Câu hỏi đặt ra là tại sao với mức lãi suất được cho là khá hấp dẫn như vậy, cùng với việc Chính phủ triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi nhưng người gửi tiền vẫn không mặn mà? Câu trả lời trước tiên đó là do giá nhà hiện đang ở mức quá cao, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Theo phân tích của một chuyên gia thì tính đến hết tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 16%, còn cho vay mua nhà ở chỉ tăng 4,6%. Diễn biến này cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản còn người dân ít có nhu cầu.
Như vậy, lãi suất cao hay thấp không phải nguyên nhân chính mà là do giá nhà vẫn “neo” ở ngưỡng rất cao, dù nhiều chủ đầu tư đã có các chính sách kích cầu, ưu đãi, trong khi công việc, thu nhập của người dân vẫn rất khó khăn nên việc phải vay một khoản tiền lớn để có thể sở hữu nhà ở là điều rất nhiều người lo ngại. Và rằng giá nhà quá cao nên người dân lựa chọn cách chờ đợi thị trường có sản phẩm với mức giá phải chăng.
Thực trạng này cũng được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Đó là giai đoạn đoạn 2015 - 2023, thị trường bất động sản có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức…
Cụ thể, đến cuối giai đoạn giám sát, có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 11.191ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700ha. Có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó có 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.
Tuy nhiên, Báo cáo của Đoàn giám sát nhận định, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân… Để hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, hài hòa giữa cung và cầu, theo kiến nghị của Đoàn giám sát, Quốc hội nên xem xét thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thi hành các Luật mới được ban hành và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế về chính sách, pháp luật đã được nhận diện.
Theo ý kiến của đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại "Diễn đàn để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển" diễn ra mới đây thì giảm lãi suất cho vay mua nhà chưa phải là giải pháp toàn diện. Mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân và sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội nên các gói hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả.