Mạnh tay với nạn “chặt chém” đầu năm

Hải Thanh 05/02/2017 08:12

“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, câu chuyện về nạn “chặt chém”, “làm giá” của không ít nhà xe, cửa hàng dịch vụ ăn uống, các điểm trông giữ xe máy, ô tô tại các khu vui chơi, điểm văn hóa, lễ hội… lại diễn ra, đầy phản cảm.

Từ chuyện quán hàng chặt chém

Chỉ trong tuần đầu sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, liên tục những vụ tố hàng quán, dịch vụ “hét” giá trên trời, chặt chém, ứng xử thô lỗ, đuổi khách khiến người dân không khỏi xôn xao, bất bình…

Chị Đặng Thùy Dương (Hưng Yên) - một trong những nạn nhân từng bị quán phở gần đường tàu ở tỉnh H chặt chém với giá cho 2 bát phở là 900 nghìn đồng cho rằng: Mức giá 450 nghìn đồng đối với 1 bát phở không được gọi là đắt nữa, mà là “cắt cổ” khách hàng, vì phở cũng không có gì đặc biệt, chỉ có lèo tèo vài cọng phở với mấy miếng thịt bò tái. Đành rằng ngày Tết giá cao hơn vì đáng ra người ta được nghỉ ngơi đi chơi, du xuân thì lại phải phục vụ mình. Nhưng tính giá cao hơn cũng chỉ 20 - 30 nghìn đồng/bát so với ngày thường là cùng, chứ giá cao hơn ngày thường đến hàng chục lần là không thể chấp nhận được.

Mạnh tay với nạn “chặt chém” đầu năm ảnh 1
Nguồn: ITN 

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nhung - một cán bộ ngành Tòa án ở quận N, Hà Nội cũng than vãn: Ngày đầu năm trở lại công việc, buổi trưa mấy chị em cùng cơ quan rủ nhau đi lễ chùa, cũng ghé vào một quán ven đường gần phủ Tây Hồ để ăn trưa, vài ba bát bún riêu, với đĩa bánh tôm, kèm đĩa rau sống, vài lon bia, nước ngọt mà có giá lên tới gần 2 triệu đồng… Khi thanh toán tiền, chúng tôi không khỏi giật mình vì giá đúng là “trên trời”, chị Nhung bức xúc.

Rất nhiều người dân khi đi trẩy hội, du xuân tại một số danh thắng như Bái Đính, Yên Tử, Tây Thiên… cũng rơi vào tình cảnh bị chặt chém, nhưng hầu hết đều ngậm đắng nuốt cay, do không hỏi giá trước, khi ăn xong bị tính giá cao mới ngã ngửa, đành ngậm ngùi móc tiền trả cho xong. Đáng kể là có trường hợp đầu năm do bếp ăn của cơ quan chưa hoạt động trở lại nên cán bộ, nhân viên phải đi ăn quán, sau khi ăn xong không những hóa đơn bị đội lên gấp đôi, mà còn bị chủ quán “bún chửi” gần ga Trần Quý Cáp- Hà Nội đuổi thẳng cổ vì quá đông khách.

Xe khách cũng đua nhau nâng giá

  Tại buổi họp nghe báo cáo tình hình, kết quả tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 của Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 2.2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Hà Nội nổi tiếng với nhiều khu di tích lịch sử, các đình, chùa và các lễ hội truyền thống thu hút rất nhiều du khách. Do đó, thành phố cần tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị phối hợp với các Ban Tổ chức Lễ hội kiên quyết không để xảy ra tình trạng chèo kéo, cò mồi, chặt chém du khách. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát trên từng địa bàn tới cấp phường, xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu trên địa bàn quản lý xảy ra hiện tượng “chặt chém” du khách.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các bến xe lớn như Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình từ chiều ngày 1 - 3.2, dù lượng người đổ về Hà Nội không đông và ồ ạt như mọi năm, nhưng quan sát các xe về bến, có rất nhiều xe nhồi nhét khách. Khi được hỏi về giá cả, đa số hành khách cho biết, họ bị thu tiền vé cao hơn giá quy định. Cụ thể, đối với chặng đường dài từ Vinh ra Hà Nội, Quảng Bình - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội, nhiều nhà xe cũng tăng giá so với quy định từ 50.000 - 80.000 đồng; các chặng đường gần hơn từ Thanh Hóa ra Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh - Hà Nội, mức giá cũng cao hơn ngày thường từ 30 - 50.000 đồng, thậm chí có nhà xe tăng gấp đôi giá vé.

Đơn cử, đầu giờ chiều ngày 3.2 (mùng 7 tết) tại Bến xe Mỹ Đình, xe khách ồ ạt vào bến, xe ôm và taxi chen lấn, chèo kéo khách. Sau khi xuống xe, lỉnh kỉnh với mấy túi đồ, chị Nguyễn Thị Hải đi tuyến Tuyên Quang - Mỹ Đình phản ánh việc nhà xe Hồng Thịnh tăng giá vé từ 150.000 đồng lên 250.000 đồng. Chị Hải cho biết: Mặc dù nhà xe có bảng giá được niêm yết tại cửa là 150.000 đồng, nhưng hầu hết khi lên xe hành khách đều bị thu tăng lên gấp rưỡi. Có người to tiếng phản đối chuyện lái xe thu sai quy định thì bị nhân viên thu vé nói “ ngày Tết đi được thì đi, không đi thì xuống”. Vì công việc, cuộc sống mưu sinh nơi thành thị nên mọi người đành chấp nhận, trả tiền dù trong lòng vẫn đầy ấm ức.

Qua trao đổi với quản lý một số bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát được biết, các bến xe đều rốt ráo, có kế hoạch kiểm tra, xử lý các nhà xe tự ý tăng giá vé trong dịp trước, trong và sau Tết. Thực tế có một số nhà xe tăng giá vé đều được Sở Giao thông - Vận tải nơi đi cho phép tăng giá vé. Cũng có những trường hợp tự ý tăng giá, nhưng việc này không thể kiểm soát vì hầu hết các nhà xe khi kiểm tra đều tuân thủ việc niêm yết giá, việc tăng giá và trao đổi qua miệng, nên việc kiểm tra, phát hiện và xử lý lúc này lại thuộc về các đơn vị chức năng như cảnh sát, thanh tra giao thông…

Vẫn biết, những dịp trước, sau nghỉ lễ, Tết, giá dịch vụ ăn uống, giá vé đi xe thường cao hơn so với ngày thường là điều không tránh khỏi. Nhưng thiết nghĩ, tất cả đều chỉ ở mức tăng vừa phải, có thể chấp nhận được, ví dụ giá một bát phở ngày thường 30.000 đồng, thì ngày lễ có thể tăng lên 35.000 - 40.000 đồng/bát, chứ việc tăng lên 400.000 - 450.000 đồng/bát như câu chuyện chặt chém đã nêu ở trên là không thể chấp nhận. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn ở các dịp lễ sau thì ấn tượng về hình ảnh và tiếng xấu về địa phương đó sẽ còn lưu truyền. Do vậy, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí phải mạnh tay xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bằng hình thức rút giấy phép hoạt động của cơ sở kinh doanh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mạnh tay với nạn “chặt chém” đầu năm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO