Manama dậy sóng Tahrir

Minh Trang 17/02/2011 07:36

Khi làn sóng phản đối chính quyền dâng cao tại Ai Cập và Tunisia, có lẽ nước Mỹ cũng không ngờ được mầm mống phản kháng đã nhen nhóm tại một trong những quốc gia nhỏ bé nhất bên này kênh đào Suez, ở tận chóp cùng của Trung Đông. Đó là Bahrain, với dân số vỏn vẹn 1 triệu người, nhưng lại có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng trên bản đồ chính sách toàn cầu của nước Mỹ.

Manama dậy sóng Tahrir ảnh 1
Người biểu tình tập trung ở vòng xoay Trân Châu, thủ đô Manama của Bahrain

Nguồn: AP

Hôm 14.2 được gọi là “Ngày phản kháng” ở thủ đô Manama của Bahrain. Hàng chục ngàn người tiếp sức nhau cuộn về hướng quảng trường trung tâm, nơi có vòng xoay Trân Châu giống như quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairô của Ai Cập với thông điệp mạnh mẽ nhất là thay đổi Hiến pháp và chấm dứt các chính sách xâm hại quyền công dân. Đáng ra đó chỉ là cuộc biểu tình hòa bình thuần túy nếu không có một thanh niên 21 tuổi gục ngã bởi một viên đạn cao su do cảnh sát sử dụng để giải tán đám đông biểu tình. Ngày hôm sau, tại đám tang người thanh niên xấu số này, thêm một người đàn ông thiệt mạng khi cảnh sát lại xuất hiện và xảy ra xô xát. Đó đúng là hai cái chết dẫn đến tức nước vỡ bờ, bởi lần đầu tiên sau nhiều năm yên ắng, đêm thứ ba (15.2) thủ đô Manama đã xuất hiện những căn lều mà người biểu tình dựng lên. Họ cố thủ ở vòng xoay Trân Châu để gây dựng cho làn sóng Tahrir cho quốc gia Trung Đông nhỏ bé này. Hoàng gia Bahrain lo lắng và hai đồng minh thân cận nhất của họ là Mỹ và Ảrập Xêút chột dạ.

Hoàng gia Bahrain đang trị vì là triều đại Quốc vương Hamid bin Isa al-Khalifa, thuộc dòng Hồi giáo Sunni, nhưng có đến 70% dân số Bahrain là người Shi’ite. Những người đã và đang cố thủ ở vòng xoay Trân Châu đa số là người Shi’ite. Trước sức ép của người biểu tình, Quốc vương Hamid bin Isa al-Khalifa đã lên truyền hình cam kết điều tra công minh cái chết của hai nạn nhân, đồng thời hứa sẽ lập một ủy ban để thảo luận phương hướng sửa đổi Hiến pháp. Nhưng có vẻ như sự xuất hiện đó đã quá muộn. “Hôm qua, họ chỉ kêu gọi cải cách, đến hôm nay họ đã yêu cầu thay đổi chế độ”, một nhà quan sát từ Trung tâm Nhân quyền Bahrain nhận định.

Điều gì đã khiến Hoàng gia Bahrain rúng động? Theo nhà báo Reem Khalifa đang làm việc cho tờ Al Wasat, đây là lần đầu tiên một cuộc biểu tình hâm nóng được cả người Shi’ite và Sunni. Họ không xuống đường để tấn công nhau vì lý do tôn giáo như các lần trước, lần này họ cùng vẫy quốc kỳ Bahrain và đòi hỏi quyền cho người dân Bahrain mà triều đại al-Khalifa chưa đáp ứng được. Hôm qua (16.2), trong bản tin phát đi từ Manama của AP có một chi tiết rất hàm ý, rằng khu trại ở vòng xoay Trân Châu được tổ chức tốt và vững chắc. Có thể, cảm hứng Tahrir đã dậy lên ở quốc gia này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có một bài diễn văn có thể gọi nôm na là thông điệp dân chủ gửi các chính thể chưa dân chủ ở Bắc Phi nhân hai cuộc biểu tình ở Tunisia và Ai Cập. Nhưng vấn đề ở hai nước này, thậm chí là cả khu vực Bắc Phi cũng chưa đau đầu nếu biến cố tương tự xảy ra ở Bahrain. Bahrain là nơi đồn trú của Hạm đội 5 lừng lẫy của Mỹ. Những ai thuộc biên chế Hạm đội này và một bộ phận Không quân Hoa Kỳ đều gọi Bahrain là nhà. Kể từ sau cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, lúc ít nhất thì các hải cảng Bahrain cũng có sự hiện diện của tối thiểu 30 tàu chiến các loại của Mỹ. Từ đây, tàu chiến Mỹ đảm bảo an toàn cho dòng dầu chảy ra từ Trung Đông đi qua eo Hormuz mà số lượng được cho là cứ 5 thùng dầu đang được vận chuyển trên toàn thế giới thì có 1 thùng qua lại eo biển này. Cũng từ đây, Hạm đội 5 của Mỹ duy trì thế chân kiềng để cương tỏa Iran. Bất cứ sự trỗi dậy nào làm lung lay thể chế của triều đại hoàng gia al-Khalifa có thể làm xáo trộn hai vai trò địa chiến lược tối quan trọng với Mỹ như đã nêu trên. Nhưng may thay, khi chính quyền Washington còn đang rất cẩn trọng khi nhắc đến Bahrain thì đã có một đồng minh của họ ra giọng mạnh mẽ. Đó là Ảrập Xêút, bởi một lý do chung ý thức hệ tôn giáo Sunni. Mối quan hệ giữa hoàng gia hai nước là cực kỳ gắn bó, bởi vậy, một thông tin được phát đi không chính thức từ Bộ Nội vụ Ảrập Xêút rằng nước này sẽ can thiệp nếu tình hình ở Bahrain vượt quá khả năng kiểm soát của chính quyền Manama. Tuy vậy, giải pháp từ bên ngoài không phải cứ muốn là được, và Mỹ sẽ phải đau đầu với từng tin xấu lan đi từ Manama.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Manama dậy sóng Tahrir
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO