Mạnh dạn và thận trọng
Thực hiện tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước, xã hội mà còn góp phần làm giảm tình trạng tham nhũng. Do đó, theo nhiều chuyên gia, thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp, trong đó có thí điểm áp dụng thu hồi tài sản không dựa trên kết án đã được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là thành viên.
Được áp dụng ở nhiều nước phát triển
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2021, số việc phải thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế là 4.799 việc với tổng số tiền phải thi hành hơn 72.000 tỷ đồng; đang tổ chức thi hành hơn 34.000 tỷ đồng; đã thu được hơn 4.000 tỷ đồng.
Thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án là biện pháp mà trong đó các cơ quan chức năng tiến hành thu hồi tài sản tham nhũng của người bị tình nghi phạm tội mà không cần phải có phiên tòa hình sự để đưa ra phán quyết buộc tội. Tài sản có thể bị thu hồi mà không yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm hình sự của nghi phạm.
Biện pháp này có ưu điểm là tòa án vẫn có thể tiến hành thu hồi tài sản tham nhũng khi không thể kết án người phạm tội do họ đã chết, lẩn trốn, vắng mặt hoặc được hưởng quyền miễn trừ; khi không tìm được kẻ phạm tội nhưng tìm được tài sản; tài sản đang được nắm giữ bởi một bên thứ ba không bị kết án, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nhận thức được (hoặc cố tình coi như không biết) tài sản có nguồn gốc tội phạm (tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản được sử dụng làm công cụ để phạm tội).
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) năm 2003 đã quy định cụ thể về thu hồi tài sản không dựa trên kết án và đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải hợp tác với nhau về vấn đề này. Biện pháp này hiện được áp dụng tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, phần lớn là những nước phát triển, có trình độ quản lý nhà nước cao và đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Dù thu hồi tài sản không dựa trên kết án chỉ nằm trong nhóm quy định mang tính tùy nghi, nhưng việc được ghi nhận trong một công ước quốc tế đa phương với hơn 180 thành viên cho thấy, về cơ bản, các quốc gia đã thừa nhận những đặc tính ưu việt của phương thức thu hồi tài sản này.

Nguồn: ITN
Biện pháp truyền thống vẫn là giải pháp chính
Hiện nay, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta chủ yếu được thực hiện thông qua thủ tục tố tụng hình sự. Đây là biện pháp phổ biến, quan trọng nhưng hiệu quả chưa đạt như mong đợi. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu quá lệ thuộc vào tố tụng hình sự để thu hồi tài sản sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều tài sản bị thất thoát và công tác thu hồi theo thời gian sẽ ngày càng khó khăn. Tuy nhiên cũng có lo ngại, nếu không thận trọng trong áp dụng biện pháp thu hồi tài sản không dựa trên kết án sẽ dẫn đến nguy cơ vi phạm một số quyền cơ bản của con người như quyền được xét xử công bằng, quyền suy đoán vô tội, quyền im lặng, quyền bí mật đời tư.
TS. Đỗ Thu Huyền (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, băn khoăn này không phải không có cơ sở nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục, vì xét cho cùng, mục tiêu cao nhất của đấu tranh chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và bảo vệ nhân quyền đều hướng đến bảo vệ quyền con người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương. Trên thế giới, thành tích về nhân quyền của các quốc gia thường tương đồng với thành công trong phòng, chống tham nhũng. Đa số những quốc gia có thứ hạng cao về phòng, chống tham nhũng và có quy định về thu hồi tài sản không dựa trên kết án đều có thành tích ấn tượng về nhân quyền như Mỹ, Anh, Newzealand, Australia, Thụy Sỹ, Đức... Song cần lưu ý rằng, các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng truyền thống vẫn là giải pháp chính. Các giải pháp khác, trong đó có thu hồi tài sản không dựa trên kết án chỉ là sự nối dài quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng khi biện pháp truyền thống không phát huy hiệu quả và không loại trừ khả năng người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự khi các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tội phạm.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Vũ Công Giao (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, cần tham khảo kinh nghiệm về thu hồi tài sản không dựa trên kết án mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng có hiệu quả trên các khía cạnh: giảm nghĩa vụ chứng minh thu hồi tài sản đối với những tội phạm đã được quy định trong UNCAC và Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC); chuyển nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản cho người bị tình nghi phạm tội sau khi cơ quan có thẩm quyền có bằng chứng đáng tin cậy cho rằng tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp; công nhận và thi hành phần dân sự trong quyết định, bản án của tòa án nước ngoài, đặc biệt liên quan đến tịch thu, hoàn trả tài sản do phạm tội mà có; cho phép phong tỏa hoặc thu hồi tài sản hợp pháp thay thế có giá trị tương đương với tài sản thất thoát…