Mật ngọt để đời
Những người yêu thích âm nhạc Nga Xô Viết đều sửng sốt khi nhận được tin danh ca Muslim Magomaev đã ra đi vào một ngày cuối thu 2008…

Muslim Magomaev sinh năm 1942 tại Baku, có mẹ là diễn viên, cha là họa sỹ sân khấu. Trong thế chiến thứ hai, người cha ra trận nhưng chỉ hai hôm trước ngày toàn thắng đã hy sinh trong khi giải cứu đồng đội. Ca sỹ tương lai được mang tên của ông nội - một nhạc sỹ Azerbaijan rất nổi tiếng, Nhạc viện Quốc gia Azerbaijan hiện nay mang tên ông - nên từ bé đã được đồng đội của cha nuôi dạy, đưa vào học dương cầm và phối khí tại Nhạc viện Baku, sau đó tốt nghiệp khoa Thanh nhạc cổ điển, Nhạc viện Azerbaijan (1968). Tại Grozny, quê hương của ông nội, chàng ca sỹ mới vào nghề Muslim Magomaev biểu diễn hàng trăm lần, nhưng mức thù lao 100 rub không thể nào nuôi sống vợ cùng con nhỏ, do quá căng thẳng thần kinh, anh đã từng bị mất giọng. Vụ ấy, nếu không gặp thầy gặp thuốc, chưa biết số phận tương lai ca sỹ sẽ ra sao...
Muslim Magomaev được biết đến rộng rãi từ năm 1962, khi trình diễn trong đêm bế mạc Liên hoan nghệ thuật Azerbaijan tại Cung Đại hội, Điện Kremli, sau đó là đêm độc diễn 10.11.1963 tại phòng hòa nhạc Chaikovsky. Năm 1963, Muslim Magomaev trở thành ca sỹ chính nhà hát opera và ballet mang tên khundov trong khi vẫn tiếp tục tham gia biểu diễn nhạc nhẹ. Năm 1964, giọng ca thiên phú này được cử sang tu nghiệp hai năm tại nhà hát La Scala, Milan, Italy, sau đó lưu diễn tại nhiều thành phố lớn với những kiệt tác Nỗi buồn, Người thợ cạo thành Sevile… mà một trong những bạn diễn là nữ danh ca huyền thoại Maria Biesu, người Moldavia. Nhưng thành công nổi bật của anh là chương trình biểu diễn tại nhà hát danh tiếng Olympia, Paris, Pháp. Lần ấy, anh được giám đốc Olympia Bruno Coquatrix tha thiết mời ở lại làm việc thêm một năm, cam kết sẽ nâng lên hàng ca sỹ ngôi sao tầm cỡ thế giới... Lời mời không được Bộ Văn hóa Liên Xô chấp thuận, và ca sỹ vẫn phải nghe theo tiếng gọi nước nhà để về đầu quân cho Nhà hát Bolshoi. Tuy nhiên, ca sỹ quyết ở lại quê hương Baku, làm người sáng lập và chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát Giao hưởng và nhạc nhẹ của nước Cộng hòa Azerbaijan. Năm 1969, anh giành giải Nhất tại Liên hoan Ca khúc Quốc tế Sopot (Ba Lan) và giải Đĩa hát Vàng tại Cannes (Pháp). Năm 1973 được phong danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân Liên Xô.
Muslim Magomaev là một con người đa tài, ngoài chất giọng bariton rền và ấm như rót mật vào tai hàng triệu thính giả còn là diễn viên đóng phim, nhạc sỹ sáng tác và ham mê nặn tượng. Chương trình biểu diễn của anh bao gồm hơn 600 tác phẩm, trong đó có những aria từ những vở opera bất hủ, những bản romance Nga, dân ca Italy... Trên sân khấu kinh viện hay màn ảnh truyền hình, giữa sân vận động hay công trường huyên náo, ca sỹ đều giành được lòng hâm mộ của công chúng. Đây là người thể hiện đầu tiên hàng trăm ca khúc tiêu biểu cho nền âm nhạc hiện đại, đa dân tộc ở Liên Xô: nhạc sỹ tài năng xứ Armenia Arno Babadjanyan với Còn sống, anh còn mãi nhớ đến em, Ơn em, Đám cưới, Tình khúc mùa đông, Nhớ gọi anh (lời thơ Robert Rozhdestvensky), Bánh xe quỷ quái, Đừng vội vã (lời thơ Evgheny Evtushenko), của những nhạc sỹ, nhà thơ sáng giá nhất nước Nga - Oscar Felzman với Chẳng lẽ đó là một đấng nam nhi, Một lòng yêu gửi cho phái nữ (thơ Rasul Gamzatov), của Anna Akhmatova với Giai điệu (lời thơ Nikolai Dobronravov... Anh còn trình bày những ca khúc tự sáng tác Bài ca thức giấc (lời thơ R. Rozhdestvensky), Vô tận trong xanh (lời thơ G. Kozlovsky) và viết nhạc cho những bộ phim Huyền thoại hồ Bạc (1985), Dạo ven thành phố (1987); Còn trở thành nhân vật chính của các bộ phim Nizami (về thi sỹ – triết gia kiệt xuất vùng Ba Tư thế kỷ XII-XIII), Tiếng hát Muslim Magomaev, Moskva trong những nốt nhạc, Hẹn gặp lại Muslim, Khi lời ca chưa dứt… Đến thời của các phương tiện truyền thông, Muslim Magomaev làm chủ computer phục vụ sáng tác âm nhạc, làm tác giả kịch bản kiêm người dẫn chương trình tivi và còn viết hẳn một cuốn sách về thân thế và sự nghiệp của ca sỹ Mỹ Mario Lanza (1921-1959).
Lòng hâm mộ của công chúng đối với giọng ca bariton quý hiếm Muslim Magomaev thật là vô bờ: suốt hai thập niên 1960-70, ca sỹ biểu diễn tại những sân vận động có sức chứa hàng vạn người, hàng triệu khán giả thuộc nhiều thế hệ đã tôn ca sỹ làm thần tượng của mình, thậm chí họ còn xúm nhau nâng bổng cả chiếc xe hơi đang chở anh... Nhà thơ Robert Rozhdestvensky tâm sự rằng ông, với tư cách tác giả nhiều ca từ phổ biến, từng tham dự nhiều cuộc biểu diễn ca nhạc, nhưng hễ người dẫn chương trình giới thiệu tên họ người thể hiện là “Muslim” thì tiếng vỗ tay đã nổi lên như những đợt sóng, nhấn chìm những tiếng tiếp theo “Magomaev”. Trên thực tế, nhiều lần Muslim Magomaev đã phải ra ban công khách sạn để hát, vì không một rạp nào chứa hết lượng khán thính giả hâm mộ - đó là toàn bộ cư dân của một thành phố.
Quan hệ giữa nhà lãnh đạo lâu năm của nước Cộng hòa Azerbaijan là Geidar Aliev (1923-2003) với ca sỹ Muslim Magomaev là chỗ thâm tình. Tuy nhiên, ca sỹ là một con người khiêm cung: ông không thiếu người đẹp vây quanh, nhưng đã chọn người bạn đời cuối cùng là nữ Nghệ sỹ Nhân dân Tamara Sinyavskaya, một con người có tâm hồn đồng điệu, cùng chia sẻ với ông trong mọi đường đi nước bước trên sân khấu cũng như ngoài đời. Trong hoạt động nghệ thuật, Muslim Magomaev rất ngại đụng chạm đến đề tài chính trị. Hồi trẻ, được mời đến đài phát thanh ghi âm một chùm ca khúc về Đoàn thanh niên Komsomol, về những người công nhân luyện kim, ca sỹ đã nhủ mình sẽ không hát những nhạc phẩm nhất thời nữa, ấy thế mà sau này đã hai lần “bước qua lời nguyền”. Lần thứ nhất, do Geidar Aliev thuyết phục mãi, Muslim Magomaev viết Bài ca trang trọng, được sử dụng làm nhạc hiệu cho kênh I Truyền hình Trung ương trong một thời gian dài. Lần thứ hai, khi Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev chuẩn bị đến thăm Baku, Geidar Aliev mời sẵn nhà thơ nổi tiếng Robert Rozhdestvensky để cùng Muslim Magomaev viết một bài ca mới hát tặng lãnh tụ Liên bang Xô Viết. Nể tình, nhạc sỹ đã chụm đầu với nhà thơ và bên cạnh là... người đứng đầu nước Cộng hòa với những gợi ý chỉnh lời sửa chữ. Ca khúc Thành phố tuyệt nhất thế gian, ca ngợi đất nước Xô Viết hùng cường đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Quan hệ giữa Geidar Aliev với Muslim Magomaev được mọi người khâm phục như một ví dụ tiêu biểu về mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với văn nghệ sỹ. Khi Liên Xô tan rã, đời sống cực kỳ đắt đỏ, lương cho hai Nghệ sỹ Nhân dân không đủ sống ở Moskva, Geidar Aliev (đã trở thành tổng thống nước Cộng hòa Azerbaijan) vẫn đều đều gửi tới Moskva cho Muslim Magomaev những khoản trợ cấp, ở dạng phần thưởng cho người đã có công lớn cổ súy cho quê hương, cho dân tộc mình. Noi gương cha, người con là đương kim Tổng thống Ilgam Aliev còn đưa thêm vào danh sách những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật có công lớn trong sự phát triển văn hóa của đất nước để họ cũng được hưởng chế độ ưu tiên như Muslim Magomaev.
Khoảng dăm năm trước khi qua đời, Muslim Magomaev quyết định thôi biểu diễn, nhưng khi những người bạn thân là nhà du hành vũ trụ ở thành phố Ngôi Sao yêu cầu, ca sỹ lại cùng vợ đến thăm và khe khẽ hát một số bài. Khác với nhiều người chỉ thích được suy tôn, Muslim Magomaev đã khước từ ghi tên mình vào bảng “ngôi sao” gắn cạnh phòng hòa nhạc kinh điển Russia ở thủ đô Moskva. Sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tim, ca sỹ Muslim Magomaev đã từ trần tại Moskva hôm 25.10.2008. Cũng như Geidar Aliev, hàng triệu khán thính giả ở các nước trong và ngoài Liên Xô cũ coi Muslim Magomaev là huyền thoại sống của nghệ thuật âm nhạc. Giới thiên văn học cũng quyết định vinh danh giọng ca bất hủ cất lên từ vùng đất mỏ Baku: từ năm 1997, một tiểu hành tinh mới phát hiện, số hiệu 1974 SP 1, đã được mang tên 4980 Magomaev.