Mai Thúc Lân Một con người gương mẫu và cương trực
Từ một người con miền Nam tập kết ra miền Bắc, được Đảng, Nhà nước đào tạo rồi giao phó nhiều nhiệm vụ từ thấp lên cao, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Từ khi về công tác ở Quốc hội đã có những đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của Quốc hội... Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, anh Mai Thúc Lân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Anh Mai Thúc Lân và tôi có gần 15 năm cùng công tác ở Quốc hội. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm buồn vui trong những năm tháng đó.
1- Những ngày đầu ở Quốc hội
Anh Mai Thúc Lân là đại biểu Quốc hội Khóa VIII từ cuộc bầu cử năm 1987. Khi đó anh là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc.
Việc anh chuyển về công tác ở Quốc hội cũng là một câu chuyện dài. Tôi còn nhớ, anh Nguyễn Việt Dũng là Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước có trao đổi với tôi:
- Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội rất quan trọng, khối lượng công việc nhiều nhưng chưa có đại biểu chuyên trách. Gần đây chỉ mới có anh Nguyễn Hòa là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí được điều động về làm Phó chủ nhiệm Ủy ban. Tôi và anh Mai Thúc Lân cùng sinh hoạt trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Bắc, đôi lần tôi có ngỏ ý việc anh Lân về công tác ở Quốc hội. Đến nay anh Lân có thể thu xếp công việc ở Hà Bắc để về Quốc hội. Tôi đề nghị, chúng ta sẽ chính thức báo cáo với anh Võ Chí Công việc này.
Tôi nói:
- Thực ra tôi chưa tiếp xúc nhiều, do đó chưa hiểu biết nhiều về anh Mai Thúc Lân, nhưng tôi có 2 ấn tượng về anh. Một là, việc anh Lân là người Quảng Nam tập kết ra miền Bắc mà lại được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc cũng đủ nói lên nhiều điều. Hai là, anh Lân là người sắc sảo bởi những phát biểu thẳng thắn, chân thành và xây dựng ở các phiên họp của Quốc hội. Do đó, xin được anh Lân về công tác ở Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách là điều tuyệt vời.
![]() Nguyên Phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân cho ý kiến về việc chuyển tạp chí Người Đại biểu nhân dân thành tuần báo Người Đại biểu nhân dân (tiền thân của Báo Đại biểu nhân dân) tại Phiên họp thứ 33 của UBTVQH Khóa X |
Ảnh: TL |
Tại kỳ họp cuối năm 1989 của Quốc hội, anh Mai Thúc Lân được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách.
Thời điểm anh Lân chuyển về Quốc hội công tác là lúc cơ sở vật chất của Văn phòng Quốc hội còn rất nghèo nàn. Thậm chí chưa thể bố trí cho anh một chỗ ở, cũng không thể bố trí cho anh chiếc xe ô tô. Khi đó tôi thật lòng nói với anh:
- Anh Lân ạ, tôi về công tác ở Quốc hội trước anh hai năm. Lúc đó ở Quốc hội không có xe ô tô nên tôi phải mượn chiếc xe ở Trung ương Đoàn sang để đi. Còn bây giờ, nếu được anh giúp tôi, mượn tạm một thời gian chiếc xe anh đang đi ở tỉnh Hà Bắc có được không?
Anh Lân nói:
- Trên Hà Bắc cũng khó khăn lắm, việc mượn xe về là không thể. Bây giờ chúng ta thông cảm với hoàn cảnh chung và cùng nhau khắc phục khó khăn trước mắt, rồi sẽ giải quyết dần dần. Trước mắt ta cùng nhau tập trung cho công việc. Tôi về đây là để cùng các anh góp sức xây dựng Quốc hội. Đảng và nhân dân đang gửi gắm và đòi hỏi ở Quốc hội nhiều lắm. Anh Mão cứ yên tâm.
Nghe được câu nói của anh tôi mừng lắm. Hai anh em nhìn nhau và cùng nở nụ cười của sự đồng cảm.
Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách, từ khi có anh Nguyễn Hòa và anh Mai Thúc Lân chủ trì đã khởi sắc. Công tác thẩm tra các báo cáo của Chính phủ do Ủy ban trình bày đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Công tác giám sát của Ủy ban cũng có nhiều chuyển biến, khắc phục được tình trạng thường có trước đây là chỉ phát hiện rồi kiến nghị, còn việc giải quyết đến đâu thì chưa quan tâm, nên nhiều việc đi vào quên lãng. Là người đã từng lăn lộn ở địa phương, anh Lân mang phong cách gần dân, sát cơ sở vào hoạt động giám sát nên đã mang lại kết quả khả quan.
Năm 1991, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, anh Mai Thúc Lân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc anh Mai Thúc Lân tham gia vào cơ quan cao nhất giữa hai kỳ Đại hội của Đảng là trường hợp khá đặc biệt. Thời kỳ anh Võ Chí Công là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, tôi là Ủy viên Hội đồng Nhà nước và trực tiếp là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Hội đồng Nhà nước. Số các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác chuyên trách ở Quốc hội và Hội đồng Nhà nước không nhiều, chỉ có anh Võ Chí Công, anh Lê Quang Đạo và tôi. Một hôm, anh Võ Chí Công mời anh Lê Quang Đạo và tôi đến để trao đổi về công tác nhân sự của của Quốc hội chuẩn bị tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa VII. Anh Võ Chí Công đề cập tới anh Mai Thúc Lân rồi hỏi ý kiến của anh Lê Quang Đạo và tôi về vấn đề này. Sau khi anh Lê Quang Đạo phát biểu trước, đến lượt mình, tôi phát biểu:
- Anh Mai Thúc Lân về công tác ở Quốc hội với cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách được gần 2 năm. Tôi đánh giá cao về quá trình công tác của anh. Từ một người con miền Nam tập kết ra miền Bắc, được Đảng, Nhà nước đào tạo rồi giao phó nhiều nhiệm vụ từ thấp lên cao, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Từ khi về công tác ở Quốc hội đã có những đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của Quốc hội. Việc anh Mai Thúc Lân tham gia vào Trung ương và sẽ làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội là cần thiết và xứng đáng.
Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, anh Mai Thúc Lân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
2- Sức mạnh của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Khoá IX
Năm 1992, tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa IX, anh Mai Thúc Lân được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội và là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội.
Theo Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội mới, cũng như các Ủy ban khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế - Ngân sách có bộ phận Thường trực (gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Quốc hội). Cùng với anh Mai Thúc Lân làm Chủ nhiệm còn có các Phó chủ nhiệm là anh Lý Tài Luận, anh Nguyễn Thanh Phong và anh Trần Văn Nhẫn. Họ là các đồng chí có nhiều kinh nghiệm và đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Anh Mai Thúc Lân còn mời một số anh chị có kinh nghiệm trong vấn đề kinh tế, tài chính làm cộng tác viên. Trước hết là các đồng chí đã từng là Phó chủ nhiệm và thành viên của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách như anh Nguyễn Hòa, Nguyễn Nguyên Sinh, Dương Xuân An, Lê Văn Toàn... Các anh chị ấy đã tham gia rất nhiệt tình và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.
Bước sang Quốc hội Khóa IX, một đổi mới quan trọng là theo đề nghị của Văn phòng Quốc hội và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận việc nâng cấp bộ phận giúp việc từ tổ lên Vụ giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Anh Mai Thúc Lân mừng lắm vì từ nay Ủy ban sẽ có những chuyên gia giàu kinh nghiệm giúp việc.
Thời kỳ ấy, với vai trò Chủ nhiệm, anh Mai Thúc Lân đã đưa hoạt động của Ủy ban đi vào nền nếp, chức năng giám sát được thực hiện nghiêm chỉnh, các thành viên Ủy ban tham gia đầy đủ. Những tháng cuối năm 1992 và năm 1993, tình hình kinh tế - xã hội đã có những khởi sắc: Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được hưởng ứng, nhiều công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân đi vào hoạt động có hiệu quả; nạn lạm phát được đẩy lùi; xuất nhập khẩu đạt cao hơn những năm trước.
Anh Mai Thúc Lân là người có tư duy đổi mới. Anh quan niệm phải có những nhận thức và thay đổi trong từng nội dung của luật. Ví dụ như, việc anh đề xuất thay “Giấy phép kinh doanh” bằng “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” trong luật Doanh nghiệp, một việc tưởng chừng như rất nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa, bởi nó đã mở ra việc xóa bỏ cơ chế xin - cho mà đến hôm nay vẫn còn là vấn đề thời sự.
Tại kỳ họp cuối năm 1993 của Quốc hội, anh Mai Thúc Lân đọc báo cáo thẩm tra về tình hình và nhiệm vụ kinh tế ngân sách. Bản báo cáo được chuẩn bị rất công phu, trong đó đề cập đến một số kết quả, nhưng phân tích sâu những khuyết nhược điểm và nêu ra một số giải pháp khắc phục, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề chống tham nhũng. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng của báo cáo này.
Một vấn đề anh Mai Thúc Lân rất quan tâm là công tác cán bộ. Hiến pháp năm 1992 được bổ sung vào năm 2001 với quy định Bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là vấn đề được coi là dấu son trong quá tình đổi mới của Quốc hội. Tuy nhiên Luật Tổ chức Quốc hội lại quy định phải có 20% đại biểu tán thành thì mới tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nhưng quy định này dường như không khả thi. Anh Mai Thúc Lân là người thực tiễn nên đã đề nghị thay đổi điều kiện bỏ phiếu tín nhiệm thì mới làm được. Các đại biểu Quốc hội cũng đã nhận thấy những bất hợp lý trong quy định nhưng đến nay vẫn chưa sửa đổi được. Gần đây, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Lấy phiếu tín nhiệm. Đây là vấn đề anh Lân và tôi rất quan tâm và còn nhiều băn khoăn. Chúng tôi muốn Quốc hội bàn bạc thấu đáo nội dung này và đưa ra phương án thích đáng hơn.
Về công tác cán bộ, anh Lân cho rằng: Trước đây, có những vụ xử lý khá nghiêm, như vụ đường dây 500kW khiến một Bộ trưởng bị xử lý hình sự. Trong vụ Năm Cam, cả những đồng chí Ủy viên Trung ương đều bị xử lý hình sự. Hay vụ Lã Thị Kim Oanh, thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau đó phải từ chức, Thứ trưởng bị xử lý hình sự. Việc xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, dù là ai, cấp nào cho thấy sự nghiêm minh của công tác cán bộ của Đảng. Tuy nhiên việc xử lý cán bộ không nghiêm vẫn là một căn bệnh lâu nay nhưng bây giờ thì lơi lỏng quá. Anh Mai Thúc Lân chỉ ra nguy cơ lớn nhất hiện nay trong công tác quy hoạch cán bộ là tình trạng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích và thứ tự tiêu chuẩn: “Hậu duệ”, “tiền tệ”, “quan hệ”, rồi mới đến “trí tuệ”. Đây là điều đáng buồn, Đảng ta cần sớm chấn chỉnh.
3- Trở về xứ Quảng quê hương
Những ngày công tác ở Quốc hội diễn ra êm đềm; cuộc sống, chỗ ở và công tác ngày càng ổn định. Anh Lân hài lòng với những điều đó và nghĩ rằng không có gì phải thay đổi nữa. Nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 1993, anh Võ Chí Công gặp anh Mai Thúc Lân trao đổi:
- Tình hình nội bộ trong Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng không tốt lắm, có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tỉnh. Nếu cứ kéo dài không giải quyết được thì có thể Bộ Chính trị sẽ điều động anh vào giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy thay thế Bí thư tỉnh ủy đương nhiệm.
Sau đấy, tình hình Quảng Nam - Đà Nẵng ngày càng xấu hơn, sự mất đoàn kết trong Đảng bộ, tình trạng tiêu cực, tham nhũng, đưa đến những hậu quả về sự tụt hậu trong phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong tâm trạng của nhiều đồng chí lão thành cách mạng và cán bộ hưu trí, đảng viên trong Đảng bộ.
Chuyện ấy đã thành hiện thực. Bộ Chính trị quyết định phân công anh Mai Thúc Lân làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng; anh Trương Quang Được làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Những tháng năm công tác ở quê hương là một câu chuyện dài. Thời gian trụ lại ở địa phương không ít sóng gió. Với cương vị Bí thư Tỉnh ủy ấy, trong thời gian chỉ là hơn hai năm mà phải trải qua hai lần đại hội. Có người ví, câu chuyện nhân sự của Tỉnh Đảng bộ có thể viết thành cuốn tiểu thuyết mà phải dành cho những tay viết chuyên nghiệp mới kể hết được!
Hơn ba năm công tác ở quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, trên “mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ”, Mai Thúc Lân đã để lại những ấn tượng đậm đà, lắng đọng trong lòng nhiều đồng chí, đồng bào nơi đây, nhất là các đồng chí lão thành cách mạng về hiệu quả, cường độ làm việc; sự tận tụy, toàn tâm, toàn ý và tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân của anh.
Anh Mai Thúc Lân là người hài hước. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện: “Nội cái việc tượng đài về biểu tượng Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng kiên cường trong kháng chiến giữ nước được xây dưới triều của anh bị một sự cố sụt lún cũng gây ra xôn xao, phức tạp. Khiếm khuyết ấy được khắc phục ngay sau đó nhưng trong dân gian cũng kịp có câu vè: Chi đi Chi để đêm dài/ Lân về Lân để tượng đài ngả nghiêng.”
Có thể nói, quãng thời gian ở Quảng Nam – Đà Nẵng, qua công tác nhân sự và Đại hội Đảng, mềm dẻo lẫn quyết liệt, anh đã góp phần bồi dưỡng và đào tạo một số cán bộ có năng lực, trong đó có Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành phố Đà Nẵng sau này.
Hình như số phận đã cho anh một con người với bản chất trung thực, sắc sảo, nhạy bén, với tính cách nhanh nhẹn, quyết liệt và có phần vất vả. Riêng cái khoản vất vả thì có nhiều. Chỉ nói tới một việc, về Quảng Nam – Đà Nẵng công tác một thời gian ngắn rồi dồn sức chuẩn bị Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh. Đại hội thành công tốt đẹp nhưng chỉ có năm tháng lại có quyết định chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng. Khi đó anh Mai Thúc Lân đã ở tuổi 62 và cân nặng chỉ có 42kg. Anh lại phải gồng mình lên trong vai trò chính của việc tổ chức để thành lập một tỉnh mới Quảng Nam. Biết bao khó khăn, tất cả đều bắt đầu gần như từ con số không. Thị xã Tam Kỳ khi đó là khu đất người thưa và những đồi bạch đàn. Thôi thì đành phải cười động viên anh em trong cái tất tả chung lo...
Cái thuận lợi duy nhất chính là truyền thống kiên cường của người Quảng Nam. Mai Thúc Lân và các đồng chí của mình, bằng nghị lực phi thường để làm nên tất cả. Nhân dân Quảng Nam có được những thành tựu như ngày nay không thể nào quên công lao của những người đi trước, trong đó có phần góp sức của Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân.
4- Trở về ngôi nhà Quốc hội thân thương
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, anh Mai Thúc Lân được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Anh được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội Khóa X.
Với cương vị này của anh, tôi có ấn tượng ở bốn khía cạnh:
Một là, sắc sảo trong việc chủ trì các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.
Có thể lấy ví dụ:
Đường Hồ Chí Minh là một dự án lớn của quốc gia mang nhiều ý nghĩa. Thời gian đầu, vào cuối năm 1997, Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam được thành lập trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Đến tháng 8.1999 được nâng lên thành Ban quản lý công trình đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy rất nhiều các đại biểu Quốc hội đã bức xúc đặt câu hỏi: Tại sao một dự án quan trọng thế, gây xúc động thế mà Chính phủ lại không trình Quốc hội để xem xét, thông qua?
Thực ra, lúc đầu, Bộ Giao thông - Vận tải nghĩ đơn giản, coi đây là công trình thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đã vào cuộc và làm rõ đây là Công trình trọng điểm quốc gia, Chính phủ cần trình Quốc hội quyết định.
Công tác chuẩn bị cho dự án rất khẩn trương và bề bộn. Anh Mai Thúc Lân đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể, đòi hỏi rất cao, mặc dầu số lần chỉnh sửa lên đến con số 36 lần mới có được một dự án hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua.
Hai là, điều hành linh hoạt và có nguyên tắc tại các phiên thảo luận ở Quốc hội.
Lâu nay các đồng chí được phân công điều hành tại các phiên thảo luận ở Quốc hội thường rất khiêm tốn, như Chủ tịch Quốc hội Khóa VIII, Lê Quang Đạo nói vui: Thực ra, chủ yếu là chúng tôi đóng vai trò của người giữ trật tự.
Ở Quốc hội Khóa X, anh Mai Thúc Lân có tư duy năng động, có chính kiến rõ ràng, dám chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Anh là một trong những người góp phần đổi mới phương thức hoạt động ở Quốc hội.
Ba là, sâu sát cơ sở, lấy thực tiễn làm thước đo hiệu quả công tác của các cơ quan nhà nước.
Ở cương vị công tác cao, anh Lân vẫn luôn sâu sát cơ sở. Anh vốn là một cán bộ khoa học, kỹ thuật, trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều công tác của Đảng, Nhà nước trên nhiều địa bàn khác nhau (kể cả thời gian giúp nước bạn Campuchia), lại tích lũy được nhiều vốn sống, nên các ý kiến phát biểu của anh chứa đựng những nội dung, giải pháp thiết thực, khả thi, giúp ích nhiều cho cơ sở.
Bốn là, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhưng cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của Quốc hội.
Anh Mai Thúc Lân cho rằng: Đảng lãnh đạo thì đúng rồi, nhưng Đảng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của mình để sử dụng được trí tuệ nhân dân.
Với nhận thức như thế, tôi đã nhiều lần chứng kiến những ý kiến thẳng thắn của anh Mai Thúc Lân đóng góp cho Bộ Chính trị về nội dung và cách thức lãnh đạo đối với các hoạt động của Quốc hội.
Đối với công tác cán bộ, anh Mai Thúc Lân và tôi thường trao đổi với nhau về việc bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt cán bộ tại chỗ của Văn phòng Quốc hội. Điều rất vui mừng là nhiều anh chị em ở Văn phòng Quốc hội đã trưởng thành, giữ nhiều cương vị công tác trong Quốc hội như Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.
Có công vun trồng, có ngày hái quả. Đây là nén hương dâng lên anh với tấm lòng thành kính.