Mảnh đạn (Phần cuối)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

12/05/2011 07:53

>> Mảnh đạn (Phần 2)

>> Mảnh đạn (Phần 1)

Minh họa của Thanh Huyền
Minh họa của Thanh Huyền

Tự đến là hạch tiền, là phá phách. Nhưng, nước mắt có bao giờ chảy ngược. Tự không đến thì bà cụ lại nhớ, lại buồn, lại thương, lại lo, đến mức suốt ngày bà cụ vơ vẩn vào ra, chốc chốc lại ngó ra cổng: quái, cái thằng này mấy hôm nay nó đi đâu, ở đâu?

Nửa tháng qua. Rồi ba tuần qua. Hôm nay, đang định bụng lân la ra phố để hỏi trẻ nhỏ xem có thấy Tự ở đâu không, thì nhác thấy bóng người ở ngoài cổng.

 Tim đập dồn, thập thễnh chạy ra, bà cụ vừa định reo, vội ngậm miệng, lùi lại ngỡ ngàng:

- Chào cụ ạ.

- Ơ ơ... bác. Chào bác. Bác hỏi ai ạ?

Bà cụ líu lưỡi.

 Đứng trước cánh cổng không phải là Tự. Mà là một ông lão đội mũ lá cọ, vành to bằng cái nia, mặc áo bà ba màu dâu tây rộng thùng thình, vai đeo tay nải nâu, thoạt trông như người nhà Phật đi hành hương. Nhìn kỹ thì thấy không phải. Vì còn có bộ râu mới nuôi rối rít, ngồ ngộ, và mặt còn nhiều trắc ẩn, lại bí hiểm cổ quái, lập dị khác thường. Nhìn kỹ nữa thì lại thấy có nét nhang nhác quen thân. Cái khuôn mặt hình thuẫn cổ sơ, cái sống mũi gẫy, cái khuôn miệng móm thụt vào và nhất là hai con mắt trẻ như đặt lầm chỗ, đúng là những hình nét đã được lưu giữ trong trí nhớ bà cụ, nhưng thời gian khiến chúng trở nên nhòa mờ đi ít nhiều rồi, nên bây giờ ngờ ngợ lắm.

- Cụ không nhận ra tôi rồi! - Người nọ vừa theo bà cụ đi vào nhà, vừa nói thầm trong chòm râu, rồi thoát một hơi thở dài khi ngồi xuống chiếc đôn, đoạn đặt cái tay nải lên đùi, lôi ra một chiếc cặp da đen, ngẩng lên, đột ngột và tự nhiên:

- Chú Tự có nhà không, cụ?

Chiếc cặp da đen đã sờn các đường diềm. Thêm một hình sắc quen thuộc nữa. Bà cụ lập cập rót nước. Và khi đặt chén nước trước mặt người khách, thì ký ức đã lần giở đến nếp nhăn cuối cùng, bà cụ liền như buột miệng:

- Thầy giáo Đức!

 Chỉ chờ có thế, người khách liền ngửa cái mắt trũng lên trời, vuốt râu cười hơ hơ:

- Thưa cụ, cụ còn tinh tường lắm. Cháu chính là thầy giáo Đức dạy sử ở trường cấp ba Lao Cai năm nào đấy. Cháu là anh kết nghĩa với em Tự, con cụ. Còn nhớ hôm đến uống rượu ở nhà cụ, cụ thịt con ếch hai kilô.

Bà cụ nhăn trán cố nhớ xem đã có lần nào thịt con ếch hai kilô đãi ông giáo không, thì ông giáo đã đặt tay vào khóa cặp, vai so lại, mặt ngây ngây:

- Thế đấy, ta đã đi qua bao bão tố để từ anh hùng trở nên triết nhân. Thưa cụ, chắc là cụ thấy đường đột vì sự có mặt của cháu trong căn nhà này. Nhưng, xin cụ cứ yên lòng. Cái gì cũng có nguyên ủy của nó. Giống như vũ trụ. Thoạt đầu là cái hỗn mang. Rồi cái tiên thiên. Cái Thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng... Cứ thế, nhất biến thiên. Thiên biến vạn. Vạn biến ức. Ức biến thành hằng hà sa số!

Se sẽ ngồi xuống, không kịp chen vào lời thăm hỏi, bà cụ liền bị chìm vào đám chữ nghĩa mỗi lúc một mù mịt, rối rắm của ông thầy. Đến mức lúc sau bà cụ phải sợ hãi, kêu thầm: hay đây là một thầy Đức giả? Thầy Đức xưa coi Tự như môn đệ, sáng láng lắm, chứ đâu tù mù, hỗn độn, lòng dạ không yên hòa thế này!

Ngưng mạch nói chỉ là để nuốt hơi, thầy Đức vừa mở nắp cặp, vừa tiếp; giọng lại chuyển thành nghề ngà:

- Hà, sở dĩ biết địa chỉ của em Tự là bởi vì sau hơn mười năm xa nhau, hai thầy trò chúng tôi cùng đi bộ đội, rồi lại kỳ ngộ nhau ở nhà thương điên. Hà! Tôi phải phát đơn kiện cái sự lạm dụng, dùng sai danh từ này! Sao lại điên? Điên là gì? Là phải trái bất phân! Thế thì tại sao tôi và em Tự lại vào nhà thương điên để họ bắt tắm nước nóng, tập thư giãn và uống Aminadin được? Không, tử vi tôi và Tự giống nhau. Thái dương cư ở ngọ, tức là có sự chiếu sáng rực rỡ. Cự môn cư ở cung quan, mà quan đóng ở đầu, tức là bị mang tiếng thị phi thôi. Không có khoản điên loạn ở đây! Vấn đề là họ không hiểu lịch sử xã hội là do tự nhiên quyết định. Chiến tranh, con người lăn xả vào chém giết nhau, đâu có phải vì lòng tham. Mà là do thời gian đó vũ trụ gặp bốn chu kỳ: tháng cận điểm, năm xuân phân, tháng trường trọng lực và chu kỳ vết đen trên mặt trời.

- Mời thầy xơi nước ạ.

Bà cụ cố chen lời. Nhưng nhấc chén nước lên, người nọ lại đặt xuống khay, ngất ngưởng:

- Thế nên tôi có ba lời khuyên với em Tự. Một là, giả vờ ngậm Aminadin thôi, chứ không uống, vì ta còn giữ sức để làm việc cho đời. Hai là, trời không sắp bến sắp thuyền cho em, bắt em phải biết cay biết đắng. Ba là, ta được duyên trời cho, nhìn xa được một thế kỷ. Mong em hãy giữ sự quân bình. Còn đây...

Rút từ trong chiếc cặp da đen sờn rách ra một tập giấy lớn, ông thầy nhìn bà cụ chằng chằng:

- Bây giờ tôi xin hỏi cụ: Vũ trụ quan của cụ là gì? Nhân sinh quan của cụ là gì? Hơ hơ... Tôi hỏi thế để tôi giải đáp. Tôi có thể trình bày với cụ hai vấn đề trên: hai năm liền, hoặc hai tháng, hoặc hai giờ, thậm chí... hai giây. Thưa cụ, điều đó tôi có ghi chép hết ở trong tập giấy này. Đây là công trình tôi và Tự đã cùng nhau bàn bạc, nay tôi chấp bút đã xong, tôi đưa đến để Tự đọc góp ý. Công trình có tên là Hướng về Ân Đức Bà Chúa Thượng Ngàn. Trong này có Đạo, có Pháp, có Nhân sinh quan là: liệu cơm gắp mắm, có phương châm của thời đại bao gồm các phương lược giúp đời cứu nước. Dạ, xin cụ đừng giật mình trước giao thừa chó sủa!

Lại nhấc chén nước, hai mắt trắng dã, thầy bật tiếng cười lạnh tanh:

- Xin cụ đừng giật mình trước giao thừa chó sủa!

 Bà cụ co người, rét run. Trời ơi! Chả lẽ thầy giáo Đức cũng có một mảnh đạn trong đầu? Mảnh đạn ở đâu mà lắm thế! Rồi cụ rên khe khẽ: “Thầy ơi, thầy có biết em Tự em í giờ ở đâu không, thầy?”.

*

Giờ này con ở đâu, Tự ơi?

Lòng dạ con đã yên ổn hay con lại đang lang thang đây đó như thầy giáo Đức, nghêu ngao hết chuyện này sang chuyện khác, rõ ý thiện tâm thành mà cứ như ăn nói quàng xiên, vô nghĩa.

Chết thôi! Đến nhà thầy giáo Đức thông sáng hơn người mà cũng thế a? Nhất biến thiên. Thiên biến vạn. Nếu cứ như thế thật thì sợ quá. Thì hóa ra đời người sống ngắn ngủi mà lắm đớn đau, oan khiên. Khổ! Đời người được bao lăm, khôn ngoan còn chẳng ăn ai, một chín một mười tranh cạnh còn khó, huống là những quái trạng, cô hồn, tiên thiên hậu thiên bất túc. Lúc này đây, ai cũng chẳng mang nổi mình, còn ai lo được cho ai, nữa là thiên hạ xưa nay vốn quen phù thịnh chứ có ai phù suy. Vậy nên con ơi, nhiễu tâm thì thiệt mình, khổ mình thôi, con ạ. Đời gập ghềnh vốn chỉ ưa với kẻ cứng rắn, là thế, nhưng con ơi, chả lẽ chỉ vì vậy mà lại khuyên con gạt nước mắt, bỏ ước nguyện, nhịn nhục cho qua ngày!

Bị hình ảnh thầy giáo Đức ám ảnh, bà cụ ngày đêm sốt ruột sốt gan lo sợ cho số phận Tự. Nhất là mấy hôm sau, có tin người ta vớt được xác một ông già mặc áo bà ba, đeo tay nải, ở con mương nước thải gần ngõ phố này. Không hiểu là ông cụ tự vẫn, hay đi vơ vẩn ngã xuống nước lúc tâm thần mê loạn.

Giờ này con ở đâu, Tự ơi? Ngày đêm bà cụ mong ngóng Tự trở về. Và rốt cục Tự đã trở về! Tự đã trở về trong nỗi nhớ mong của mẹ, sau gần tháng trời thầy giáo Đức đến thăm không gặp.

Đó là một trưa mùa xuân.

Điều kỳ lạ là lần này khác hẳn mọi lần trước. Không có tiếng giật cửa. Không có tiếng réo gọi. Không có lời chửi càn ngông ngạo. Không có cảnh đập phá, và sự việc xảy ra rồi mà mãi một lúc sau bà cụ mới được biết. Vì mãi sau mới nghe tiếng ai nhang nhác tiếng Tự đối đáp chát chúa ở trên gác hai. Chạy ra sân, bà cụ kinh hoàng. Phép lạ siêu thường gì mà Tự lọt qua được hàng dây kẽm gai đã được Lộc gia cố và leo lên được gác trên. Bà cụ run hết cả chân tay vì cùng lúc ấy nghe tiếng tru khiếp đảm của vợ Lộc:

- Ối bà con ơi, cứu tôi với!

 Lúc ấy, như đã định liệu trước, hai cánh cổng liền bị đẩy mạnh, mở toang. Lộc dắt xe máy vào, theo sau là mấy người công an.

Trong buồng ngủ trên gác hai chỉ có Liễu và Tự. Tự áo quần rách nát, mặt gầy lộ cốt có mấy vết cào rớm máu, miệng trễ, hai bên mép nhớt dãi nhểu nhệt lòng thòng, như đang lên cơn dại. Vợ Lộc, một bên dải váy ngủ đỏ lòe đứt thõng, da thịt nồng nỗng, tay ôm cái gối tròn thế thủ, mắt đỏ gắt, vừa thấy Lộc cầm chiếc gậy xồng xộc đi vào, liền tru tréo:

- Ối, anh Lộc! Nó định cưỡng hiếp em! Thằng khốn nạn!

Lộc dừng lại, trán nhẫy bóng, bụng phập phồng, trỏ gậy vào mặt em trai, thở hồng hộc:

- Thằng khốn! Điên gì mày!

Tự ôm mặt, ngửa lên trần nhà, người rúm lại tựa như bị một cơn đau thắt siết ngang ngực gầy.

- Đồ du thủ du thực! Thằng mất dạy! - Lộc nhe răng gầm ghè - Tao không thể ngờ mày có thể đểu giả đến như thế! Lần này thì tao không thể tha thứ cho mày được. Điên gì mày!

Dứt lời, Lộc vung gậy nhằm đầu Tự phang đòn chí tử. Tự buông tay, tỉnh hẳn và nhanh dẻo như vượn, vươn tay đỡ được đầu chiếc gậy vừa giáng xuống. Trạng thái phi thường xuất hiện. Tự nín hơi phóng xuất nội lực dự trữ, giật mạnh chiếc gậy và co chân đạp mạnh vào bụng Lộc, rồi phắt ra cửa, nhảy từ tầng hai xuống mảnh sân trước nhà, dộng đầu gậy xuống sân, thét lớn:

- Tao không điên! Tao không điên! Bớ tên Cao Trân kia!

- Bắt lấy nó hộ tôi! Bắt lấy nó, các đồng chí ơi!

- Ừ, bắt lấy nó! Nó! Nó đấy!

Chỉ mặt anh trai, gào mấy hơi ngắn, Tự như phi thân tót lên bờ tường vi.

Lộc từ tầng hai lệch đệch chạy xuống, ôm mặt hổn hển và lắp bắp:

- Thằng điên ! Thằng khốn nạn!

*

Tối hôm ấy bà cụ sang hàng xóm xin ngủ nhờ. Hôm sau bà cụ bắt đầu đi rong phố. Chỗ nào có dăm bảy người là đứng lại, mặt ngơ ngẩn, chả ai hỏi cũng cao rao:

 - Ngày nó đi bộ đội, nó dắt người yêu của nó đến nhà thằng anh nó. Nó bảo: “Anh Lộc ơi, ở nhà, anh trông nom cô ấy hộ em nhé!” Cô ấy tức thị là vợ thằng anh nó bây giờ đấy, các bác ạ.

Người nghe ngơ ngác hỏi: “Cụ kể chuyện ai đấy?” Thì bà cụ bỏ đi, tay ôm mặt, hờ: “Ối con ơi, sao mày không chết ở ngoài mặt trận, để bây giờ dở dương thế này, con ơi...”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mảnh đạn (Phần cuối)<BR /><I>Truyện ngắn của Ma Văn Kháng</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO