Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 26 nghìn tỷ đồng, hướng tới mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Thực tế, đào tạo nhân lực bán dẫn ở các trường đại học của nước ta hiện gặp nhiều thách thức, đòi hỏi có cơ chế đột phá, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo Đề án cho rằng, con số 50.000 kỹ sư đến năm 2030 là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể đào tạo được nhiều hơn. Khẳng định này dựa trên kết quả khảo sát năng lực đào tạo của các trường đại học lớn tham gia đào tạo các ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng để chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023 và kỳ vọng đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.
Ở nước ta, hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)... Đặc biệt, mới đây, Amkor đã tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1,6 tỷ USD, sớm 11 năm so với kế hoạch ban đầu.
Nếu Việt Nam không có nguồn nhân lực bán dẫn tốt thì các công ty lớn sẽ không đầu tư vào Việt Nam, nhưng đây cũng chỉ là một trong những điều kiện cần. Để thu hút các “đại bàng” ngành bán dẫn, yếu tố rất quan trọng là Việt Nam phải có các chính sách đặc thù, cạnh tranh, hấp dẫn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện nay, nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cũng như hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD (khoảng 30 - 50% tổng đầu tư) để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.
Ví dụ, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120 - 150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014. Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố Chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm. Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí.
Thực tế này đặt ra câu hỏi: Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào trong việc thu hút FDI để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, để từ đó có thêm cơ hội việc làm cho 50.000 nhân lực ngành bán dẫn sẽ được đào tạo trong thời gian tới? Câu trả lời có lẽ nằm trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.
Không phải ngẫu nhiên, khi thảo luận về cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần sớm có chiến lược và có các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Khuyến nghị của các chuyên gia là điều cần được lưu ý trong tiến trình xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, nếu chúng ta muốn nhanh chân hơn trong thu hút đầu tư của các “ông lớn” công nghệ.