Masan Consumer- năm 2020 phấn đấu đạt doanh thu 5 tỷ USD
Ngày 20.4, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – mã MSC) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Ban điều hành Masan Consumer đặt mục tiêu vào 2020, lợi nhuận để phân bổ cho cổ đông vốn chủ sở hữu sẽ lên tới 1 tỷ USD, gấp 1.000 lần giá trị mà Masan Consumer đã dành cho cổ đông ở thời điểm năm 2002. Đồng thời, công ty cũng đang hướng tới trở thành doanh nghiệp có doanh thu lên tới 5 tỷ USD vào năm 2020.
Tại đại hội, Masan Consumer cũng thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 và phương hướng kinh doanh năm 2017. Cụ thể, năm 2016 tổng doanh thu hợp nhất của MSC đạt 13.780 tỷ đồng, đạt 95% so với kế hoạch, tăng trưởng 4% so với 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 2.791 tỷ đồng, đạt 99,7% so với kế hoạch và giảm 4% so với 2015. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu năm 2016 là 5.165 đồng. MSC cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền là hơn 2.578 tỷ đồng, trong đó đã chi trả trong năm 2016 là hơn 237 tỷ đồng, việc chia cổ tức bằng tiền còn lại (sau khi trừ đi khoản đã được tạm ứng và chi trả trong năm 2016) là 45% tương đương 4.500 đồng/ cổ phiếu.

Ngoài ra, MSC cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu năm 2017. Cụ thể, MSC sẽ phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong công ty, loại cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000đ/cổ phần, số lượng tối đa 5.000.000 cổ phần. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ MSC sẽ tăng lên tương ứng với tổng mệnh giá số lượng cổ phần phổ thông thực tế phát hành.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông 2017, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT cho biết, đơn vị đã nghiên cứu nhu cầu, khả năng chi tiêu của người Việt Nam với ngành hàng nhu yếu phẩm hàng ngày. Kết quả cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang dành 60% thu nhập hàng tháng cho nhu yếu phẩm tối thiểu. Riêng sản phẩm của Masan, mỗi người Việt đang trả 2 USD/tháng. Và mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra đến năm 2020, mỗi người tiêu dùng có thể chi thấp nhất 10 USD/tháng mua các sản phẩm của Masan.
Năm 2017, Masan mở rộng sang ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt bên cạnh những mặt hàng thực phẩm và đồ uống quen thuộc. Với ngành hàng mới này, doanh nghiệp sẽ chưa có dự kiến doanh thu và lợi nhuận, mà tập trung vào nhu cầu, dinh dưỡng của người dùng, xây dựng hệ thống phân phối. Một lĩnh vực khác cũng được nhắc tới là các sản phẩm nước uống, trong đó có nước uống dinh dưỡng dành cho khách hàng lớn tuổi, nước uống sạch cho khu vực nông thôn. Hiện danh mục sản phẩm của Masan gồm 70% thực phẩm và 30% đồ uống. Gần đây nhất, công ty đã tăng tỉ lệ sở hữu tại nước khoáng Vĩnh Hảo lên 88,6%. Tăng tỉ lệ sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 68,46%. Cũng trong năm 2016, Masan Consumer đã tăng số điểm bán hàng lên 180.000 cho ngành thực phẩm và 100.000 cho ngành đồ uống không cồn, thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống nhận diện thương hiệu. Công ty cũng đã đầu tư khoảng 3 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới. Đây được xem là một trong các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Năm 2017, Masan đặt kế hoạch đạt 14.500-15.300 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tối thiểu 2.550 tỷ, tối đa 2.810 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 2017 ở mức 45%.