Manga – ngành giải trí xuyên không gian và thời gian
Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, manga Nhật Bản đã hấp thụ ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa để hoàn thiện cả về nội dung và hình thức. Chính vì vậy, đến nay, manga không còn là loại hình giải trí đơn thuần, mà được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu dưới góc độ học thuật.
![]() Poster triển lãm manga tại Việt Nam |
Nghệ thuật của sự pha trộn
Manga Nhật Bản được hình thành từ nhiều hình thức nghệ thuật lai ghép, trên cơ sở pha trộn rất nhiều nét văn hóa đa dạng, từ cổ chí kim. Ban đầu, ở Nhật Bản có những bức tranh giấy cuộn được vẽ vào thế kỷ thứ VI - VII. Từ thế kỷ XII - XIII, tranh cuộn phổ biến ở Nhật Bản, với nội dung vẽ động vật được nhân hóa, hoặc con người, rất sinh động và hài hước, thiên về tính giải trí. Tính giải trí trong truyện tranh Nhật Bản tiếp tục được phát huy trong thế kỷ XVII. Khi Nhật Bản bước vào giai đoạn mở cửa, truyện tranh đả kích du nhập vào nước này. Các nhà báo Âu, Mỹ cũng mô tả Nhật Bản qua các tranh để giới thiệu với nhân dân nước họ. Trong quá trình này, Nhật Bản học được cách vẽ đả kích, sau đó là lời thoại cho các nhân vật trong tranh, được thể hiện trong các ô tranh nhỏ, nhằm diễn tả liên tục một câu chuyện. Tuy nhiên, manga vẫn được coi là phương tiện giải trí, được in trên giấy thô nháp, bán ở các quầy sách ngoài đường với giá rẻ.

Năm 1947, tại Nhật xuất hiện tác phẩm của họa sỹ Osamu Tezuka - được coi là vị thánh của manga. Sinh ra trong gia đình giàu có, ông được xem phim hoạt họa của Hollywood và Tây Âu qua máy chiếu phim và ứng dụng phong cách vẽ này vào tác phẩm. Bên cạnh đó, ông áp dụng khéo léo những ký hiệu đặc biệt dành riêng cho manga, như: ký hiệu hình sao, hình giọt nước, hình quả bóng... Đặc biệt, ông đã đưa chủ đề về bi kịch, khiến độc giả manga phải trăn trở, suy nghĩ. Có thể nói, Osamu Tezuka đã góp phần định hình kiểu mẫu đầu tiên cho nền truyện tranh hiện đại Nhật Bản.
Từ định hình đó, manga còn tiếp tục thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của con người. Trong buổi thuyết trình Manga: ngành giải trí đi xuyên không gian và thời gian tại Hà Nội vừa qua, bà Takahashi Mizuki - thuộc Trung tâm Nghệ thuật Mỹ thuật hiện đại Nhật Bản cho biết: ngày nay, sở thích của con người tri thức hóa, đa dạng hóa thì hình thức, các ý tưởng của manga cũng trở nên phức tạp hơn. Nội dung manga thể hiện nhiều chủ đề, được xếp ngang phim truyện: khoa học viễn tưởng, bóng chày, nhạc jazz... Loại hình nghệ thuật này không chỉ thu hút trẻ em, mà nhiều lứa tuổi, tầng lớp. Bên cạnh đó, do có thể hấp thu nhiều nền văn hóa khác nhau và biến đổi phù hợp với nền văn hóa đó, manga đã đi khắp thế giới, làm say mê hàng triệu độc giả. Nhiều độc giả yêu thích đã đặt mục tiêu trở thành họa sỹ manga. Hiện manga cũng được vẽ nhiều ở bên ngoài đất nước mặt trời mọc.
Nghiên cứu manga dưới góc độ học thuật
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều công ty Nhật xuất bản nhiều loại tạp chí, sách, số tác giả cũng tăng lên nhanh chóng, đưa manga chính thức trở thành ngành công nghiệp giải trí của Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thập niên 80 của thế kỷ XX, trước sự phát triển của các phương tiện giải trí như truyền hình, internet, rạp chiếu phim…, độc giả manga ở Nhật Bản giảm. Trái lại, độc giả manga ở nước ngoài tăng lên, bởi có nhiều phần mềm hỗ trợ dịch thuật. Hiện tại, số lượng sách, tạp chí manga được xuất bản lên tới 1,1 tỷ cuốn/ năm, chiếm 40% trong tổng ấn phẩm của Nhật Bản. 1/2 sản lượng in ấn tại Nhật Bản xuất phát từ manga. Gần đây, việc công bố tác phẩm manga không còn giới hạn trên giấy, mà được giới thiệu rộng rãi trên internet. Từ truyện tranh có thể chuyển thể ra nhiều dạng khác: game, kịch hoạt họa, phim điện ảnh, phim truyền hình...
Dù manga được ưa thích, thậm chí ảnh hưởng đến cả nền mỹ thuật, văn học Nhật Bản, nhưng cuối thế kỷ XX, đa số công chúng vẫn cho rằng manga là hình thức giải trí rẻ tiền, không đáng để đưa ra bàn luận. Bà Takahashi Mizuki cho biết, năm 1990, dù muốn nghiên cứu về manga nhưng ở Nhật Bản không có trường đại học hay giáo sư nào dạy về manga. Do đó, bà phải ra nước ngoài để học về truyện tranh. Tới năm 2000, manga mới được chú ý với tư cách là đại diện văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Cùng năm đó, Hội học thuật về manga Nhật Bản được thành lập. Khi nhiều du học sinh nước ngoài đến Nhật tìm học về manga, các trường đại học mới đưa manga vào giảng dạy, như Đại học Mỹ thuật dạy cách sáng tác, sản xuất manga, nghiên cứu về manga dưới góc độ học thuật. Ở các trường phổ thông trung học của Nhật đều chuyển các CLB Mỹ thuật thành CLB Manga... Trước sự thay đổi này, nhiều bảo tàng tại Nhật mở các trưng bày về manga. Không dừng lại ở Nhật Bản, từ đó đến nay, các trưng bày về manga đã được tổ chức khắp nơi trên thế giới...
Theo thời gian, nhờ sự biến đổi linh hoạt, phù hợp với các nền văn hóa khác nhau, manga Nhật Bản đã chinh phục độc giả trên toàn thế giới. Không những vậy, với nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, các tác phẩm manga còn là cảm hứng để hình thành các tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật khác... khiến ảnh hưởng của manga Nhật Bản được lan tỏa mạnh mẽ.