Mạnh tay với dự án “treo”

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 03:01 - Chia sẻ
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực đối với 296 dự án khu dân cư đô thị. Đây là những dự án được cho phép nghiên cứu khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư nhiều năm nhưng chưa triển khai thực hiện.

Lý do dự án bị UBND tỉnh này thu hồi là do chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Một số dự án nằm trong quy hoạch đất lúa nhưng chưa được HĐND tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực hàng loạt dự án chưa triển khai cho thấy sự cương quyết của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi trong việc nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, nhằm sớm chấm dứt tình trạng dự án “treo”.

Thực tế cho thấy, dự án “treo” không còn là tồn tại, hạn chế riêng trong quản lý đất đai của riêng Quảng Ngãi. Nhiều địa phương cũng đã xảy ra tình cảnh tương tự, gây bức xúc cho người dân. Điều này đã được chỉ rõ trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Theo đó, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, trong đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị. Một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa…

Thời gian qua, dự án “treo” đã trở thành một trong những vấn đề gây bức xúc. Không chỉ gây nên sự lãng phí đất đai, tài sản nhà nước, dự án “treo” còn ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống dân sinh, đẩy không ít gia đình lâm vào cảnh “đi cũng dở, ở cũng không xong”.

Trên diễn đàn Quốc hội, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến dự án “treo”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang diễn ra ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng tới quyền lợi, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch. Người dân không thể làm nhà vì vướng quy hoạch, đi nơi khác cũng không được vì Nhà nước không có nguồn lực để giải phóng mặt bằng và làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội.

Để bảo đảm quyền lợi của người dân vùng dự án, để không gây lãng phí nguồn lực nhà nước, cần sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”. Nhằm khắc phục tình trạng này, Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường...

Thực hiện yêu cầu này, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã “siết” lại việc quản lý đất đai thông qua rà soát và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ theo quy định. Trong đó, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với 379 dự án, trong đó kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt dự án đầu tư 28 dự án…

Việc kiên quyết thu hồi dự án “treo”, dự án chậm tiến độ là điều cần thiết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tránh lãng phí nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm cuộc sống an sinh cho người dân vùng dự án. Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để “siết” từ đầu khi quyết định thực hiện dự án. Muốn vậy, cần có đội ngũ cán bộ với chuyên môn cao để thẩm định năng lực của chủ đầu tư. Cùng với đó, quy định rõ trách nhiệm của người ký phê duyệt dự án. Ngoài ra, cần có chế tài mạnh xử lý đối với chủ đầu tư dự án mà không triển khai. Có như vậy, mới chấm dứt được tình trạng chủ đầu tư dự án nhưng mục đích chính là “ôm” đất để xí phần, gây lãng phí nguồn lực đất đai, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Hà An