Malaysia chuẩn bị ban hành luật mới cải cách hoạt động bảo tàng
Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa quốc gia, Bộ Đoàn Kết quốc gia Malaysia đang chuẩn bị trình Quốc hội một dự luật mới quản lý toàn diện hoạt động bảo tàng trên toàn quốc. Đây được xem là một nỗ lực nhằm khắc phục những hạn chế trong khuôn khổ pháp lý hiện tại, đồng thời biến các bảo tàng thành những không gian giáo dục sáng tạo và có tính cộng đồng cao.
Lấp khoảng trống pháp lý
Theo Bernama, hiện nay, các bảo tàng ở Malaysia vẫn hoạt động dựa trên Luật Di sản quốc gia 2005 (Đạo luật số 645), luật này chủ yếu điều chỉnh các địa điểm di sản, tượng đài, địa điểm lịch sử, di sản hữu hình, phi vật thể. Tuy nhiên, Luật này không có quy định toàn diện về chính sách cũng như quản lý bảo tàng trên phạm vi toàn quốc dẫn đến nhiều hạn chế trong việc phát triển bảo tàng một cách đồng bộ và hiện đại.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Đoàn Kết quốc gia Aaron Ago Dagang cho biết dự luật mới đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào tháng 11 năm nay.
“Dự luật này sẽ cung cấp một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để bảo đảm bảo tàng được quản lý hiệu quả và bền vững”, ông Aaron nhấn mạnh. Ông cũng chia sẻ tầm nhìn của Bộ là phát triển bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà còn là không gian chuyển đổi, thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy phản biện và nâng cao sự trân trọng đối với lịch sử văn hóa chung của nhân loại cũng như lịch sử Malaysia.
Bộ trưởng Aaron cũng nhấn mạnh cam kết của Bộ trong việc xây dựng các bảo tàng mang giá trị bao trùm, dễ tiếp cận, phát triển bền vững và đa dạng. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo tàng để xây dựng và triển khai các chiến lược phù hợp với những nguyên tắc này”, ông nói.
Mục tiêu cụ thể bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận của cộng đồng, thúc đẩy những câu chuyện bảo tàng phản ánh đa dạng văn hóa của Malaysia, áp dụng các phương thức vận hành bền vững và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động cũng như quyết định liên quan đến bảo tàng.
Những mục tiêu này hòa nhịp với xu hướng toàn cầu trong công tác quản lý bảo tàng, nơi các bảo tàng ngày càng được xem như những trung tâm văn hóa năng động, đóng vai trò kết nối cộng đồng và thúc đẩy học tập suốt đời.
Thành lập Hội đồng bảo tàng: cơ quan giám sát mới
Theo Tổng Giám đốc Cục Bảo tàng Kamarul Baharin A Kasim đã cung cấp thêm thông tin về dự thảo luật. Theo ông, điểm mấu chốt của luật mới là việc thành lập một Hội đồng bảo tàng, đóng vai trò tư vấn và giám sát hoạt động các bảo tàng và các tổ chức tương tự trên toàn quốc.
“Hội đồng này sẽ quản lý việc thành lập và vận hành các bảo tàng cũng như các tổ chức tương tự trên khắp Malaysia”, ông Kamarul giải thích. “Hội đồng sẽ thiết lập các tiêu chuẩn, hướng dẫn và bảo bảo tuân thủ các chính sách quốc gia”.
Ông cũng cho biết, dự thảo luật được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, tham khảo các mô hình quản lý bảo tàng hiệu quả từ nhiều nước khác.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự luật là việc đưa vào hệ thống đánh giá chất lượng dành cho các bảo tàng, đặc biệt là những bảo tàng mới thành lập, trong đó có nhiều bảo tàng tư nhân. Mục đích là bảo đảm các bảo tàng này vận hành đúng hướng và không trình bày những quan điểm mâu thuẫn với chính sách quốc gia.
Thực tế, nội dung này phản ánh mối quan ngại chung tại nhiều quốc gia về việc xuất hiện các bảo tàng hoặc triển lãm tư nhân có thể đưa ra các quan điểm sai lệch hoặc gây tranh cãi, làm ảnh hưởng đến sự hòa hợp xã hội và tính xác thực lịch sử.
Hướng tới một hệ sinh thái bảo tàng năng động hơn
Luật Bảo tàng tiềm năng sắp tới của Malaysia được xem là cột mốc quan trọng trong chính sách văn hóa quốc gia. Bằng việc xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng, hiện đại, quốc gia Đông Nam Á này kỳ vọng mở ra tiềm năng phát triển cho các bảo tàng như những tổ chức giáo dục và văn hóa năng động.
Các chuyên gia nhận định, văn bản pháp lý này sẽ là đòn bẩy nâng cao tiêu chuẩn, cải thiện quản trị và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực bảo tàng. Qua đó góp phần phát triển du lịch văn hóa, tăng cường sự đoàn kết dân tộc và nâng cao vị thế văn hóa của Malaysia trên trường quốc tế.
Như lời Bộ trưởng Aaron khẳng định, “Bảo tàng không chỉ là nơi để nhìn lại quá khứ, mà còn là nơi truyền cảm hứng để chúng ta suy nghĩ sâu sắc về hiện tại và hình dung một tương lai bao dung, bền vững hơn”.