Quốc tế

Malaysia hành động quyết liệt chặn nguy cơ “chảy máu chất xám”

Ngọc Minh 20/05/2025 15:31

Trước thực trạng hơn 1,86 triệu người Malaysia đã di cư ra nước ngoài trong 50 năm qua - tương đương 5,6% dân số và cao hơn mức trung bình toàn cầu 3,6%, Chính phủ Malaysia đang triển khai các biện pháp toàn diện nhằm giữ chân và thu hút lại nhân tài, đặc biệt là các sinh viên nhận học bổng chính phủ.

Pix for representational purpose only.
Ảnh minh họa. Nguồn: thesun.my

Nguyên nhân sâu xa

Hiện tượng này đang khiến quốc gia Đông Nam Á đối mặt với một thách thức nghiêm trọng về nguồn lực lao động trình độ cao, đặc biệt khi hơn 2.800 sinh viên được chính phủ tài trợ học bổng đã tốt nghiệp và chọn ở lại làm việc tại nước ngoài kể từ năm 2010. Ước tính cứ 6 người thì có 1 người không quay lại sau khi hoàn thành việc học.

Theo Giáo sư Kinh tế Geoffrey Williams từ Đại học Khoa học và công nghệ Malaysia, nguyên nhân chính khiến sinh viên có học bổng nước ngoài không trở về nước không phải do mức lương thấp. Trái lại, những vấn đề như thiếu cơ hội nghề nghiệp, lộ trình phát triển mờ nhạt, và thiếu hệ thống tuyển dụng dựa trên năng lực mới là nguyên nhân sâu xa.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia cũng đóng vai trò lớn. Một báo cáo của Diễn đàn Tài chính Malaysia chỉ ra rằng lao động tại Malaysia chỉ nhận được khoảng 25% lợi nhuận của doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 40%. Đặc biệt, tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp lực chi phí khiến nhiều công ty ưu tiên lao động nước ngoài giá rẻ, dẫn đến sự mất giá của lao động bản địa có kỹ năng. Trong khi đó, tại Singapore - điểm đến số một của người Malaysia di cư - mức lương cơ bản cao hơn rõ rệt và thị trường lao động có cấu trúc công bằng hơn, đặc biệt cho các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao.

Một thực trạng đáng lo ngại khác là tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Malaysia (15-24 tuổi) hiện ở mức 10,6%, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới. Mỗi năm, Malaysia đào tạo khoảng 300.000 cử nhân, tuy nhiên phần lớn trong số họ rơi vào tình trạng làm việc trái ngành, dưới năng lực, hoặc mắc kẹt trong các ngành công nghiệp không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Điều này khiến nhiều người trẻ hướng tới các nền kinh tế như Singapore, nơi bằng cấp được công nhận, và lộ trình thăng tiến rõ ràng hơn trong môi trường chuyên nghiệp.

Một nguyên nhân gây tranh cãi nhưng không thể bỏ qua là chính sách Bumiputera, được áp dụng từ năm 1971 nhằm nâng cao địa vị kinh tế - xã hội của cộng đồng người Mã Lai. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính sách này cũng mang lại những hệ quả không mong muốn: chưa tạo ra nhiều công bằng trong tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm đối với các cộng đồng thiểu số như người gốc Hoa và Ấn.

Hiện nay, theo dữ liệu nhân khẩu học từ Cục Thống kê Singapore, gần 60% người Malaysia đang sinh sống tại Singapore thuộc về các cộng đồng dân tộc thiểu số này. Sự ra đi của họ không đơn giản chỉ là tìm kiếm mức sống tốt hơn, mà còn là phản ánh một mong muốn được đánh giá dựa trên năng lực thực sự, thay vì bị ràng buộc bởi sắc tộc.

Biến Malaysia thành “vùng đất cơ hội”

Tuy nhiên, theo Giáo sư Geoffrey Williams, mặc dù lương ở nước ngoài thường cao hơn, nhưng chi phí sinh hoạt cũng cao tương ứng. Do đó, để giữ chân nhân tài, Malaysia cần cải thiện hệ thống thăng tiến dựa trên năng lực và tạo ra nhiều việc làm có giá trị cao.

Còn Tiến sĩ Teh Choon Jin, Tổng Thư ký Hiệp hội các cơ sở giáo dục tư nhân Malaysia (NAPEI), cho rằng việc nhiều sinh viên được tài trợ chọn ở lại nước ngoài không nên bị coi là thiếu trung thành, hay vô ơn, mà phản ánh sự hấp dẫn của cơ hội nghề nghiệp ở nước ngoài. Ông đề xuất cần có các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập, bao gồm việc làm phù hợp với chuyên ngành, cố vấn nghề nghiệp và xác định rõ mục tiêu và lộ trình phát triển nghề nghiệp dài hạn, để khuyến khích sinh viên trở về và cống hiến cho đất nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kỹ thuật số Gobind Singh Deo cho biết, Chính phủ đang tích cực triển khai các chiến lược nhằm củng cố hệ sinh thái nhân tài quốc gia, không chỉ tập trung và cải thiện mức lương, mà còn vào phát triển hệ thống thăng tiến dựa trên thành tích, khuyến khích doanh nghiệp nội địa đầu tư vào kỹ năng và năng lực con người, hay tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, không thiên vị.

Các sáng kiến như Kế hoạch hành động kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MDEB) và chương trình HyTalent của Cơ quan phát triển đầu tư Malaysia đang được triển khai để tạo ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng cao và thu hút nhân tài trở về hoặc làm việc từ xa cho Malaysia từ nước ngoài.

Như Tiến sĩ Jin đã nhấn mạnh, khi Malaysia trở thành “vùng đất của cơ hội” chứ không chỉ là “nơi chôn nhau cắt rốn”, nhân tài sẽ tự khắc tìm đường trở về bởi họ sẽ thấy tương lai của mình gắn liền với quê hương. Và Malaysia sẽ thực sự trở thành nơi “đi để học, về để dẫn đầu”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Malaysia hành động quyết liệt chặn nguy cơ “chảy máu chất xám”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO