Để đi sâu vào thế giới văn chương của hai tác phẩm này, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Japan Foundation) tổ chức sự kiện Màu của buồn thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue.
Tiểu thuyết Súng săn là tác phẩm đầu tay của Yasushi Inoue, được xuất bản sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Cuốn sách được kể dưới dạng những bức thư, được gửi từ ba người phụ nữ cho một người đàn ông: cô con gái phát hiện ra người mẹ đã khuất của mình là kẻ ngoại tình, người vợ bị lừa dối và người đàn bà ngoại tình.
Trong tiểu thuyết này, Yasushi Inoue len lỏi vào những ngóc ngách sâu xa nhất trong tâm lý con người và khắc họa những gam màu đen tối và dữ dội nhất trong nhân tính và nhân cách của mỗi nhân vật.
Bọ tuyết - tự truyện của Yasushi Inoue, được ví là một kiệt tác đong đầy hoài niệm cố hương và tràn ngập tinh thần trào phúng phóng khoáng. Tiểu thuyết kể về thời thơ ấu của cậu bé Kousaku, phải rời xa cha mẹ từ khi mới lên năm, đến sống cùng bà Onui trong căn nhà bình dị nơi thôn dã.
Vốn là vợ bé của ông cố Kousaku, bà Onui phải chịu bao điều tiếng và cái nhìn phán xét từ người làng, nhưng bà vẫn dành cho Kousaku tình thương đặc biệt. Và cứ thế dưới đôi bàn tay bà chăm sóc, tâm hồn non trẻ của Kousaku lớn lên từng ngày giữa thiên nhiên Izu thơ mộng đầy nắng ấm và cỏ thơm.
Khác với Súng săn, gam màu của Bọ tuyết mang nhiều nét tươi sáng hơn, tuy nhiên cũng không tránh khỏi nét màu buồn thương và cô đơn. Đằng sau những khung cảnh thiên nhiên gắn liền với thời thơ ấu của lũ trẻ cũng là những chi tiết thể hiện nỗi sợ và buồn thương trong số phận.
Điểm chung này sẽ khởi nguồn cho những phân tích, lý giải trong chương trình thảo luận với chủ đề Màu của buồn thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue. Các diễn giả gồm: nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu; Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, Chủ biên tạp chí zzz Review; Tiến sĩ văn học Trần Thị Thục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sự kiện diễn ra sáng 10.12, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hà Nội.