Manh nha một cuộc chiến

Ngọc Minh 08/05/2017 09:04

Chắc hẳn khi nhắc đến lithium, rất nhiều người tỏ ra không quan tâm. Tuy nhiên, kim loại nhẹ có màu trắng này lại tồn tại rất nhiều trong các thiết bị chạy bằng pin như: Điện thoại, máy tính bảng hay xe điện. Trong kỷ nguyên năng lượng sạch, lithium trở thành nguồn nguyên liệu bắt buộc và được coi như thứ “vàng trắng” có thể khiến nhiều nước nhòm ngó.

Nguyên liệu làm thay đổi thế giới

Đã từ lâu, lithium có mặt trong thuốc chống trầm cảm và hơn nửa thập kỷ trở lại đây, xuất hiện trong các sản phẩm điện tử gia dụng. Nó vốn là một trong những nguyên liệu bắt buộc trong việc sản xuất pin. Pin lithium ion được trang bị cho hàng loạt máy tính xách tay, điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy ảnh kỹ thuật số… Mới đây, nó cũng nằm trong danh sách một trong số 17 công nghệ mới về năng lượng sẽ làm thay đổi thế giới, theo nhận định của các chuyên gia phân tích Policy Horizan, Canada. Với kỹ thuật ngày càng hiện đại, người ta đã sáng chế ra loại pin năng lượng cao có tên lithium-air (li-air), với công suất dồi dào, có thể so sánh với năng lượng từ dầu lửa và gấp 5 lần so với pin Li-ion truyền thống. Nếu hiện tại, pin Li-ion chỉ có thể cấp điện để xe có thể vận hành 160km thì với trọng lượng và kích thước chỉ bằng 1/5, li-air có thể cung cấp lượng điện, giúp xe chạy tới 800km và tuổi thọ của pin cũng cao gấp 5 lần loại pin truyền thống. Trong tương lai, khi xe chạy bằng điện và xe hybrid (chạy bằng nhiều nguồn năng lượng khác nhau) trở nên phổ biến, người ta sẽ đua nhau khai thác lithium để chế tạo năng lượng cho xe. Theo nhận định của tạp chí Pháp Le Point, kim loại này sẽ gắn bó xe chạy bằng điện giống như các máy nổ không thể xa rời dầu lửa.

Manh nha một cuộc chiến ảnh 1

Cuộc đua đang nóng lên

Quả không sai khi nhiều người đã bắt đầu gọi lithium là vàng trắng. Chỉ trong vòng 5 năm qua, giá của kim loại này đã tăng hơn gấp đôi, từ 4.200USD/tấn lên 9.100 USD/tấn. Ước tính nhu cầu sử dụng lithium để sản xuất pin sẽ tăng 400% trong 3 năm nữa. Vì thế, ngay lúc này, một cuộc đua đang diễn ra giữa các tập đoàn, thậm chí, giữa các quốc gia. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Hàn Quốc ít chú ý đến một đất nước nghèo đói như Bolivia. Tuy nhiên, theo thống kê, quốc gia Nam Mỹ này, đặc biệt là vùng Altiplano nắm giữ đến 47% trữ lượng lithium của toàn thế giới. Bởi thế, Seoul đã có những sách lược ngoại giao quan trọng, trong đó có chương trình viện trợ phát triển đối với Bolivia nhằm bảo đảm nguồn cung cho các tập đoàn tên tuổi của mình như Samsung, Huyndai, LG… có thể tiếp tục hoạt động lâu dài.

Trong nghiên cứu mới nhất của ngân hàng Deutsche Bank, mức tiêu thụ các sản phẩm pin toàn cầu sẽ tăng 5 lần trong 10 năm tới. Điều này sẽ tạo áp lực không chỉ cho các nhà cung cấp lithium mà còn chuyển thành cuộc đua giành quyền sở hữu những tài sản liên quan đến lithium, gồm cả các mỏ khai thác và cổ phiếu các công ty khai khoáng.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của tập đoàn Shandong Mingrui (Trung Quốc). Tập đoàn này đã chi 78 triệu USD để mua lại dự án khai thác lithium ở Nam Mali (một nước Tây Phi) từ công ty Birimian (Australia). Dự án này được Birimian mua lại từ một công ty địa phương vào năm 2016 với giá 40.000USD. Nghĩa là chỉ sau một năm, giá trị khu mỏ đã tăng gần 2.000 lần.

Theo các chuyên gia, cuộc đua giành quyền cung cấp lithium sẽ còn tiếp tục nóng lên. Cách đây 7 năm, khi được tiếp đón trọng thể tại Nhà Xanh, dinh tổng thống Hàn Quốc, cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đã ám chỉ, dầu mỏ không còn là trung tâm của bản đồ chính trị tài nguyên nữa. 70% trữ lượng lithium toàn cầu nằm ở Argentina, Chile và Bolivia, nhưng việc nhượng quyền khai thác mỏ mới tại các quốc gia đó không phải là điều dễ dàng. Họ đều biết rõ, ở những khu vực giàu tài nguyên này, ai sở hữu được đều có thể thống trị thị trường bình ắc quy và pin cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử cũng như các loại xe điện. Thế giới đã từng chứng kiến cuộc chiến giá dầu, giá vàng. Không loại trừ trong tương lai, sẽ có một cuộc chiến vì lithium. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Manh nha một cuộc chiến
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO