Marianne, biểu tượng của Cộng hòa Pháp

Kim Lê 14/07/2009 00:00

Ở Pháp, ta thường gặp chân dung một phụ nữ ở nhiều tượng đài đặt tại các quảng trường lớn, các vị trí danh dự trong tòa thị chính, trường học, tòa án…; trên con dấu chính thức của quốc gia; trên các đồng xu và giấy bạc, tem bưu điện... Đó là Marianne.

Marianne là biểu tượng cho quốc gia, tổ quốc, những giá trị của nước Pháp, phẩm hạnh của công dân Pháp (bên cạnh nhiều biểu tượng khác, như chú gà trống gaulois tượng trưng cho dân tộc, lịch sử, đất nước và văn hóa Pháp).

Hình ảnh của Marianne có xuất xứ từ xa xưa. Thời cổ rất phổ biến việc thể hiện tư tưởng và hình ảnh trừu tượng thông qua các thánh thần, Thượng đế và những sự nhân cách hóa mang tính biểu tượng. Điều này không thịnh hành lắm ở thời trung cổ, nhưng phát triển trở lại trong thời kỳ Phục hưng. Cách mạng Pháp 1789 đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của những hình tượng nhân cách hóa tượng trưng, đồng thời cho ‘tự do’ và ‘lẽ phải’, phổ biến nhất là hình ảnh một phụ nữ gọi là Marianne đang dẫn đầu những người Cộng hòa đi tới tự do. Tháng chín năm 1792, Quốc hội Pháp ra sắc lệnh quy định quốc ấn mới mang hình một phụ nữ đứng, tay cầm một cây giáo, đầu đội mũ phrygian hình nón làm bằng vải mềm của những người nô lệ tự do ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Sắc lệnh ngày 8-9-1848 ấn định con dấu của nền Cộng hòa Đệ nhị, được sử dụng cho đến ngày nay: thần Tự Do ngồi, tay phải cầm bó que của vệ sĩ La Mã cổ đại, tay trái giữ bánh lái tàu, trên có hình chú gà trống gaulois, cánh tay tựa trên một quả địa cầu; Đằng sau, bên phải của bánh lái là những chiếc lá sồi tượng trưng cho sự sáng suốt, bên trái là một bình nhỏ có khắc hai chữ SU (viết tắt của từ suffrage universel, nghĩa là phổ thông đầu phiếu). Dưới chân thần Tự Do là những vật tượng trưng cho mỹ thuật và nông nghiệp. Mặt chính của Đại Quốc ấn này có dòng chữ khắc nổi République franaise, démocratique, une et indivisible và 24 fév. 1848 (Cộng hòa Pháp, dân chủ, duy nhất và không thể chia cắt và 24 tháng hai 1848); mặt sau có Au nom du peuple franais và Egalité, Fraternité, Liberté (Nhân danh nhân dân Pháp và Bình đẳng, Bác ái và Tự do).

Ngày 17-3-1848, Bộ Nội vụ của chế độ Cộng hòa Đệ nhị mới được thiết lập đã mở một cuộc thi sáng tác biểu tượng cho nước Cộng hòa thể hiện bằng tranh vẽ, điêu khắc, huân chương, tiền và con dấu. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ vào tháng 7 năm đó, chính phủ lâm thời đã tuyên bố: “Hình tượng của tự do cần thay thế ở mọi nơi những biểu tượng của sự mục nát và ô danh, những thứ đã bị nhân dân Pháp cao thượng đập tan trong ba ngày (tức ‘Ba ngày tháng Bảy vinh quang’ 1830)”. Lần đầu tiên, biểu tượng Marianne cô tụ những ý tưởng của Tự do, nền Cộng hòa và Cách mạng. Năm 1849, con tem Pháp đầu tiên mang hình Marianne được phát hành khiến cho biểu tượng quốc gia này càng phổ biến.

Hình ảnh của Marianne trong các tác phẩm nghệ thuật thường là đội mũ phrygian tượng trưng cho tự do (cũng như xiềng xích bị đập gãy dưới chân nàng), để ngực trần thể hiện sự giải phóng con người. Xung quanh nàng là những vật tượng trưng khác như chú gà trống choai, phù hiệu ba màu đỏ trắng xanh, miệng hoặc chân sư tử (tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh của nhân dân), ngôi sao (ánh sáng, trí tuệ và chân lý), tam giác (sự bình đẳng), hai tay bắt vào nhau (tinh thần bác ái), cán cân (công lý), tổ ong (lao động và sự cần cù), những tia sáng (quyền lực nhà nước)…       

Việc sử dụng biểu tượng Marianne được chính thức hóa hơn dưới nền Cộng hòa Đệ tam (1870-1940). Năm 1880, bức tượng Marianne được đặt trong Tòa thị chính Paris; các thành phố khác của Pháp đã nhanh chóng noi theo. Năm 1883, anh em Moricet chiến thắng trong cuộc thi sáng tác tượng đài cho Quảng trường Cộng hòa với hình tượng Marianne cách mạng - một tay giơ cao lên trời, đội mũ phrygian truyền thống, ngực che kín. Năm 1889,  đoạt giải cuộc thi tượng đài cho Quảng trường Dân tộc nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp với Marianne mang bó que của chiến binh La Mã, mũ mềm truyền thống, một bên ngực lộ trần, xung quanh là những biểu tượng của Lao động (một công nhân đại diện cho Nhân dân), Công lý, Hòa bình và Giáo dục – những giá trị mà chế độ Cộng hòa sẽ mang lại cho các công dân. Lễ khánh thành tượng đài được tổ chức năm sau đó trong một cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ của công nhân với rừng cờ đỏ. Marianne đã trở thành biểu tượng của nước Cộng hòa dân chủ và xã hội.

Hình tượng Marianne xuất hiện trong một số tượng đài tưởng niệm Chiến tranh thế giới thứ nhất và nhiều tác phẩm nghệ thuật thời Mặt trận Bình dân 1936. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Marianne đại diện cho Tự do chống lại phát xít Đức và cho nước Cộng hòa chống lại chế độ Vichy. Từ sau chiến tranh, hầu hết các chính phủ Pháp có xu hướng sử dụng biểu tượng Marianne để đề cao những giá trị và lý tưởng Cộng hòa hơn là Cách mạng. Mặc dầu vậy, hình ảnh cách mạng của Marianne lại nổi bật trong các cuộc phản đối của sinh viên và tổng đình công lớn nhất trong lịch sử của công nhân Pháp vào tháng 5-1968.  

Từ năm 1969, tượng bán thân của Marianne huyền thoại bắt đầu được thể hiện, dựa trên diện mạo của một phụ nữ nổi tiếng đương thời được bình chọn qua cuộc bỏ phiếu của hơn 3 vạn người đứng đầu các thành phố, thị trấn, làng xã trên toàn nước Pháp. Người mẫu đầu tiên là minh tinh màn bạc, tiếp theo là nữ ca sĩ (1978), diễn viên điện ảnh (1985), người mẫu và thiết kế thời trang (1989), siêu mẫu thời trang (2000) và người dẫn chương trình mạn đàm truyền hình (2003).

Tháng chín 1999, chính phủ thiên tả của thủ tướng Lionel Jospin đưa ra biểu tượng mới tích hợp Marianne với quốc kỳ ba màu đỏ trắng xanh, khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” và quốc hiệu “Cộng hòa”, nhằm đem lại một hình ảnh dễ tiếp cận hơn đối với người dân về một nhà nước đang bị cho là “trừu tượng, xa cách và cổ xưa”, đồng thời thể hiện những kỳ vọng của công dân Pháp đối với nhà nước trong vai trò là người xúc tiến và đảm bảo các nguyên tắc tự do, bình đẳng và bác ái.

Hơn hai thế kỷ qua và có lẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, biểu tượng Marianne luôn hiện hữu như là một phần của cuộc sống và truyền thuyết của nước Pháp hiện đại.

Marianne, biểu tượng của Cộng hòa Pháp ảnh 4

Có nhiều giả thiết về nguồn gốc tên gọi cũng như hình ảnh của Marianne. Có người phỏng đoán Marianne xuất phát từ bài hát La garisou de Marianno (Sự hồi phục của Marianne) được nhà thơ viết lời bằng thổ ngữ xứ Provence và rất phổ biến trong Cách mạng Pháp 1789; một vài người thì cho rằng có lẽ đó là tên của một phụ nữ đã chăm sóc các chiến sĩ cách mạng bị thương; trong khi cũng có giả thiết cho rằng Marianne đơn giản là từ ghép của Marie-Anne, một cái tên phụ nữ được ưa chuộng thời đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Marianne, biểu tượng của Cộng hòa Pháp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO