Mất khả năng hay không chịu thanh toán?
Không phân biệt được tình trạng “mất khả năng thanh toán” với tình huống “không chịu thanh toán” trong quá trình xử lý doanh nghiệp phá sản là một trong những vướng mắc khi triển khai Luật Phá sản. Đồng thời, quá trình rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam còn cho thấy, luật này có nhiều quy định mâu thuẫn với các luật chuyên ngành khác.
Khoản 1, Điều 4 Luật Phá sản quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Quy định này được hiểu, căn cứ để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản dựa vào khoảng thời gian không thanh toán được khoản nợ đến hạn. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, căn cứ này chưa rõ ràng và chính xác để xác định một doanh nghiệp, hợp tác xã thực sự lâm vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” và khó để phân biệt với tình huống “không chịu thanh toán”. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp có đầy đủ khả năng thanh toán nhưng do nhiều nguyên nhân không chịu thanh toán hoặc không thể thanh toán tại thời điểm bị đòi nợ, do chưa thu hồi được nợ... Căn cứ này có khả năng trở thành “công cụ” để cho các đối tác “đòi nợ” lẫn nhau. Điều này có thể dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp bị đòi nợ bị thiệt hại về uy tín và thiệt hại trên thực tế.
Thực tế, việc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản không chỉ liên quan đến Luật Phá sản, hoạt động này còn chịu sự quy định của nhiều văn bản khác nhau, đặc biệt là Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, qua ra soát có nhiều quy định của hai văn bản này mâu thuẫn nhau. Đơn cử, về quyền yêu cầu định giá lại tài sản của chủ nợ, Khoản 1, Điều 99 Luật Thi hành án dân sự thì việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp: Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, pháp luật về phá sản quy định, việc định giá lại tài sản được thực hiện khi phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; chấp hành viên yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản. Như vậy, so với Luật Thi hành án dân sự thì quy định tại Luật Phá sản đã thu hẹp lại trường hợp định giá lại tài sản. Theo đó, đương sự không được quyền yêu cầu định giá lại tài sản trước khi có thông báo công khai về đấu giá tài sản. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của các chủ nợ.
Một ví dụ khác, quy định về thời hạn ra quyết định thi hành án trong 2 đạo luật trên chưa có sự thống nhất với nhau. Khoản 2, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định; nhưng Khoản 1, Điều 120 Luật Phá sản quy định “trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành án”.