Mắt biếc vùng sông Đông

Đăng Bẩy 23/02/2011 08:20

Nổi lên nhờ nhân vật cô gái vùng Volga và đạt đến đỉnh cao trong những hình tượng phụ nữ Kazakh vùng sông Đông, Liudmila Khityaeva là nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn…

Daria (trái) trong phim Sông Đông êm đềm
Daria (trái) trong phim Sông Đông êm đềm

“Bùng nổ” với phim

Sông Đông êm đềm

Nữ Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Liudmila Khitiaeva chào đời ngày 15.8.1930 tại thành phố Gorky (nay là Hạ Novgorod), trong một gia đình quân nhân, bố là kỹ sư, mẹ là bác sĩ. Chiến tranh kết thúc, cô vừa mười sáu tuổi đến Trường Sân khấu Gorky, chính là để tháp tùng cô bạn gái dự tuyển, nhưng bỗng nhiên Liudmila nổi hứng, đọc cho ban Giám khảo nghe đoạn độc thoại của Katerina từ vở Giông tố của A. Ostrovsky, và liền được nhận vào trường. Học xong năm 1952, được phân công về Nhà hát Kịch Gorky, nữ diễn viên trẻ lọt vào mắt xanh của nhà văn nổi tiếng Anatoli Rybakov (một tác giả kinh điển của văn học Xô viết từng được độc giả Việt Nam biết đến qua những cuốn Thanh đoản kiếm, Những đứa trẻ phố Arbat), có tiểu thuyết Ekaterina Voronina in năm 1955 sắp được xưởng Gorky đưa lên màn ảnh. Nhà văn bèn mách đạo diễn Isidor Annensky chọn L. Khitiaeva làm nữ diễn viên chính, bên cạnh nữ diễn viên nổi tiếng Nona Mordiukova. Bộ phim tái hiện bối cảnh chiến tranh và khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó nổi bật tính cách mạnh mẽ, độc đáo, cầu tiến của nhân vật chính. Trong hoàn cảnh sớm mồ côi mẹ, chịu sự giáo dục khắt khe của người bà quyền uy, ít khi gặp bố - một thuyền trưởng hàng hải - cô gái vùng Volga sớm hình thành một tính cách cứng cỏi và không chịu khoan nhượng. Chiến tranh bùng nổ, cô tình nguyện vào phục vụ tại một quân y viện và gặp mối tình đầu nhưng nhanh chóng vỡ mộng. Sau chiến tranh, cô tốt nghiệp đại học, làm việc tại một cảng sông, nhưng không được thuận chèo mát mái, đến nỗi bị đuổi việc bởi đã có những chỉ trích chính đáng… Điều đáng nói là trong bộ phim đề tài lao động sản xuất rất dễ rơi vào những sáo mòn thời ấy, cô đã sáng tạo được một hình tượng nữ kỹ sư được đào tạo chính quy, đấu tranh cho những cách làm việc tiến bộ, vừa cương nghị theo đúng chất của dân vùng Volga, lại vừa giữ được nét duyên dáng của một thiếu nữ chân thành và mãnh liệt trong tình yêu. Nhận lời mời đóng vai này, nữ diễn viên trẻ đã sung sướng phát khóc, và do phải như con thoi giữa Gorky và Moskva, cô quyết định chia tay với chồng trong khi lòng vẫn đầy luyến tiếc… Ekaterina Voronina (1957) trở thành tác phẩm trình làng của một nữ diễn viên đầy triển vọng và đưa cô đến những bộ phim quan trọng sau này.

Vào vai Daria (Sông Đông êm đềm), Khityaeva đã khóc được
Vào vai Daria (Sông Đông êm đềm), Khityaeva đã khóc được

Vào những năm 1950 - 1960, dòng văn xuôi Xô Viết mang đậm chất nhân văn và bản sắc dân tộc bắt đầu lần lượt được đưa lên màn ảnh và tạo được hấp lực mạnh mẽ, trước hết phải kể đến thành công rực rỡ của bộ phim Evdokia (1961) của nữ đạo diễn T. Lioznova dựng theo kịch bản của nữ văn sĩ Vera Panova. Bộ phim đen trắng này miêu tả rất đặc sắc một xóm công nhân ở vùng ven tỉnh lỵ, tái hiện chân thực cuộc sống của những người dân thường những năm 1920 - 1950. L. Khitiaeva là diễn viên chính của Evdokia và đã làm nên hình tượng hấp dẫn của một phụ nữ Nga vừa có đức tin, vừa có nội tâm sâu sắc. Trước hết, Evdokia là một người mẹ mặc dầu trong gia đình vợ chồng bà, tất cả năm đứa con đều là con nuôi! Toàn bộ hành vi, cử chỉ, đi đứng và phản xạ của bà trước bất kỳ tình huống nào cũng được nữ nghệ sĩ diễn đạt tự nhiên, làm cho khán giả quên rằng mình đang xem phim. Đôi mắt tuyệt vời của Evdokia ánh lên hạnh phúc trong cảnh kết, khi cặp vợ chồng già sau bốn chục năm chung sống được nhìn nhau âu yếm và ở phòng bên, những đứa con giờ đã trưởng thành, mấy đứa cháu nhỏ đang ríu rít gọi nhau vào bàn ăn…

Đất vỡ hoang, sáng tạo không lặp lại

Khi đạo diễn nổi tiếng Sergei Gherasimov viết xong kịch bản Sông Đông êm đềm và được văn hào Mikhail Sholokhov ưng ý, đoàn làm phim chuẩn bị bấm máy cho bộ phim màu ba tập về cuộc sống đậm đặc chi tiết của dân Kazakh, Khityaeva được mời vào vai Daria Melekhova, một phụ nữ Kazakh nhanh nhẹn, vui tính, yêu đời nhưng gặp phải số phận đầy bi kịch. Cần biết, S. Gherasimov là vị đạo diễn rất khe khắt đối với diễn viên, chìa khóa thành công của từng bộ phim, ông đều đặt cả vào họ. Để vào vai một phụ nữ Kazakh, Khityaeva đã phải tập cắt cỏ, cày ruộng, gánh nước, nấu ăn và bơi lội dưới sông… Tập một của Sông Đông êm đềm đã nhanh chóng quay xong, Khitiaeva không gặp khó khăn gì mà hòa nhập thoải mái với dàn diễn viên kỳ cựu. Nhưng càng quay tiếp, nữ nghệ sĩ càng thấy gay go, nhất là đến tập hai, trường đoạn liên quan đến cái chết của chồng Daria, Petro Melekhov (anh trai Grigori). Trận đánh diễn ra tại Lũng Đỏ (Krasny Log), những người Kazakh nổi dậy phải chạy tứ tán, đến nỗi viên chỉ huy Petro Melekhov cũng bị bắt sống, số phận nằm trong tay nhà chức trách địa phương là Miska Koshevoi. Tuy yêu em gái Melekhov, nhưng vị đại diện chính quyền Xô Viết không nao núng, ra lệnh khử “kẻ thù giai cấp” Petro Melekhov. Những người đàn ông Kazakh thất thểu trở về làng, đám phụ nữ khóc như ri, ngôi nhà thờ đơn độc trên nền tuyết thẫm đen. Vậy mà diễn viên Khityaeva không thể nhỏ nổi một giọt nước mắt diễn tả Daria khóc chồng. Sáng sớm hôm sau, đạo diễn cho đánh một chiếc xe ngựa đưa cô sang làng bên, nơi đưa đám một cụ già thọ 90 tuổi. Ba bà già Kazakh đang gục đầu bên quan tài khóc lóc. Sau đó, một phụ nữ Kazakh nữa cũng nhập bọn và khóc than như chưa gặp đau khổ nào hơn thế, rồi quay ra kéo áo Khitiaeva: “Em vào khóc đi, chị làm vì em đó mà”. Hóa ra, đó là người đàn bà địa phương do đạo diễn bố trí… Hôm sau, nữ nghệ sĩ đã khóc được, khóc thảm thiết đến nỗi đang tập, đạo diễn ra lệnh bấm máy quay ngay.

Từ trái sang: chân dung nữ nghệ sĩ L. Khityaeva, trong các phim Ekaterina Voronina (trên), Sông Đông êm đềm (giữa), Đất vỡ hoang, Tất cả bắt đầu từ con đường (dưới)
Từ trái sang: chân dung nữ nghệ sĩ L. Khityaeva, trong các phim Ekaterina Voronina (trên), Sông Đông êm đềm (giữa), Đất vỡ hoang, Tất cả bắt đầu từ con đường (dưới)

Trong số những Hồng quân bị người Kazakh bắt làm tù binh rồi dồn về nhốt ở làng, có Ivan Kotliarov, một bolshevik người Tarta. Do mù quáng, do căm hờn, Daria đã xả súng vào anh ta. Đối với phái Đẹp, cảnh này diễn rất khó, hôm đầu Khityaeva chưa đủ ngấm, quay không thành. Hôm sau, kết quả như hàng triệu khán giả đã thấy: Daria đầu trùm khăn tang đã mạnh mẽ bứt lên khỏi đám đàn bà Kazakh, chĩa súng lia một tràng vào Kotliarov đang tả tơi, loạng choạng. Diễn xuất đoạn này của cô khiến nhà văn M. Sholokhov rất ưng. Khi Daria được trao huy chương vì thành tích hạ một tên bolshevik, đạo diễn và diễn viên không giấu nổi thái độ mỉa mai chua chát. Vả lại, trên thực tế, những người đàn bà địa phương cũng lên án Daria khi cô đi hoang, uống rượu lủi say mèm, ngủ mê mệt đến nỗi hở hang đùi vế. Đạo diễn và Khitiaeva cùng chia sẻ với nhà văn ở tính nhân bản trong đoạn miêu tả Daria tự vẫn: do đi hoang, mắc bệnh hiểm, cô không thể sống trong nhục nhã và phải tìm đến cái chết. Trong tập ba của bộ phim, gương mặt cô bất động, đau đớn, tủi hổ, nhưng khán giả vẫn kịp thấy ánh mắt xanh biếc, tiếc nuối đến nhói tim. Dưới ánh nắng trưa chói chang, cô từ từ trẫm mình vào dòng sông Đông cuồn cuộn, không còn kịp nhìn thấy đồng cỏ mênh mông và dòng sông thân thuộc. Daria chính là khối mâu thuẫn trong buổi giao thời của cuộc cách mạng, là chủ nghĩa nhân văn của M. Sholokhov, là chất người nguyên bản, là sự thực cuộc sống được thể hiện bằng diễn xuất tuyệt vời. Nhờ trường đoạn này, toàn bộ ba tập phim như được cất cánh và vươn tới tầm cao bi kịch. Sông Đông êm đềm được công chiếu năm 1958 lập tức đứng đầu bảng, thu hút hơn 47 triệu lượt người xem và giành giải Quả cầu Pha lê tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary. Với vai diễn Daria, giới phê bình nghệ thuật coi Liudmila Khityaeva là sự bùng nổ trong điện ảnh.

Vào cuối thập niên 1950, M. Sholokhov đã viết gần xong tập hai của bộ tiểu thuyết Đất vỡ hoang và cho báo Pravda bắt đầu đăng tải dần dần. Xưởng Lenfilm quyết định không chờ nhà văn hoàn thành chương kết, bắt đầu chuyển ngay toàn bộ tiểu thuyết lên phim: hai tập phim đầu dựa theo tập một của tiểu thuyết, khi nào đăng hết chương cuối cùng, khi ấy làm nốt tập ba. Hai tập đầu của phim Đất vỡ hoang được công chiếu vào mùa xuân năm 1960, tập ba - năm 1961, đưa khán giả tái ngộ nữ diễn viên Liudmila Khityaeva. Trong phim này, cô đảm nhận vai Lushka, một phụ nữ Kazakh hoang dã và ranh mãnh, đa cảm và tự trọng trong hai tập đầu tiên, để đến tập thứ ba trở thành một số phận đầy kịch tính. Không còn phóng đãng như Daria Melekhova, nhân vật mới của Khityaeva lần này bị đẩy vào một tình thế hiểm nghèo: tay Makar sau khi hạ sát Timofey bèn tạo cho cô cơ hội đến vĩnh biệt người yêu lần cuối. Trong bộ trang phục đen, đầu trùm khăn tang, khuôn mặt méo xệch, Lushka đổ người xuống xác Timofey. Nàng đưa tay cẩn thận chải lại mái tóc như tơ của chàng rồi không chút ngại ngần, thắm thiết hôn môi người quá cố. Lúc đó, trong ánh mắt xanh thánh thiện của Lushka, khán giả dường như thấy lại ánh mắt Daria khi đang chìm vào đáy nước. Tính chân thực của nữ nghệ sĩ khi diễn tả cảm xúc đã làm nên một trường đoạn ám ảnh khôn nguôi, và Khityaeva đã mở màn cả một tấn kịch nội tâm. Số phận như thế của một phụ nữ Kazakh chứa đựng đủ bối cảnh gay cấn, các chi tiết xã hội một thời và tính hiện thực khắc nghiệt trong bước chuyển mình của cộng đồng người Kazakh sông Đông. Và nàng bị đuổi khỏi làng, từ giã Lũng Sấm (Gremiachy Log) trong ánh mắt bực dọc của đám đàn bà, chỉ có hai người đàn ông, Davydov và Nagulnov cùng mang lòng yêu nàng nên mới thấu hiểu người phụ nữ bất hạnh này. Chính trong trường đoạn Lushka ra đi, trái tim của con người sắt đá Makar mới bộc lộ rõ… Sau này nhớ lại, người bạn diễn Evgheni Matviev nhận định: “Hình tượng Lushka do Khityaeva tạo nên tràn đầy sinh sắc, có lúc gây cảm động hết sức hồn nhiên. Đây là một phụ nữ trẻ người Kazakh đặc chất Sholokhov. Khityaeva xác thực trong từng chuyển động, từng cử chỉ, từng lời nói”.

Sau khi cùng E. Matviev thực hiện xong Đất vỡ hoang, người bạn diễn tài danh này muốn thử sức ở vai trò đạo diễn, Khityaeva được mời vào vai chính cho bộ phim đầu tay của ông - Dân Digan (1967, theo truyện vừa cùng tên của A. Kalinin, một nhà văn vùng sông Đông). Đó là nhân vật Klavdia Pukhliakova ở một vùng làm nên thứ rượu nho nổi tiếng, góa chồng, có hai con nhỏ, làm việc tại một nông trang thời kỳ sau chiến tranh, được Khitiaeva thể hiện rất chân thực và tinh tế. Tiếp đó – vai đội trưởng sản xuất Galina trong câu chuyện tình vụng trộm và đam mê giữa anh lái máy cày với một người đàn bà góa (phim Người làm bếp, 1966, đạo diễn E. Keosayan, theo kịch bản của nhà văn nổi tiếng A. Safronov); Nadenka, cô gái vùng Volga trong phim Cánh đồng Nga (1972, đạo diễn N. Moskalenko, theo tiểu thuyết của nhà văn M. Alexeiev)… Đối với Khityaeva, mỗi vai diễn sau đều phải mới mẻ và không hề lặp lại chút gì của vai diễn trước đó. Những năm 1980 – 1990, nữ nghệ sĩ còn xuất hiện khá ấn tượng trên sân khấu ca nhạc.  Gần đây nhất, năm 2004, ở tuổi 74, bà còn lên màn ảnh với vai Varvara Alexeieva trong phim Tình yêu ân hận.

Chất Nga được truyền thụ từ Sergei Gherasimov thấm đẫm vào Khityaeva giúp nữ nghệ sĩ thường xuyên chiếm lĩnh màn ảnh và đạt đến đỉnh cao vào những năm 1960. Nét mặt thuần chất Nga, thân hình uyển chuyển bẩm sinh và đôi mắt xanh trong thăm thẳm, Khityaeva đã tạo nên hàng loạt hình tượng có cá tính, làm lan tỏa sức mạnh của lòng say mê và tình cảm chân thành. Nhưng cuộc đời riêng của nữ nghệ sĩ ít có những trường đoạn êm dằm: sau khi buộc phải chia tay người chồng thứ nhất, Khityaeva vẫn không có chỗ ở ổn định tại Moskva, tái hôn với một bác sĩ nhưng chẳng chung sống được bao lâu thì người này mất sớm và gần hai chục năm chung sống với một tay đua ô tô. Khityaeva có một người con trai, Pavel, nhiều năm làm tham tán thương mại Nga tại Thái Lan, và bao giờ bà cũng tự nhận là một người mẹ hạnh phúc. Trước nhan sắc không hề phôi phai của Liudmila Khityaeva, nhiều ký giả đã kinh ngạc và được bà giải thích: “Nếu không có tài thì nhan sắc cũng chẳng giúp được gì”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mắt biếc vùng sông Đông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO