệm với đồng chí Trần Đại Quang
Hai ngày qua, Lễ quốc tang Chủ tịch Nước Trần Đại Quang được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quê hương Ninh Bình. Chủ tịch Nước Trần Đại Quang từ trần là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, tôi càng nhớ thêm 3 kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, khi tôi đang giữ chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Khóa XIII.
![]() Đại tướng Trần Đại Quang khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với ĐBQH Lê Như Tiến và ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bên hành lang Hội trường tại một kỳ họp của Quốc hội Khóa XIII |
1. Tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII, sau khi được nhận và nghiên cứu dự thảo Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tôi đã trao đổi với Chủ tịch Nước, lúc đó đang giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an về một số vấn đề cần được làm rõ.
Cụ thể, trước hết, cần phân tích rõ hơn các vụ án tham nhũng trong tổng số các vụ án, loại tội phạm, vi phạm pháp luật được thống kê, phân tích. Thứ hai, phân tích để đưa ra nguyên nhân khiến cá nhân phạm tội, nhất là tội về kinh tế. Trong đó, tôi cũng yêu cầu phải phân tích rõ hơn, có số liệu cụ thể về việc các cơ quan quản lý nhà nước có bắt tay, đứng đằng sau cá nhân, doanh nghiệp tham nhũng, khiến vấn nạn này nhức nhối hơn, phát sinh nhiều vụ việc người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu tham nhũng. Thứ ba, bổ sung giải pháp ngăn chặn tội phạm nói chung, nhất là tội phạm tham nhũng. Những yêu cầu này đòi hỏi phải dồn nhiều công sức để hoàn thành, song ngày hôm sau, sau khi kết thúc phiên họp buổi sáng của QH, Bộ trưởng Bộ Công an đã trực tiếp gặp và thông báo các yêu cầu đều được tiếp thu, đưa vào báo cáo sẽ trình bày trước QH. Không dừng lại ở lời nói, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đưa tôi dự thảo Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được chỉnh lý, hoàn thiện. Bộ trưởng Trần Đại Quang khi ấy cũng nói thân tình với tôi: “Qua đọc dự thảo Báo cáo đã được chỉnh lý, anh có hài lòng không?”.
Qua sự việc này cho thấy, Chủ tịch Nước là người cầu thị, khiêm tốn, luôn tôn trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của ĐBQH. Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trình bày trước QH đã đưa ra cụ thể, mạch lạc, số liệu đầy đủ, bổ sung chi tiết các thông tin tôi yêu cầu đưa vào.
2. Trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII cũng phát sinh một vụ việc, khi có một tờ báo của tổ chức chính trị - xã hội bị khởi tố hình sự, thậm chí Tổng biên tập của tờ báo cũng được đề nghị khởi tố. Trước sự việc này, nhân giải lao trong phiên họp toàn thể tại hội trường, tôi đã trao đổi riêng với Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an. Tôi thẳng thắn góp ý, đây là một cơ quan báo chí đã mạnh mẽ tham gia phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, song vì có một số sơ sót trong các bài báo gần thời điểm đó, làm bạn đọc hiểu nhầm về cơ quan, tổ chức. Trước sai sót này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc thanh tra, sau khi phát hiện toàn bộ các sai sót đã ban hành quyết định thu thẻ Nhà báo của Tổng biên tập báo này. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị và được cơ quan chủ quản đồng tình, thể hiện qua việc ban hành quyết định cách chức Tổng biên tập. Hai hình phạt đó tương đối nặng, nghiêm khắc với một nhà báo và người quản lý cơ quan báo chí. Bên cạnh yếu tố nêu trên, tôi cũng lưu ý, trong thời điểm hiện nay, Nhà nước đang mở rộng dân chủ, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phản ánh tiếng nói của cử tri, người dân. Cơ quan báo chí đưa thông tin sai sự thật đều bị cơ quan quản lý nhắc nhở, thậm chí nếu vi phạm lớn sẽ bị thu hồi quyền phát hành... Sau khi lắng nghe các ý kiến được đưa ra, Bộ trưởng đã đề nghị tôi có văn bản gửi sang Bộ Công an trình bày ý kiến, quan điểm của mình về vụ việc này.
Bên cạnh thư của tôi, là ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Khóa XIII, còn có công văn của lãnh đạo cơ quan chủ quản tờ báo, ý kiến của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vụ việc này. Tôi được biết, ngay lúc đó, Bộ trưởng đã nghiên cứu các văn bản, ý kiến được gửi đến Bộ, đưa ra trao đổi tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan. Cựu Tổng biên tập tờ báo đó đã không bị khởi tố, chỉ được gọi lên nhắc nhở, để thấy rõ sai sót trong quá trình quản lý của mình.
Qua vụ việc này một lần nữa cho thấy, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang luôn lắng nghe, xem xét thận trọng trong từng vụ việc cụ thể, để không bỏ sót tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.
3. Sau khi được QH bầu giữ chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi có may mắn được gặp Chủ tịch Nước trong một hội nghị. Khi nhận được lời chúc mừng của tôi, Chủ tịch Nước đã chia sẻ sâu sắc và thân tình: “Được QH giao trọng trách càng cao, thì trách nhiệm càng lớn”.
Khi chia sẻ câu chuyện này và hai câu chuyện nêu trên với một số ĐBQH, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trong các cơ quan quốc phòng, công an, cũng nhận được sự đồng tình cao. Các ĐBQH, cán bộ quân sự, an ninh đều nhất trí cho rằng, Chủ tịch Nước là người rất lắng nghe, cầu thị tiếp thu những ý kiến đúng đắn của ĐBQH, chiến sỹ, đồng nghiệp, để hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Có thể thấy, nhận định “được giao trọng trách càng cao, thì trách nhiệm càng lớn” đã được minh chứng cụ thể trong thời gian Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Nước. Trong đó, hai minh chứng rõ nhất là việc góp phần quan trọng tạo nên thành công của Tuần lễ APEC 2017 và tuần làm việc cuối cùng trước khi từ trần của Chủ tịch Nước. Trong tuần làm việc cuối cùng, cử tri, người dân cả nước đều thấy Chủ tịch Nước có lịch làm việc dày đặc, dù sức khỏe suy yếu nhiều. Hình ảnh Chủ tịch Nước làm việc đến ngày cuối cùng để hoàn thành trọng trách được QH trao cho mình, đã trở thành một tấm gương về một nhà lãnh đạo tận tụy, hết mình vì việc nước, việc dân.