Nâng cao năng lực cho nghị sĩ
Báo cáo đã xác định trách nhiệm giải trình phải được áp dụng trong tất cả các khía cạnh nhiệm vụ và hoạt động của Nhà nước, từ chính trị, pháp lý, kinh tế và hành chính. Báo cáo cũng đã chỉ ra rằng, để hoạt động giám sát hiệu quả, thì người giám sát phải giỏi, và do đó cần tăng cường trao quyền và nâng cao năng lực cho các nghị sĩ. Trên cơ sở báo cáo, Quốc hội sau đó đã phân bổ nguồn lực bổ sung cho các ủy ban và tuyển dụng cố vấn chuyên môn cho từng lĩnh vực. Quốc hội cùng với Thượng viện cũng xây dựng các chương trình đào tạo và xuất bản nhiều tài liệu giới thiệu và sổ tay thủ tục cho các thành viên và nhân viên.
Củng cố quyền quyết định ngân sách
Một sáng kiến khác là việc ban hành Đạo luật về ngân sách và các vấn đề liên quan năm 2009, mang lại cho Cơ quan lập pháp các phương tiện để sửa đổi ngân sách. Tuy nhiên, để bảo đảm Chính phủ đóng vai trò chính trong quy trình ngân sách, đạo luật quy định rằng Nghị viện sửa đổi ngân sách sau quá trình tham vấn với công chúng và Chính phủ, trong đó phải bao gồm đánh giá hàng năm về hiệu quả hoạt động và chi tiêu của các cơ quan. Kết quả đánh giá sẽ được chuyển tới Bộ Tài chính, và cơ quan này sẽ xem xét những kiến nghị trong quá trình xây dựng ngân sách tiếp theo. Quốc hội có quyền sửa đổi dự thảo ngân sách trong trường hợp dự thảo không điều chỉnh theo những kiến nghị trước đó của Quốc hội. Đạo luật cũng thành lập Văn phòng Ngân sách Nghị viện (PBO) để đưa ra lời khuyên độc lập cho các thành viên. Tuy nhiên, cho đến nay, Quốc hội được đánh giá là vẫn chưa sử dụng đầy đủ quyền hạn ngân sách của mình.
Kiến nghị bất tín nhiệm
Một trong những công cụ Hiến pháp quan trọng nhất để Quốc hội kiểm tra và buộc cơ quan hành pháp phải chịu trách nhiệm là thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ, bao gồm cả Tổng thống. Theo quy định của Hiến pháp, nếu Quốc hội thành công bỏ phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ, thì Tổng thống phải thành lập Chính phủ mới; nếu Tổng thống bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, Tổng thống phải từ chức.
Theo Nội quy ban đầu, quyết định đưa kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm vào chương trình kỳ họp là đặc quyền của Ủy ban Chương trình. Tuy nhiên, vào năm 2012, theo một thành viên đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm đối với Tổng thống, ủy ban đã không thể đồng ý về thời điểm vấn đề cần được xem xét. Sau đó, Tòa án Hiến pháp đã xem xét và yêu cầu Nghị viện sửa đổi Nội quy cho phép Chủ tịch Quốc hội sẽ là người quyết định đưa kiến nghị vào chương trình làm việc.
Năm 2017, nhiều ý kiến, kiến nghị về thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm, đó là quy định về bỏ phiếu công khai khiến nhiều nghị sĩ không thể đưa ra lựa chọn chính xác. Tòa án Hiến pháp sau đó đã xem xét và đưa ra kết luận: việc bỏ phiếu tín nhiệm phải bảo đảm tính minh bạch, cũng như bảo đảm các cá nhân có thể hành động theo lương tâm mà không gặp khó khăn với lựa chọn của mình. Kể từ đó, Quốc hội cho phép thực hiện kiến nghị bất tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Kiến nghị luận tội
Cùng với thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm, Hiến pháp cho phép Quốc hội luận tội Tổng thống: “Quốc hội, bằng một nghị quyết được thông qua với số phiếu ủng hộ của ít nhất 2/3 số thành viên, có thể luận tội Tổng thống với lý do: vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp hoặc pháp luật; hành vi sai trái nghiêm trọng; hoặc không có khả năng thực hiện các chức năng”.
Khác với kiến nghị bất tín nhiệm, nếu Quốc hội thông qua kiến nghị luận tội, Tổng thống sẽ không được đảm nhiệm bất kỳ chức vụ công nào. Để bảo đảm tính công bằng, vào năm 2017, Quốc hội, trên cơ sở yêu cầu của Tòa án Hiến pháp, đã sửa đổi thủ tục luận tội. Theo đó, sau khi nhận được kiến nghị luận tội, Chủ tịch Quốc hội thành lập một Ban Thẩm tra gồm ba chuyên gia độc lập, từ danh sách do các đảng đề cử. Ban Thẩm tra này chịu trách nhiệm đánh giá sơ bộ xem liệu những bằng chứng được đưa ra có đủ thuyết phục để khởi động thủ tục luận tội hay không. Sau đó, Quốc hội xem xét kết luận của Ban Thẩm tra và quyết định thủ tục luận tội. Việc thành lập Ban Thẩm tra nhằm mục đích giảm nguy cơ thủ tục luận tội có thể bị lợi dụng cho những mục đích chính trị.
Ngoài Tổng thống, Quốc hội cũng có quyền luận tội những người giữ chức vụ khác theo Hiến pháp khác như người đứng đầu cơ quan kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan.
Giám sát việc thực hiện nghị quyết
Ngoài chức năng chính là thông qua các văn bản luật, Quốc hội Nam Phi còn ban hành nhiều loại nghị quyết khác nhau. Nhiều vấn đề trong số này phát sinh từ hoạt động giám sát trên cơ sở các báo cáo của ủy ban về những thiếu sót hoặc sai phạm của Chính phủ. Để tăng cường hiệu quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết, Quốc hội đã thiết lập sổ đăng ký để theo dõi các nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội sẽ trao đổi với các bộ trưởng và các bên liên quan khác để kiểm tra tiến trình thực hiện nghị quyết trong trường hợp có sự chậm trễ.