Mất cảnh giác có thể thành thảm họa

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:33 - Chia sẻ
Những cảnh đau lòng từ Ấn Độ đã gây chấn động thế giới, khi đất nước này phải vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 tăng cao chưa từng có. Nhưng sự bùng phát đó không chỉ là khủng hoảng của riêng Ấn Độ, mà còn đối với mọi người. Đúng như Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận xét, “virus không để tâm đến biên giới, quốc tịch, tuổi tác, giới tính hay tôn giáo”. Và những gì đang diễn ra ở Ấn Độ đã và hoàn toàn có thể bùng phát ở nhiều quốc gia khác nếu chúng ta lơ là mất cảnh giác.
Nguồn: ITN

Vì đâu Ấn Độ “vỡ trận”?

Hôm 23.4, Ấn Độ đã ghi nhận 332.730 trường hợp dương tính với Covid-19, tổng số trường hợp mắc bệnh trong một ngày cao nhất được ghi nhận trên toàn cầu cho đến nay. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Ấn Độ đã xác nhận hơn 17,6 triệu trường hợp mắc bệnh và hơn 198.000 trường hợp tử vong. Tổng số trường hợp Covid-19 được xác nhận của Ấn Độ cho đến nay đứng thứ hai sau Mỹ, và tỷ lệ tử vong hàng ngày của nước này đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ. Điều đó có nghĩa, với dân số lớn hơn nhiều của Ấn Độ, số trường hợp mắc bệnh và số tử vong sẽ sớm vượt qua Mỹ nếu xu hướng hiện nay tiếp tục. Theo số liệu chính thức, mỗi ngày, hơn 2.000 người ở Ấn Độ chết vì Covid-19, nhưng nhiều người vẫn tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều.

Các bệnh viện của Ấn Độ đang bị quá tải và thiếu trang thiết bị, vật tư y tế điều trị vì số bệnh nhân nhập viện quá cao. Ở đợt bùng phát Covid-19 thứ hai này, các trường hợp tử vong nhiều hơn do tình trạng thiếu máy thở oxy tại bệnh viện. Các bệnh viện ở Haryana, Maharashtra và Gujarat đã phải phát cuộc gọi khẩn cấp về việc cung cấp oxy. Thậm chí, nhiều bệnh viện ở Ấn Độ đang kiến nghị lên Tòa án cấp cao để tìm kiếm nguồn cung máy thở oxy ngay lập tức. Nhiều người lo sợ rằng, nếu muốn thấy hình ảnh của ngày tận thế, đó sẽ là các bệnh viện của Ấn Độ.

Vì đâu mà một quốc gia vốn kiểm soát khá tốt ở đợt bùng phát dịch đầu tiên lại trở nên “vỡ trận” nhanh chóng như vậy?

Có thể nói, cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay của Ấn Độ do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng thấp, năng lực bệnh viện hạn chế, các quyết định chủ quan của giới lãnh đạo và các cuộc tụ họp chính trị cũng như tôn giáo lớn. Các cuộc tụ tập đông người ở Ấn Độ vào tháng 3 và tháng 4 liên quan đến nhiều chiến dịch chính trị, các trận đấu cricket quốc tế giữa Ấn Độ và Anh “với các sân vận động đầy người, nhưng rất ít người đeo khẩu trang”, và một số lễ hội tôn giáo lớn, chẳng hạn như Kumbh Mela, sự kiện có hàng triệu người tham dự. Trong khi lễ hành hương Hajj ở Ảrập Xêút và các lễ mừng năm mới âm lịch truyền thống ở Trung Quốc đều đã giảm quy mô rất nhiều so với lễ Kumbh Mela.

Thực vậy, bất chấp những kinh hoàng mà Covid-19 gây ra, phần lớn đất nước Ấn Độ dường như vẫn tồn tại trong một thực tế song song, nơi đại dịch toàn cầu không phải là mối đe dọa. Hàng chục nghìn tín đồ đạo Hindu tiếp tục xuất hiện mỗi ngày để ngâm mình trong dòng sông Hằng như một phần của cuộc hành hương Kumbh Mela ở Haridwar, Uttarakhand. Hàng triệu người đã tham gia lễ hội kéo dài nhiều tuần kể từ ngày tắm đầu tiên 11.3, bất chấp bằng chứng rõ ràng rằng hàng nghìn người đã dương tính với virus sau khi tham dự. Chỉ vài ngày giữa tháng 4, hơn 1.600 trường hợp mắc Covid-19 đã được xác nhận giữa các tín đồ. Vào tháng 3, khi làn sóng thứ hai đang bùng phát, các nhà lãnh đạo nhà nước từ Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền vẫn còn đăng quảng cáo toàn trang trên các tờ báo quốc gia để nói với các tín đồ rằng việc tham dự lễ hội là “sạch sẽ” và “an toàn”. Thậm chí, Thủ hiến Uttarakhand còn tuyên bố vào ngày 20.3, “sẽ không ai bị ngăn chặn dưới danh nghĩa Covid-19 vì chúng tôi chắc chắn niềm tin vào các thần sẽ chiến thắng nỗi sợ hãi về virus”. Mãi cho đến giữa tháng 4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới viết trên Twitter rằng, việc tham gia cuộc hành hương nên được giữ “mang tính biểu tượng” để chống lại đại dịch. Có lẽ chính vì đánh giá thấp khả năng các lễ hội trở thành sự kiện siêu lây nhiễm, Ấn Độ đang phải trả giá đắt.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây phát biểu, “tình hình ở Ấn Độ còn hơn cả đau lòng. WHO đang làm mọi thứ có thể, cung cấp các trang thiết bị trọng yếu”. WHO cũng đã gửi 2.600 chuyên gia để phối hợp với ngành y tế Ấn Độ đối phó Covid-19. Ngoài ra, nhiều nước cũng gấp rút hỗ trợ Ấn Độ chống dịch. Mới đây chuyến bay từ Anh chở thiết bị y tế, trong đó có máy thở đã hạ cánh ở Ấn Độ. Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) cũng viện trợ 6 bồn oxy. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết “sự hỗ trợ vững chắc của Mỹ” khi cung ứng các thiết bị về oxy và nguyên liệu thô để bào chế vaccine. Mỹ còn hứa chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca chưa dùng cho các nước, trong đó có Ấn Độ. Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Ảrập Xêút, Australia, Bhutan… cũng cam kết hỗ trợ Ấn Độ đối phó với đại dịch.

Không ai an toàn cho tới khi tất cả an toàn

Đại dịch Covid-19 đang cho thấy thế giới được kết nối với nhau như thế nào. Và nếu một quốc gia có mức độ lây nhiễm rất cao, thì có khả năng lây lan sang các quốc gia khác. Ngay cả khi bị hạn chế đi lại, kiểm tra nhiều lần cũng như kiểm dịch, virus vẫn có thể rò rỉ ra ngoài, và nếu một khách du lịch đến từ nơi nào đó đang là ổ dịch, họ có khả năng cao mang virus. Trên một chuyến bay gần đây từ New Delhi đến Hong Kong, khoảng 50 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Theo BBC, cũng như biến thể B.1.1.7 ở Anh, nhiều người đang rất lo ngại tỷ lệ lây nhiễm cao ở Ấn Độ là do biến thể B.1.6.1.7. Biến thể này lần đầu tiên được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu toàn cầu về bộ gene virus vào đầu tháng 10, chỉ hai tuần sau khi biến thể B.1.1.7 ban đầu được phát hiện ở Anh. Biến thể B.1.6.1.7 đã hoành hành ở Ấn Độ kể từ đó và lan rộng ra quốc tế. Hiện có khoảng 20 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là ở du khách đến từ Ấn Độ.

Biến thể mới ở Ấn Độ được một số người mệnh danh là “đột biến kép” vì hai biến đổi quan trọng trên sự phát triển nhanh chóng của virus. Có một số bằng chứng trong phòng thí nghiệm cho thấy, nó dễ lây truyền hơn một chút và các kháng thể có thể khó ngăn chặn virus hơn, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn đang đánh giá mức độ miễn dịch bị mất đi.

Tiến sĩ Jeff Barrett, Giám đốc Sáng kiến gene Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger (Anh) nói: “Tôi không nghĩ rằng có bằng chứng cho thấy, đó là một đột biến có thể thoát khỏi sự ngăn chặn của vaccine. Chúng ta cần phải theo dõi cẩn thận, nhưng hiện tại không có lý do gì để hoảng sợ”.

Quốc gia nào có càng nhiều trường hợp mắc Covid-19 thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các biến thể mới. Đó là bởi vì mỗi trường hợp nhiễm đều tạo cơ hội cho virus tiến hóa và mối quan tâm hiện nay là các đột biến có thể phát sinh khiến vaccine không hiệu quả.

Giáo sư Sharon Peacock, Giám đốc Tập đoàn Covid-19 Genomics UK (Cog-UK) giải thích: “Cách để hạn chế các biến thể virus xuất hiện ngay từ đầu là ngăn chặn virus nhân bản trong chúng ta… Vì vậy, cách tốt nhất để kiểm soát các biến thể là kiểm soát số lượng dịch bệnh toàn cầu mà chúng ta mắc phải ở thời điểm hiện tại”.

Các biện pháp ngăn chặn và ngăn cách xã hội sẽ làm được điều dó, nhưng tiêm chủng cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, tiêm chủng vẫn đang diễn ra chậm chạp ở Ấn Độ. Cho đến nay chưa đến 10% dân số Ấn Độ được tiêm liều vaccine đầu tiên và chưa đến 2% được tiêm chủng đầy đủ, bất chấp thực tế đây là quê hương của nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh Ấn Độ. Và đây là một lý do khác giải thích tại sao sự gia tăng ca bệnh của Ấn Độ tác động mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới.

Vào tháng 3, khi số ca nhiễm bệnh ở Ấn Độ bắt đầu tăng, các nhà chức trách ở đây đã ngừng xuất khẩu số lượng lớn vaccine Oxford-AstraZeneca. Trong đó bao gồm vaccine cho chương trình Covax do LHQ hậu thuẫn để cung cấp cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Hôm đầu tuần, Liên minh vaccine toàn cầu (Gavi), một đối tác trong chương trình, cho biết đang phải chờ đến khi nguồn cung từ Ấn Độ tiếp tục. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm chủng ở nhiều quốc gia.

Trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 không có dấu hiệu thuyên giảm, với việc virus SARS-CoV-2 tàn phá hết quốc gia này đến quốc gia khác. Tình hình ở Ấn Độ hiện nay là một lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng, không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. Và không ai được chủ quan, mất cảnh giác, bởi chỉ một chút lơ là, “sóng thần” Covid-19 có thể ập đến cuốn phăng tất cả, từ sinh mạng đến sinh kế và cuộc sống bình yên.

Linh Anh